Cuộc sống

Phía sau một “cuộc chiến” giành con...

Từ khi tình yêu vơi cạn cho đến lúc nhận bản án của tòa, với họ, đó là một cuộc chiến mà thứ họ phải giành được sau khi thắng cuộc là quyền được nuôi con...

Minh họa: DAD


Tôi từng chịu những tổn thương từ “trận chiến” sau cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ mà hơn 20 năm qua, vết thương ấy có lúc vẫn âm ỉ trong lòng.

Giờ đây, khi hằng ngày ngồi tòa nghe những lời hằn học từ các cặp vợ chồng ở phiên tòa ly hôn, tôi vẫn thường tự hỏi: “Những đứa trẻ lớn lên từ một tổ ấm vỡ sẽ nhận lại điều gì sau cuộc chiến bất phân thắng bại của bố mẹ?”.

Lòng người thay đổi

Phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp hôn nhân được TAND TP Hà Nội mở sáng 14-7. Họ cùng là sinh viên, yêu nhau suốt bốn năm trước khi kết hôn. Anh là cán bộ công chức một cơ quan lớn tại thủ đô. Chị làm kế toán cho các công ty.

Họ cưới nhau năm 2000 thì một năm sau chị sinh con gái đầu lòng. Năm 2010, chị sinh thêm con gái thứ hai. Từ lúc chị phát hiện mình mang bệnh nặng cũng là lúc mâu thuẫn giữa họ ngày càng trầm trọng. Con gái thứ hai được 9 tháng thì anh bỏ về nhà bố mẹ ruột ở.

Rồi anh đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Chị không đồng ý vì cho rằng vẫn còn tình cảm với chồng, họ chỉ bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con. Xét cuộc hôn nhân của họ không thể cứu vãn, TAND Q.Long Biên xử cho họ ly hôn, giao con gái lớn cho chị nuôi, con gái út cho anh nuôi. Chị kháng cáo.

Chị kể ở tòa phúc thẩm: “Sau khi sinh cháu thứ hai thì tôi mắc bệnh suy nội tạng, nôn ra máu, răng lung lay cả hàm. Trong hai tháng tôi sút từ 58kg xuống còn 33kg. Con gái thứ hai thì mắc bệnh tiêu hóa, đi không vững, không biết gọi mẹ. Mấy mẹ con ôm nhau đi bệnh viện suốt nhưng anh không đoái hoài. Anh bỏ về nhà bố mẹ đẻ rồi thuê nhà ở với người yêu. Anh có hai đứa con với người phụ nữ ấy lại còn tung tin tôi bị thần kinh...”. Anh phản bác: “Tôi chỉ đồng ý với 1/3 những gì cô ấy nói, lý do chúng tôi ly hôn là vì không thống nhất được quan điểm dạy con...”.

“Anh chị đã ly thân năm năm nay, không ai quan tâm đến ai. Mâu thuẫn trầm trọng như vậy chị còn níu kéo làm gì?”. Chị im lặng trước câu hỏi của tòa. Sau những mâu thuẫn, chị bảo mình đã không còn tình cảm với anh. Nhưng anh muốn ly hôn để chung sống với người khác, lẽ nào chị lại dễ dàng chấp thuận?

Sau khi nghe tòa phân tích đúng sai, chị đồng ý ly hôn và đề nghị tòa truy tố anh về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Chị cũng yêu cầu được nuôi hai đứa con và buộc anh phải cấp dưỡng mỗi tháng 5,5 triệu đồng (bằng nửa tháng lương của anh).

Anh nghe vậy lập tức phản đối và đề nghị được nuôi hai con. Anh “tố” chị: “Các con ban ngày ở với ông bà nội, đêm nào cô ấy cũng đi đến 11g-12g khuya mới về đón con”. Tòa cho anh chị đặt câu hỏi chất vấn nhau. Chị nói: “Anh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, có hai đứa con riêng với người khác...”.

Chị vừa hết lời thì tòa nói nội dung câu hỏi không liên quan đến vụ việc. Anh hất hàm bảo: “Tòa nói không liên quan”. Chị tiếp tục: “Năm năm qua, khi đêm hôm mẹ con tôi ốm đau phải ôm nhau đi cấp cứu, khi tôi cần chồng, các con cần bố thì anh ở đâu mà giờ này anh đòi quyền nuôi con?”.

Anh bảo: “Tôi có chăm con hay không, tiền lương có đưa về cho cô hay không thì lương tâm cô tự biết”. Chị đáp trả: “Anh về hỏi con xem...”. Vị chủ tọa nghe thế vội ngắt lời vợ chồng họ: “Thôi, thôi...”.

Đổi con

Anh cương quyết giành quyền nuôi hai con vì cho rằng chị nuôi con không đảm bảo. Khi anh đến thăm con thì chị cấm cản, không cho gặp. Chị nghe vậy liền lục bộ hồ sơ dày cộm trong balô, lấy ra mấy hợp đồng bảo hiểm rồi bảo: “Nếu không nuôi con tốt sao tôi dám bỏ ra 600 triệu đồng để mua sáu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho con. Tôi cho con theo những khóa học phát triển tài năng cả chục triệu đồng mỗi tháng”.

Rồi chị “tố” anh đã có hai con riêng với người khác thì không thể nào chăm con của họ tốt được. Vị thẩm phán nghe thế liền bảo: “Anh chị ra tòa không phải để tranh chấp, đổ lỗi cho nhau. Không phải cứ ghét nhau rồi dùng con để tranh giành, gây hận thù với nhau. Nếu anh chị lo cho con như thế thì đã không để xảy ra sự việc ngày hôm nay”.

Anh nghe thế liền đập bàn mấy lần, quát tháo ầm ĩ giữa tòa: “Sao tòa không cho tôi nói? Vì cuộc sống bí bách quá tôi không chịu được. Cô ấy hất cả ly sữa vào mặt tôi thì làm sao tôi còn chung sống nổi…”.

Ở phiên tòa sơ thẩm, con gái lớn 14 tuổi của anh chị đã có thư gửi đến tòa với nội dung xin được ở với bố. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại không xem xét đến nguyện vọng của bé mà lại giao cháu ở với mẹ, trong khi đứa con gái út mới 6 tuổi, đang ốm đau cần sự chăm sóc của mẹ thì lại giao cho bố. Cấp phúc thẩm cho rằng tòa tuyên như vậy là không phù hợp.

Vì vậy tòa quyết định sửa án sơ thẩm, giao đứa con gái út 6 tuổi cho chị nuôi, còn anh được nuôi con gái lớn 14 tuổi. Tòa tuyên xong, anh vội hỏi HĐXX thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm để xin nuôi con út. Anh cương quyết bảo sẽ làm thủ tục xin hủy án. Chị ngồi thừ trên ghế hành lang phòng xử khi anh rời đi.

“Với người đàn bà thì đứa con là cả cuộc đời, mất con thì sẽ chẳng còn gì cả” - chị nói. Không biết giữa họ ai nuôi con tốt hơn ai. Chỉ biết rằng sau phiên tòa, cuộc chiến phân chia con giữa họ chưa thể nào dừng lại...

Bây giờ tôi nhận ra mình đã sai khi cứ đuổi theo một người không còn yêu mình. Tôi sẽ buông bỏ tất cả, chỉ tập trung kiếm tiền để lo cho các con

Chị nói

Lá thư gửi tòa án

Trong hồ sơ của tòa, ngoài những hình ảnh anh đánh chị chảy máu miệng, hình anh sống chung với người phụ nữ khác, còn có lá thư của con gái lớn gửi đến tòa. Thư viết ngắn gọn: “Vì em cháu còn bé, cần sự chăm sóc của một người có đủ tình thương và trách nhiệm là mẹ.

Còn cháu đã 14 tuổi, có đủ ý thức, đủ khả năng để chăm sóc bản thân, tự vệ khỏi bạo hành và đủ trí thông minh để đối đáp các lời lẽ làm tổn thương tinh thần. Do đó, cháu sẽ ở với bố”. Có lẽ do đã nhận ra những lời lẽ bất ổn trong lá thư ấy mà tòa sơ thẩm đã không giao bé ở với anh.

Sau phiên tòa sơ thẩm, anh không kháng cáo nhưng khi tòa phúc thẩm tuyên con lớn ở với mình, anh bảo sẽ làm kháng nghị giám đốc thẩm. Chị bảo: “Anh ta sợ nó lớn rồi, đủ nhận thức thì đời nào nó chịu ở với dì ghẻ”...

Tác giả bài viết: Tâm Lụa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP