Theo quyết định trên, các điểm trông giữ xe chất lượng cao và các điểm tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bãi biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế có mức thu phí ban ngày đối với xe ôtô chở người dưới 16 chỗ và xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn là 30.000 đồng/phương tiện; xe ôtô chở người từ 16-24 chỗ và xe tải có trọng tải từ 2,5-5 tấn là 40.000 đồng/phương tiện; xe ôtô trên 24 chỗ, xe giường nằm, xe tải có trọng tải từ trên 5 tấn và các loại xe container là 50.000 đồng/phương tiện.
Sau khi mức thu này được áp dụng kể từ ngày 1-8-2017, đã có không ít hãng lữ hành, công ty du lịch đóng tại nhiều địa phương trong cả nước có tuyến xe du lịch chở khách đến Huế phản ứng.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành bức xúc vì phí giữ ôtô tại bến xe tham quan du lịch tăng đột biến. |
Anh Nguyễn Trọng Bình, lái xe của Công ty du lịch Ngọc Tuấn (địa chỉ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều năm qua, công ty anh chuyên chở khách du lịch theo tour từ Đà Nẵng ra tham quan các di tích tại Huế. “Khi du khách đến tham quan Đại Nội, tôi phải vào bến Nguyễn Hoàng (số 3 Lê Duẩn, TP Huế) để đỗ xe.
Sau đó, tôi tiếp tục chở khách đến viếng chùa Thiên Mụ trong khoảng 30 phút và phải cho xe vào điểm đỗ xe- thuyền du lịch Thiên Mụ (số 140 Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế) theo đúng quy định. Nếu trước đây, mức phí đối với ôtô từ 16-24 chỗ tại những bến này là 25.000 đồng/lượt thì nay tăng đột biến lên 40 nghìn đồng/lượt.
Bình quân mỗi ngày tôi chở khách đi tham quan 4 điểm mất 160 nghìn đồng phí trông giữ xe, cộng chi phí cầu đường, xăng dầu thì số tiền công ty thu về không được bao nhiêu. Làm ăn kiểu này thì làm sao đưa khách du lịch đến Huế được nữa…”.
Không chỉ anh Bình mà rất nhiều tài xế khác cũng bức xúc phản ứng trước giá dịch vụ trông giữ xe khi bến xe Nguyễn Hoàng, TP Huế tăng gấp đôi giá vé. “Khi chúng tôi gặp nhân viên bến xe phản ứng tại sao lại có mức thu tăng vô lý như thế trong khi điều kiện bến bãi không có xây dựng, tu sửa gì mới thì chỉ được giải thích là thu theo quyết định của UBND tỉnh. Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, phần lớn các bến bãi dành cho ôtô chở khách du lịch đến tham quan đậu đỗ không hề thu một đồng phí nào.
Còn ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, mức thu phí trông giữ ôtô tại các điểm du lịch cũng rất thấp. Nếu tình trạng này không được cơ quan chức năng chấn chỉnh thì đây là một kiểu “tận thu” đáng lên tiếng phản ánh”, một tài xế xe 45 chỗ của hãng du lịch ở Đà Nẵng bày tỏ.
Ông Trương Hải Lệ, Bến trưởng bến xe Nguyễn Hoàng khẳng định, mỗi ngày bến tiếp nhận từ 100-120 lượt xe du lịch vào bến đậu đỗ. Những ngày qua có rất nhiều tài xế thuộc các hãng lữ hành bức xúc phản ánh với bến về chuyện tăng giá vé thu phí trông giữ xe ôtô.
Ngoài giải thích cho các tài xế và công ty du lịch, lữ hành hiểu rõ các mức thu phí theo quyết định số 30, đơn vị còn chuyển những phản ánh này lên lãnh đạo đơn vị để có hướng xem xét, giải quyết hợp lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Vinh, đại diện Ban quản lý bến xe - thuyền TP Huế cho biết: “Sau khi tiếp nhận, lắng nghe những phản ánh, bức xúc của các công ty, doanh nghiệp lữ hành, tài xế nên trong sáng 11-8, UBND TP Huế đã có chỉ đạo đơn vị cho phép các bến thu lại mức phí trông giữ xe ôtô theo như cũ (theo quyết định 56) trong khi chờ quyết định cuối cùng của tỉnh”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết thêm, dù UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành quyết định số 30/2017/QĐ-UBND về quy định giá dịch vụ trông giữ xe nhưng qua xem xét, Trung tâm vẫn giữ nguyên mức giá dịch vụ trông giữ các loại phương tiện hiện đang áp dụng.
Cụ thể xe máy 4.000 đồng/lượt; taxi 10.000 đồng/lượt; ôtô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 5 tấn 15.000 đồng/lượt; ôtô từ 16 chỗ trở lên và xe tải trên 5 tấn là 25.000 đồng/lượt.
“Việc giữ nguyên giá dịch vụ trông giữ phương tiện vận chuyển khách đến tham quan tại các điểm di tích Huế nhằm đảm bảo tính hợp lý, hài hòa giữa mức thu và tình hình thực tế tại những điểm trông giữ xe của các khu tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế”, ông Hải khẳng định.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân