Trong nước

Phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước

Theo tờ trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vừa được Bộ Công an công bố lấy ý kiến rộng rãi, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước hoặc chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Bộ Công an cho biết Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ban hành năm 2000 chưa có quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; sở hữu trí tuệ... Trong khi đó, các vụ lộ thông tin có nội dung bí mật nhà nước trên Internet, báo chí, xuất bản, hội thảo quốc tế... có xu hướng gia tăng, gây phương hại an ninh quốc gia và thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Mặt khác, từ khi pháp lệnh có hiệu lực thi hành đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ký kết hiệp định về bảo vệ tin mật với Chính phủ 5 nước (Nga, Ucraina, Bê-la-rút, Ba Lan, Bulgary) nhưng vẫn chưa có quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ và trao đổi thông tin mật, nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất.

“Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước thời gian qua diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên, là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa được đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”- cơ quan soạn thảo dẫn chứng.

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng nên việc hạn chế tiếp cận các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước sẽ phải được quy định bằng hình thức Luật. Chính vì thế, Bộ Công an khẳng định việc ban hành dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thay thế pháp lệnh hiện hành để đảm bảo đồng bộ và tương thích với Luật An toàn thông tin mạng và Luật Tiếp cận thông tin.

Ai được quyết định danh mục bí mật nhà nước?

Theo cơ quan soạn thảo, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 không quy định về thời hạn giải mật bí mật nhà nước. Qua nghiên cứu pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của một số nước trên thế giới, quy định về thời hạn bảo vệ các tài liệu có đóng dấu chỉ độ mật của Luật Lưu trữ và để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, Bộ Công an đã nghiên cứu xây dựng quy định thời hạn giải mật bí mật nhà nước sẽ được giới hạn trong khoảng thời gian nhất định: 40 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.

Đối với bí mật nhà nước đến thời hạn giải mật mà vẫn cần bảo vệ thì cơ quan nhà nước tạo ra bí mật có quyền gia hạn thời hạn giải mật.

Quy định trên sẽ đảm bảo chặt chẽ trong bảo vệ bí mật nhà nước mà không làm hạn chế quyền tiếp cận của công dân đối với các thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất phạm vi cụ thể của bí mật nhà nước và việc phân loại bí mật nhà nước sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định, trên cơ sở đề xuất của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cụ thể theo một trong hai phương án:

Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trên cơ sở thẩm định của Bộ Công an.

Bộ tưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lập danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật thuộc lĩnh vực quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực quốc phòng.

Phương án 2: Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước trên cơ sở thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Theo dự thảo luật, việc mang bí mật nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ được giao khi đi công tác hoặc về nhà riêng phải đăng ký với bộ phận bảo mật của cơ quan, đơn vị, nêu rõ tên, số lượng, độ mật của thông tin; lý do, thời gian, biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình công tác, ở nhà riêng. Khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng cán bộ bảo mật kiểm tra, đối chiếu và nộp lại cơ quan.

Việc mang bí mật nhà nước ra nước ngoài công tác, học tập phải có văn bản xin phép và được người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đồng ý. Văn bản xin phép phải nêu rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người mang thông tin; độ mật, bí mật nhà nước sẽ mang đi; mục đích sử dụng; thời gian công tác, học tập ở nước ngoài; biện pháp bảo vệ trong thời gian ở nước ngoài.

Khi xuất cảnh phải trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Tác giả bài viết: Thế Kha

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP