Ngục tù của tâm hồn
Sinh ra và lớn lên ở phố cổ, trong gia đình nhiều đời làm nghề giáo viên, Nguyễn Mai Tuấn luôn là niềm tự hào của ông bà, bố mẹ bởi cậu là cháu đích tôn, tiếp nối hương hỏa của dòng tộc.
Nghiệt ngã thay khi từ nhỏ, Nguyễn Mai Tuấn đã mơ hồ cảm nhận sự khác biệt của mình với các bạn đồng trang lứa.
Cậu không thích đá bóng, không màng những món đồ chơi siêu nhân, ô tô...Tuấn chỉ thích được mặc váy, làm tóc và chơi búp bê.
Càng lớn, những cảm nhận ngày một rõ rệt hơn. Rồi Tuấn có cảm giác rung động đầu đời, nhưng cảm xúc đẹp đẽ đó lại không dành cho người con gái nào mà với một bạn nam cùng trường. Những rung động đủ để Tuấn hiểu rằng mình là một người con gái đúng nghĩa, ẩn đằng sau thể xác nam tính kia.
Trái với tâm hồn đàn bà, Tuấn có vẻ ngoài nam tính cường tráng, cao to, giọng nói ồm ồm. Năm tháng đi học, nhiều bạn gái thầm thương trộm nhớ Tuấn, anh đều lảng tránh, chọn cách sống cô độc. Tuấn sợ ai đó biết về con người thật của anh sẽ miệt thị, chửi rủa.
Theo truyền thống gia đình, Tuấn đi dạy tại một trung tâm tiếng Anh. Anh là thầy giáo đạo mạo trên bục giảng, là niềm hi vọng của gia đình nhưng với Tuấn, đó chỉ là một bộ phim dài tập, còn Tuấn là diễn viên đang cố gắng hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc nhất mà thôi.
Chỉ khi màn đêm buông xuống, Tuấn mới dám đối diện với bản thân mình, sống đúng con người thật. Anh khoác lên người bộ váy lấp lánh, kẻ mắt, thoa môi như bao người con gái thực thụ khác, tìm đến nơi những người bạn cùng cảnh ngộ đang đợi.
Tuấn giãi bày: “Tôi thấy ngột ngạt lắm bởi gia đình giục tôi lấy vợ, cho ông bà có cháu ẵm bồng. Tôi viện lý do mãi nhưng giờ không biết tìm lý do gì nữa. Mẹ tôi còn dọa chết nếu tôi không kết hôn. Tôi định nhắm mắt cưới để tròn chữ hiếu nhưng suy đi tính lại, lừa người ta thế không được, tội họ lắm chị ạ…”.
Tôi hỏi, "Sao Tuấn không tâm sự thật với gia đình, biết đâu tìm được sự cảm thông", nhưng anh nói: “Nhiều lần tôi định cho gia đình biết sự thật nhưng rồi lại sợ bởi bố mẹ biết rồi họ sẽ ngã quỵ mất. Làm sao họ có thể chấp nhận được đứa con trai, đứa cháu trai duy nhất của dòng họ lại là một người nam không phải nam, nữ chẳng phải nữ?"
Thở dài thườn thượt, Tuấn nói tiếp: “Để vượt qua định kiến, kỳ thị của xã hội, không phải ai cũng làm được và tôi cũng vậy. Giằng xé lắm, chị hiểu cái cảm giác tay chân bị người ta trói chặt rồi nhét vào cái thùng hẹp không? Đấy ngày nào tôi cũng phải sống như thế”.
Theo Tuấn cho biết, nhiều người như Tuấn đấu tranh để được sống đúng với giới tính của mình là chuyện đã quá khó. Người nào đã chuyển giới hoàn toàn - (phẫu thuật sang hình hài phụ nữ) còn phải đối mặt nhiều rủi ro, đặc biệt là giảm thọ. Phẫu thuật xong, họ phải điều trị kéo dài bằng hormone cho đến khi chết, như thế mới duy trì được làn da mềm mại, bóng bẩy, giọng nói nữ tính.
Trước khi phẫu thuật nữa, người chuyển giới phải điều trị bằng hormone thời gian dài khoảng vài năm theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Nhưng nhiều người chuyển giới do điều kiện khó khăn đã tự mua cả hormone trôi nổi để tự tiêm, tự dùng không có hướng dẫn nào cả. Cứ đều đặn vài ngày phải tiêm 1 lần, họ tự tiêm cho nhau, bất chấp các tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy đến với họ.
“Có bạn trong nhóm tôi tự tiêm nên gặp biến chứng đau đớn. Nó giờ sống không ra sống, chết không ra chết. Nó bảo đời nó mang phận này khổ rồi, có chết mà được làm đàn bà đúng nghĩa cũng cam lòng”.
Người nào chuyển giới xong cũng chưa chắc đã sung sướng, hình hài phụ nữ nhưng giấy tờ tùy thân vẫn mang giới tính nam. Đi xin việc, đi làm ở đâu cũng bắt gặp ánh mắt dò xét của người đời...", Tuấn nói.
Sống là chính mình
Mang thân phận như Tuấn nhưng Phạm Hà Anh quê Bắc Giang, người mẫu trong một CLB chuyển giới tại Hà Nội, đang học tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, lại đang sống một cuộc đời khác. Hà Anh được là chính mình khi tự tin công khai giới tính thật.
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái, Hà Anh là con út. Dáng ngưởi mảnh khảnh, bước đi uyển chuyển mềm mại như con gái cộng với giọng nói thánh thót nên Hà Anh thường xuyên bị bạn bè trêu trọc.
Khi biết xu hướng giới tính của mình, đi đến đâu cũng bị xì xầm bàn tán, bị người đời dùng lời lẽ cay nghiệt để chửi rủa mình, Hà Anh từng rất sợ hãi, sống lặng lẽ như chiếc bóng.
Đỗ đại học, Hà Anh xuống Hà Nội, môi trường mới, cuộc sống mới khiến Hà Anh mạnh dạn hơn. Tìm hiểu qua sách báo, biết có những người cùng cảnh ngộ với mình, Hà Anh tìm đến để kết bạn, giao lưu, dần dần những mặc cảm, tự ti được xóa bỏ.
Khuôn mặt xinh đẹp nhưng đôi mắt đượm buồn, Hà Anh tâm sự: “Em cũng công khai với gia đình rồi, bố em chỉ im lặng, còn mẹ e, suy sụp lắm. Bao gửi gắm vào thằng con trai của bà giờ tan nát hết.
Mẹ mắng chửi em nhiều, em chỉ biết khóc thôi. Biết làm sao được, em đâu có được lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra.
Em chỉ mong mẹ và gia đình hiểu, xã hội kỳ thị em rồi nhưng gia đình đừng ruồng bỏ em. Mỗi lần về nhà, không khí căng thẳng nhưng em đâu có làm nên tội.
Những người như em, kể cả "bóng lộ" (người công khai giới tính) hay "bóng kín" (chưa dám công khai giới tính thật) là do ông trời đặt nhầm chỗ, không phải bệnh tật, biến thái bởi chúng em vẫn sống, vẫn lao động, học tập có ích.
Cuộc đời người chuyển giới có đau đớn, bi kịch nhưng không đau đớn nào bằng người đời kỳ thị, ghê sợ như dịch bệnh đâu chị”, Hà Anh trải lòng.
Ngày 24/22/2015, Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân.
"Điều 37 - Chuyển đổi giới tính của Bộ luật Dân sự mới quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan''.
*Tên nhân vật Mai Anh Tuấn trong bài được thay đổi
Tác giả bài viết: Diệu Bình
Nguồn tin: