* Lên án kiểu đánh bắt tận diệt
Hình thức này sẽ tận diệt nguồn lợi hải sản, nhất là trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8, là mùa mà các loài cá vào bờ sinh sản.
Tàu giã cào hoạt động trên vùng biển ven bờ Quảng Bình |
Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình nhấn mạnh: “Hình thức này đã bị nghiêm cấm và có các quy định xử phạt, tuy nhiên vì lợi ích, nhiều tàu cá đã bất chấp vào vùng gần bờ khai thác, làm cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ cũng như hư hỏng nhiều ngư lưới cụ của ngư dân vùng lộng”.
Vi phạm có hệ thống
Như một quy luật, vào những thời điểm trên, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình lại phải căng sức ra để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tàu giã cào tận diệt nguồn lợi cửa biển. Đại úy Trần Văn Thiết, thuyền trưởng Hải đội 2 (BĐBP Quảng Bình) cho hay, lực lượng BĐBP cũng đã bắt 6 cặp tàu đánh giã cào ven biển Quảng Bình. “Tất cả tàu đều của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều tàu có hành vi tái phạm và chống đối lực lượng chức năng” - đại úy Thiết nói thêm.
Ngư dân Nguyễn Văn Hải (xã Bảo Ninh - Đồng Hới) cho hay, có ngày trên vùng ven biển Quảng Bình có hơn chục cặp tàu công suất trên 600 CV đánh giã cào. Khi nghe tin tàu tuần tra là họ dong tàu ra khơi để trốn tránh. Anh Hải bức xúc: “Trong khi ngư dân tỉnh mình chấp hành tốt, tàu có công suất trên 300 CV đã ra khơi đánh bắt. Còn tàu của các tỉnh công suất lớn lại cứ càn quét đánh bắt kiểu tận diệt. Như vậy thì tôm cá làm sao sinh sản kịp”.
Nhiều ngư dân có thuyền nhỏ được đánh bắt ven bờ lo lắng thực sự. Sau hơn một năm xảy sự cố môi trường biển thì mới có được dấu hiệu hồi sinh của cá tôm. Các rạn đá đã trở lại vùng sinh sản cho các loài cá. Do đó, hình thức đánh bắt giã cào đã trực tiếp đe dọa sự hồi sinh của biển. Ngư dân Lê Văn Tư (xã Quang Phú - thành phố Đồng Hới) làm nghề câu mực tỏ ra lo lắng: “Mỗi lần ra biển, chứng kiến tàu giã cào ngang nhiên xâm hại chúng tôi rất bất bình. Đấy là kiểu đánh bắt tận diệt".
Mỗi cặp tàu giã cào thường có công suất từ 500 CV trở lên. Vùng lưới giã cào rộng đến cả trăm mét, mắt lưới nhỏ, được hai tàu kéo quét sát cả tầng đáy. Lưới này bắt được cả những loài cá mới sinh sản nhỏ bằng ngón tay người lớn. Mỗi giã kéo lướt qua thì vùng biển đó hầu như không còn loại cá nào. Thông thường, mỗi giã lưới thường diễn ra từ 4-7 giờ đồng hồ. Trung bình mỗi giã, tàu thu được từ 2-3 tấn cá lớn, bé các loại. Đưa vào bờ bán cho đầu nậu thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng/giã lưới. Qua đó, mỗi tàu giã thu khoảng 40-60 triệu đồng mỗi ngày. Đó là lý do khiến tàu giã cào vi phạm có hệ thống.
Truy đuổi tàu giã cào |
Có những chủ tàu sau khi bị phạt được giải thích, tuyên truyền và yêu cầu không tái phạm. Nhưng ngay liền sau đó đã quay lại vùng biển để đánh bắt.
Đơn cử, chủ tàu mang số hiệu QNg 97258TS là ông Nguyễn Thanh Diêu (trú tại xã Nghĩa An - TP Quảng Ngãi) bị lực lượng chức năng Quảng Bình phát hiện vi phạm trên vùng biển ven bờ với hình thức đánh lưới giã cào và bị xử phạt hành chính phạt 48 triệu đồng. Đúng 10 ngày sau, tàu của lực lượng thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Bình bắt quả tang cặp tàu này đang đánh bắt ở vùng biển ven bờ Quảng Bình. Khi được chất vấn vì sao cố tình vi phạm, thì thuyền trưởng Diêu lấp lửng: “Do ra khơi hiệu quả không cao nên tính làm vài chuyến ven bờ để lấy vốn”.
Riêng cặp tàu của thuyền trưởng Nguyễn Đình Tây (trú tại Nghĩa An - TP Quảng Ngãi) mang số hiệu QNg 02665TS và QNg 92662TS đánh giã cào cách bờ biển Quảng Bình khoảng 5 hải lý đã bị tàu tuần tra phát hiện và xử phạt 48 triệu đồng vào thời gian hồi đầu tháng 5. Hai ngày sau, cặp tàu này đã tái phạm cũng trên cùng tọa độ và bị lực lượng BĐBP Quảng Bình bắt giữ, xử phạt tiếp 48 triệu đồng.
Tương tự, cặp tàu mang số hiệu QNg 91748 TS và QNg 91847 cùng có công suất 640 CV do Lê Văn Hiền (trú tại Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) làm chủ tàu nhiều lần bị tàu tuần tra phát hiện trên vùng biển ở Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tuy nhiên, tàu tuần tra chưa đủ sức truy bắt nên cặp tàu giã cào của ông Hiền chưa bị xử lý lần nào. Khi bị tàu cao tốc của lực lượng BĐBP Quảng Bình áp tải về thì ông Hiền mới chịu ký vào biên bản vi phạm.
Cần phải tăng chế tài xử lý
Theo quy định, những tàu vi phạm chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính chứ không thể có hình phạt bổ sung nào khác. Theo anh Lê Ngọc Linh thì cần bổ sung hình phạt kèm theo là lực lượng chức năng được quyền tịch thu ngư lưới cụ vi phạm. Bởi trên thực tế, tàu vi phạm chỉ chạy ra vùng biển khơi. Đợi khi tàu tuần tra đi khỏi lại quay vào tiếp tục thả lưới đánh bắt ở khu vực cấm. “Có được thẩm quyền tịch thu lưới giã cào thì các tàu vi phạm buộc phải quay về bến vì không có ngư cụ đánh bắt. Qua đó hạn chế được tình trạng này” - ông Linh nhấn mạnh.
Xử lý tàu giã cào vi phạm trên biển |
Cũng qua thực tế trên biển cho thấy, nhiều tàu giã cào cố tình để màu sơn số hiệu tàu bị bong tróc nên cả khi tiếp cận gần cũng rất khó đọc chính xác được số hiệu. Đây cũng là cách né tránh sự phát hiện của tàu tuần tra.
Trước tình hình tàu giã cào xâm hại đến vùng biển lộng Quảng Bình táo tợn và liều lĩnh, tỉnh Quảng Bình đã giao Sở NN-PTNT chủ động lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng BĐBP, CSGT đường thủy Công an tỉnh… để tăng cường tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả.
Phối hợp thiếu chặt chẽ Gần đây nhất, lực lượng thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã truy bắt và xử lý 2 tàu giã cào số hiệu QNg 97361 TS, QNg 97162 TS cùng công suất 920 CV của chủ tàu Võ Bắp (huyện Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) khi đang khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ TP Đồng Hới, xử phạt 48 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã tổ chức 17 cuộc thanh tra về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện và xử lý 95 trường hợp vi phạm.Trong đó, xử phạt 24 tàu giã cào đôi của ngư dân Quảng Ngãi khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ. Theo ông Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình thì Chi cục đã gửi công văn cho Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tuyên truyền và có biện pháp đối với những tràu vi phạm của ngư dân Quảng Ngãi. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi để phối hợp làm tốt nhiệm vụ quản lý, bải vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Thông nói. |
Tác giả: TÂM PHÙNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam