Xe

Ôtô 'bán không ai mua', ngắc ngoải ở Việt Nam

Nhiều mẫu ô tô của Hàn Quốc, Trung Quốc đến Việt Nam với "niềm tin và hy vọng" lớn lao nhưng cuối cùng chẳng gặt hái được gì và ngày càng mất hút trên thị trường.

Xe Hàn chìm nghỉm

Một loạt các thương hiệu ô tô, trong đó có những tên tuổi đã ra mắt hoành tráng cách đây cả chục năm, nhưng đến nay doanh số bán vẫn lèo tèo và lạ hoắc đối với người tiêu dùng.

Đầu tháng 10/2005, một buổi lễ được tổ chức để chính thức ra mắt dòng xe đa dụng 7 chỗ PMC Pronto tại một khách sạn hạng sang ở Hà Nội. Đây là sản phẩm của tập đoàn Pyeonghwa Motors Corp (PMC), Hàn Quốc, được Mekong Auto lắp ráp tại Việt Nam.

Điểm ấn tượng nhất của sản phẩm này là kiểu dáng đẹp, với hai lựa chọn động cơ dầu Mitsubishi hoặc Isuzu (Nhật Bản). Đặc biệt, nó có giá bán rất hợp lý: khoảng 500 triệu đồng.


Xe đa dụng 7 chỗ PMC Pronto

Chiếc PMC Pronto khi đó được cho là đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một chiếc xe đa dụng hiện đại với nội thất khá sang trọng, được trang bị nhiều thiết bị tự động... Ban lãnh đạo Mekong Auto tin rằng, chiếc Pronto sẽ thuyết phục được những khách hàng có thu nhập vừa phải.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại chê PMC Pronto. Kiểu dáng thì đẹp, giá dễ mua, nhưng lắp ráp quá thô: các mối nối hở, cửa xe đóng mở không nhẹ nhàng, máy nổ to, leo dốc chậm chạp, phụ tùng thay thế quá đắt, chạy khoảng 10.000 km thì mọi thứ đã xuống cấp,... Một số đánh giá cho rằng đây là chiếc xe Trung Quốc mang thương hiệu Hàn Quốc.

Đến nay, tuy xe vẫn tồn tại nhưng doanh số bán lèo tèo. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, năm 2015 Mekong Auto chỉ bán được 55 chiếc PMC Pronto, còn 4 tháng đầu năm 2016 có khá hơn, khi bán được 34 chiếc.

Với tốc độ ra sản phẩm mới nhanh và nhiều công nghệ hiện đại như hiện nay của các hãng xe, dự báo PMC Pronto sắp lùi vào dĩ vãng.

Một thương hiệu xe Hàn khác vào Việt Nam 2 năm nay nhưng cũng khá ế ẩm, dù được nhập khẩu nguyên chiếc, cấu hình cũng như công nghệ và thiết kế khá ổn, đó là Samsung. Samsung là một thương hiệu ôtô rất thân thuộc với người dân xứ Kim chi. Tuy nhiên, sang đến Việt Nam, thương hiệu này lại chìm nghỉm dưới Hyundai, Kia - những thương hiệu Hàn Quốc khác.

Lý do chính dẫn đến thất bại của Samsung là vì thương hiệu quá đuối. Sau 2 năm hiện diện ở Việt Nam, đây vẫn là một thương hiệu ôtô xa lạ với không ít người. DN kinh doanh sản phẩm này thừa nhận, rào cản lớn nhất hiện nay là thương hiệu. Rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam quá coi trọng thương hiệu, để rồi bỏ qua những sản phẩm chất lượng, giá rẻ.


Một chiếc xe Samsung

Năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á lan rộng tới Hàn Quốc, đẩy các tập đoàn lớn như Samsung vào khó khăn.

Để đối phó, tập đoàn này buộc lòng phải bán “đứa con” của mình. Hãng Renault (Pháp) sau 2 năm đàm phán đã mua lại Samsung Motors. Từ đó, thương hiệu này là sự kết hợp của "tên” Hàn, “hồn” Nhật và "xác" Pháp. Các sản phẩm mang tên Samsung, nhưng sử dụng động cơ của Nissan và thân vỏ của Renault.

Vào tháng 5/2014, Samsung Renault Motors đã giới thiệu tại Việt Nam với hai dòng xe mới nhất là SM3 và QM5. Tuy ‘à “lính mới” nhưng lượng khách đến thử xe rất đông. Thương hiệu này có những thành công ban đầu tại Việt Nam, với giá bán từ 685 đến 965 triệu đồng.

Xe Tàu ngoắc ngoải

Thương hiệu xe Haima xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua nhà phân phối KYLIN-GX668. Tuy nhiên, sau 5 năm đặt chân đến dải đất hình chữ S, xe của Haima không mấy được người Việt quan tâm.

Haima là kết quả của sự hợp tác giữa công ty xe hơi Hải Nam (Trung Quốc) và Mazda (Nhật Bản). Haima đã giới thiệu 4 sản phẩm tại Việt Nam với ngoại hình có nhiều nét giống những chiếc Mazda. Giá bán của cả 4 mẫu xe này cũng rất phù hợp với giới bình dân, tuy nhiên nó nhận được nhiều lời chê hơn là khen.

Chẳng hạn, ghế xe thì bọc da nhưng chất liệu lại không đẹp, chế độ chỉnh ghế không thật sự ấn tượng, gây khó chịu đối với người sử dụng; vô lăng kém nhạy; tính ổn định thân xe kém,... Cả 4 mẫu xe của thương hiệu này này đều không được khách hàng quan tâm và bán được rất ít.


Xe SUV cỡ nhỏ CS35

Cái tên thứ hai là Changan, hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai của Trung Quốc, có mặt tại Việt Nam từ giữa năm ngoái thông qua con đường nhập khẩu nguyên chiếc.

Dịp ra mắt, Changan tung ra thị trường hai dòng xe, gồm SUV cỡ nhỏ CS35 giá 559 triệu đồng/xe và xe minibus G50 giá 769 triệu đồng/xe. Trước đó, Changan đã bán 2 dòng xe Eado (sedan) và Honor (MPV 7 chỗ) từ cuối năm 2014 tại TP HCM, song lượng bán ra chẳng được bao nhiêu và khách có nhu cầu không hề quan tâm.

Cuối cùng là BAIC. Tháng 10/2015, tại một triển lãm xe hơi nhập khẩu diễn ra ở Hà Nội, người tiêu dùng Việt Nam mới tận mắt thấy 3 mẫu xe của BAIC.

Trong đó, phải kể đến mẫu BAIC CC cạnh tranh trực tiếp với dòng sedan hạng C như Mazda3, Kia K3 và Toyota Corolla Altis, có thiết kế hiện đại thể thao, giá bán khoảng 600 triệu đồng. Tiếc rằng, ấn tượng với người tiêu dùng lại chỉ là những sản phẩm na ná, bắt chước kiểu dáng của các “ông lớn” đã quá nổi tiếng. Từ đó đến nay, thương hiệu này cũng mất hút trên thị trường, rất khó bắt gặp một chiếc BAIC chạy trên đường.

Người Việt vốn không thích ô tô Trung Quốc, ngoài chuyện chất lượng không cao, nhanh xuống cấp thì thương hiệu xe Tàu quá yếu. Cùng với đó, các trạm sửa chữa, bảo hành của các hãng xe này đều rất ít, trong khi xe lại nhanh hỏng. Hơn nữa, xe cũ Trung Quốc không bán lại được. Các cửa hàng kinh doanh ô tô cũ luôn nói không với xe cũ Trung Quốc. Điều này dự báo, các mẫu xe Trung Quốc trên có nguy cơ theo chân những tên tuổi như Lifan, BYD, Chery,... phải rút về nước.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP