Số hóa

Ốp iPhone in 'đường lưỡi bò' bán tràn lan ở Trung Quốc

Nhiều dân buôn phụ kiện Việt Nam bức xúc khi bắt gặp các mẫu vỏ bảo vệ smartphone in nội dung sai trái về chủ quyền biển đảo được bán ở Trung Quốc.


Lấy hàng trực tiếp tại Thâm Quyến (Trung Quốc), anh Tuấn Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi ở đây bày bán nhiều mẫu vỏ iPhone có in "đường lưỡi bò". Sản phẩm này do thương hiệu WK sản xuất, được thiết kế cho dòng iPhone 6, 6s và iPhone 6 Plus, 6s Plus.

Nhiều mẫu ốp bảo vệ smartphone in "đường lưỡi bò" được bán tại Trung Quốc với giá rẻ hơn các ốp loại tương đương. Ảnh minh họa.


Một mẫu có tông màu đỏ chủ đạo, ở chính giữa in vùng lãnh thổ của Trung Quốc màu vàng, đặc biệt là xuất hiện các vạch nét đứt thể hiện "đường lưỡi bò". Ngoài ra, loại ốp bảo vệ này còn có thêm dòng khẩu hiệu bằng tiếng Trung nhằm tuyên truyền sai trái về chủ quyền biển đảo.

Anh Tuấn Anh chia sẻ: "Tôi rất bức xúc khi thấy những mẫu ốp in 'đường lưỡi bò' được bày bán công khai tại Trung Quốc". Với kinh nghiệm hơn chục năm kinh doanh phụ kiện, anh Tuấn Anh ước tính có cả triệu chiếc ốp kiểu này được xuất xưởng và tới tay người dùng.

"Dòng ốp trên được sản xuất nhằm ăn theo cơn sốt của một số ngôi sao Hoa ngữ, bán khá chạy tại Trung Quốc", anh Tuấn Anh cho biết thêm. "Đặc biệt, loại vỏ bảo vệ này được bán giá chỉ 3 nhân dân tệ (khoảng 10 nghìn đồng), trong khi loại có chất lượng tương đương nhưng không in 'đường lưỡi bò' bán tầm 9 tệ (khoảng 30 nghìn đồng)".

Theo anh Tuấn Anh, có khá nhiều người nước ngoài mua loại sản phẩm này. "Giá rẻ, lại in chữ Trung Quốc nên nhiều khách không hiểu vẫn cứ nhập bình thường. Chính người trong nghề như chúng tôi cũng khó giải thích được vì sao loại ốp 'đường lưỡi bò' lại có giá rẻ chỉ bằng một phần ba", anh bất bình.

Ngày 12/7, tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và tiếp tục khẳng định cái gọi là "chủ quyền" với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời ngang ngược cho rằng các việc làm của Trung Quốc "hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế".

Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch nhồi nhét rằng Biển Đông là của nước này bằng các chương trình giáo dục từ nhỏ, các cuốn sách địa lý, hàng loạt quả địa cầu, hộ chiếu... và mới nhất là những chiếc ốp điện thoại in "đường lưỡi bò".

Tác giả bài viết: Đình Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP