Trong nước

Ông Võ Kim Cự và “cơn bão” cuối cùng

Giữa cơn bão dư luận, giữa dồn dập thông tin kỷ luật, cách chức những người liên quan sự cố môi trường biển miền Trung, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người gắn với dự án Formosa - đã dành cho PV Báo Lao Động một cuộc gặp riêng.

Ông Võ Kim Cự trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: P.V

“Nói gì bây giờ”?

Tôi hẹn gặp ông Võ Kim Cự khi biết tin ông vừa bị kỷ luật vì những sai phạm tại dự án Formosa. Đến cổng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên đường Dương Đình Nghệ, đúng lúc ông đi công chuyện về. Ông xuống xe, chào tôi với chất giọng xứ Nghệ chắc nịch, rồi nhanh chóng đi vào cầu thang, lên phòng làm việc. So với cuộc tôi gặp lần trước, thời điểm báo chí săn lùng, căn phòng Chủ tịch Liên minh HTX giờ được bài trí khác đi rất nhiều. Tôi đùa: “Chắc thầy phong thủy tư vấn?”. Ông cười, không nói gì. “Ông đã quyết định xin thôi Đại biểu Quốc hội? Thấy mình không xứng đáng hay vì sức ép nào?”. “Sức ép gì, chuyện đó không quan trọng nữa. Việc liên quan đến tôi báo chí nói hết cả rồi, có gì mà nói nữa đâu”. “Sau xin thôi Đại biểu Quốc hội, ông sẽ quyết định thế nào với chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN?”.

“Tôi quyết định gì à?” - ông trầm ngâm một lúc, có lẽ với ông, nói gì lúc này cũng khó. Có nhiều điều không thể giãi bày với báo chí, có thể là bí mật công tác, cũng có thể là tính cách “ngang” của ông. Khi sự cố Formosa xảy ra, dư luận phong cho ông biệt danh người “chống cự cứng như sắt” (chơi chữ từ tên của ông “Kim Cự”, và cũng vì việc ông tránh báo chí đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nhắc nhở). Cán bộ Hà Tĩnh đúc rút những tính cách nổi trội từ các lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, thì “gan” của ông Võ Kim Cự là nổi trội nhất. “Gan Kim Cự” là tố chất quyết liệt, “lỳ lợm” trước khó khăn.

Ông chậm rãi: “Tôi đã làm tất cả chỉ vì muốn dân thoát khổ. Người dân Kỳ Anh bao đời dưới chân đèo Ngang nắng khô cháy, mưa như trút nước, ăn còn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nói gì đến giàu có. Nếu cứ đều đều, từ từ mà tiến, không đột phá, mảnh đất dưới chân đèo Ngang sẽ muôn đời là “đang nghèo”. Tôi đưa dự án vào đất Kỳ Anh để dân có việc làm, cơ sở hạ tầng được nâng lên, thay đổi cách làm ăn cũ, mở mang tư duy và hội nhập trong làm ăn kinh tế. Việc xảy ra ai mà ngờ được”. “Ông có băn khoăn gì nếu các chức vụ bị mất hết”. “Có gì mà băn khoăn. Cái gì lợi cho Đảng, cho dân, cho nước thì làm. Tôi không có ý kiến gì trước các quyết định cấp trên đã ra”.

Ông Võ Kim Cự, một "chuyên gia xé rào"


Chuyên gia “xé rào” - tính cách và số phận


Cả đời ông Võ Kim Cự là cuộc bươn bả, tả tơi, ngã rồi đứng dậy, vinh và nhục cách nhau sợi chỉ, đôi khi nó có cả cùng một lúc. Có chuyện kể thời bao cấp bữa ăn no nhất của Võ Kim Cự là đuổi theo con đại bàng cướp bộ lòng mà nó cắp được khi dân làng mổ lợn. Bộ lòng lợn ấy cho ông bữa no nhớ đời. Lớn lên với tính cách quyết liệt, “chuyên gia phá rào”, biết làm ăn kinh tế, giàu có thì cha mất. Người bạn thân có lần bắt gặp ông gục đầu khóc trong phòng làm việc, ông khóc vì người thân mất sớm, mất trong nghèo khó.

Trong mắt nhiều người thân và quen biết, Võ Kim Cự là “chim báo bão”, người đàn ông bé nhỏ vóc dáng nhưng quyết liệt, tình cảm. Một con người có nhiều tố chất nổi trội ưu - khuyết đan xen. Ông Dương Xuân Nam - nguyên Thường vụ T.Ư Đoàn, người có tình cảm sâu sắc với Võ Kim Cự thời làm Bí thư Huyện đoàn Cẩm Xuyên nhận xét: “Võ Kim Cự ngã là đứng dậy chạy”. Tính cách quyết liệt đó vừa giúp Võ Kim Cự có thành tựu trong sự nghiệp, nhưng cũng biến chính mình thành “cánh chim báo bão”.

Sẽ chẳng ngạc nhiên, nếu hôm nay ông Cự lại gặp bão lớn khi “điểm” lại thành tích liều lĩnh của ông?

Võ Kim Cự sinh 1957, tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 18 tuổi làm Bí thư Đoàn xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Thời đó, Võ Kim Cự phát động phong trào làm bèo hoa dâu và trở thành mô hình hiệu quả nhất tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ đó, cái tên Võ Kim Cự bắt đầu “một cuộc phiêu lưu”.

Năm 1978, Võ Kim Cự là Bí thư Huyện đoàn, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên và phụ trách Trung đoàn Thanh niên xung phong mang tên Phan Đình Giót. Giai đoạn 1978 - 1991, Võ Kim Cự làm rất nhiều việc “liều mạng”. Đầu tiên Võ Kim Cự tìm cách gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin kinh phí mua 2 ôtô về mở Trung tâm Dạy nghề huyện Cẩm Xuyên. Cũng giai đoạn này, Trung đoàn TNXP đã nhận xây toàn bộ kênh mương nội đồng của huyện.

Anh cán bộ đoàn khi đó hăng hái chỉ huy các đoàn viên thanh niên làm kinh tế, phát triển quỹ đoàn bằng cách thu lượm 200.000 tấn sắt là mảnh bom, phế liệu, mang bán. Thời đó, kinh tế tem phiếu, đất nước có chiến tranh mà anh Bí thư Huyện đoàn đã có tư duy mới đến thế nên bị người ta gièm pha. Càng “gay go” hơn khi Võ Kim Cự huy động kinh phí xây được trụ sở Huyện đoàn 3 tầng khang trang. Sự “đột phá” ấy, cộng với “xé rào” trong kết nạp Đảng cho một đoàn viên nên ông bị cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cách chức Bí thư Huyện đoàn.

Ngã đâu đứng dậy chỗ đó. Sau một thời gian bền bỉ cống hiến, Võ Kim Cự được phục chức.

Năm 1989, trong thời gian chưa đầy nửa tháng, huyện Kỳ Anh đón liên tục ba cơn bão lớn. Tất cả làng mạc dưới chân đèo Ngang tan hoang. Võ Kim Cự khi đó là Bí thư Huyện đoàn Cẩm Xuyên, phụ trách Trung tâm Dạy nghề của huyện nghe tin đã đến hiện trường, dùng máy quay phim ghi lại những cảnh tiêu điều, xơ xác của ngôi làng dưới chân đèo Ngang làm tư liệu, liên hệ với một Việt kiều ở Pháp (quen biết thời Võ Kim Cự đi học chính trị tại Trường đoàn Liên Xô) để xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm bên đó.

Việc làm này, Võ Kim Cự bị tịch thu tài liệu, chặn xuất cảnh và bị tỉnh phê bình.

Năm 1992, Võ Kim Cự được bầu vào Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, làm Tổng Giám đốc điều hành Liên doanh Austinh với Australia. Phía Hà Tĩnh góp vốn bằng sản phẩm tinh luyện ti-tan, phía Australia góp vốn bằng máy móc. Sản phẩm của ta làm ra bị tính giá rẻ mạt, còn máy móc cũ kỹ, thậm chí thải loại thì họ tính giá cao. Võ Kim Cự bị lừa, doanh nghiệp thua lỗ nặng, cơ sở sản xuất bị đổ vỡ. Ông bị đình chỉ công tác, cơ quan điều tra chuẩn bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam. Ông Cự lập tức kêu oan và được một tướng công an đề nghị xem xét lại vụ án. Quan điểm của tướng công an này là đất nước mới mở cửa, chưa có kinh nghiệm làm ăn với nước ngoài, đây là trường hợp đầu tiên sau chiến tranh bắt tay hợp tác làm ăn với tư bản. Tuy có sai sót, nhưng do hăng hái, đi đầu “mở đường” nên không khởi tố vụ án.

Thời gian sau Võ Kim Cự được phục chức, tiếp tục điều hành Cty và năm 2000 Cty làm ăn có lãi bằng nguồn thu ngân sách cả tỉnh.

Có chút thành tựu trong điều hành kinh tế, ông Cự được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Trưởng ban Khu kinh tế Vũng Áng. Sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy. Ông đưa dự án Formosa vào Hà Tĩnh, biến tỉnh nghèo nhất nước vào danh sách top đầu cả nước. Trong dự án này, một kỷ lục được thiết lập không chỉ về quy mô và còn về tốc độ giải phóng mặt bằng. Đây không chỉ là kỷ lục Việt Nam và cả thế giới: Dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á, do Formosa đầu tư với số vốn 10 tỉ USD (giai đoạn 1), được khởi công xây dựng năm 2008 tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án này, phải di dời hơn 2.200 hộ, 10.000 nhân khẩu, 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ... tại 5 xã, bàn giao hơn 3.000ha đất và mặt nước cho nhà đầu tư. Thời gian giải phóng mặt bằng chưa đến 2 năm!

Trong tốc độ khủng khiếp triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Trưởng ban giải phóng mặt bằng Formorsa thời đó, đầu năm nay đã hầu tòa vì mắc lỗi trong giải ngân tiền đền bù. Ông đang đối mặt bản án 10 năm tù. Nói về mắc lỗi trong giải phóng mặt bằng, ông Bổng nói: “Khủng khiếp, sức ép khủng khiếp. Nếu không có ông Cự, không bao giờ giải phóng mặt bằng được”. Ông Bổng cũng thú nhận, làm việc với ông Cự khó mà cãi được!

“Chim báo bão” gục ngã vì bão…

Lần này, ông Cự có thể sẽ đối mặt một cơn bão lớn nhất đời mình, đó có thể là cơn bão cuối cùng, khi thời gian, sức vóc, nhiệt huyết “của con chim báo bão” đến giới hạn của nó.

Thời gian đang đưa ông Võ Kim Cự về với ga cuối của cuộc đời. Cơn bão cuối cùng và “con chim báo bão” đã mỏi cánh và không còn thời gian để gượng dậy? Có nhiều góc nhìn về công - tội ông Võ Kim Cự. Nhưng, nếu ông Võ Kim Cự “gục ngã” trong bão Formosa thì điều đó ở khía cạnh vô tận của cuộc đời, cú ngã đó sẽ giúp những người tiếp bước tránh được chướng ngại vật, nhắc nhở chúng ta tránh được những sai lầm. Người tiên phong, mở đường, “xé rào” luôn để lại cho chúng ta những bài học.

Nay mai, khi các báo có thể giật tít “ông Võ Kim Cự thôi chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”, hoặc “Ông Võ Kim Cự về hưu trước tuổi” không biết còn ai ngạc nhiên không?

Tác giả: LÊ ANH ĐẠT

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP