Tại phiên chất vấn chiều qua 6-7 tại HĐND TP Đà Nẵng đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, vấn đề người dân phải chung sống với ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn 20 năm tiếp tục được đưa ra.
Chiều 6-7, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho hay hàng trăm hộ dân Liên Chiểu đã và đang phải sống chung với bãi rác Khánh Sơn hơn 20 năm qua. Việc phải sống chung với ruồi muỗi, không khí ô nhiễm nặng nề đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt họ.
“Chúng tôi nói nhiều lần nhưng tình hình chưa đươc cải thiện đáng kể. Cũng vì quá bức xúc mà nhiều lần dân chặn xe chở rác gây ô nhiễm nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Thay mặt cho người dân Liên Chiểu, tôi tha thiết đề nghị TP sớm có phương án xử lý, sớm đóng cửa bãi rác Khách Sơn giúp dân” – ông Thị nói.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, TP đã và đang cố gắng để đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm cho người dân.
Ông Dương Thành Thị chất vấn về môi trường. Ảnh: TÂM TRI. |
Theo ông Nam, Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), khi trung tâm này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề rác thải tại TP. Theo dự kiến năm 2019 sẽ đóng cửa bãi rác Khánh Sơn nhưng có khả năng thời gian đóng cửa sẽ lâu hơn.
Chia sẻ với bức xúc của ông Thị, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, bản thân đã nhiều lần trực tiếp đi thị sát mức độ ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn.
Bởi vậy ông hoàn toàn hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây. “Dân đang đếm từng ngày thoát bãi rác này nên phản ứng của ông Thị là dễ hiểu. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương liên quan cần có thêm các giải pháp khắc phục dứt điểm đối với bãi rác này”- ông Anh nói.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT giải trình về các điểm nóng môi trường. Ảnh: TÂM TRI. |
ĐB Lê Thị Như Hồng lại bức xúc trước việc các mỏ đá Phước Tường gây tiếng ồn, ô nhiễm, ách tắc đường khiến nhiều nhà dân bị nứt, cứ 7-10 ngày dân lại chặn đường.
"Trước đó, TP đã có quyết định tạm ngừng hoạt động nhưng đến tháng 10-2016 lại cho phép nâng công suất", ĐB Hồng nói rồi đặt vấn đề có nên cho tồn tại hay đóng cửa mỏ đá?.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện việc đo dư chấn phạm vi ảnh hưởng, cuối tháng 7 sẽ có kết quả. Trên cơ sở đó sẽ xác định mức độ thiệt hại để đền bù cho người dân. Đối với các hộ dân nằm trong khoảng cách gần thì sẽ cho di dời”
Theo ông Nam, việc thanh tra, kiểm tra, yêu cầu khai các đơn vị khai thác cam kết đảm bảo vấn đề về môi trường, giao thông cũng được thực hiện thường xuyên. Thời gian tới nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả, có thể tính đến phương án đóng cửa các mỏ này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, chuyện khai thác các mỏ đá trên Hòa Vang tồn tại đã lâu nhưng chưa xử lý quyết liệt.
“Quý vị đi máy bay nhìn xuống thấy phía tây thành phố rất nham nhở, các doanh nghiệp thì không tuân thủ pháp luật, chỉ chạy theo lợi nhuận. Thời gian tới, Sở TN&MT cần tăng cường chức năng quản lý, đưa vấn đề khai thác khoáng sản thành chuyên đề giám sát của HĐND thành phố” - ông Anh nói.
Sáng nay (7-7) HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục làm việc với phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài chính.
Tác giả: TÂM AN-NGUYỄN TRI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM