Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (Ảnh: AP) |
Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Lầu Năm Góc ngày 15/12, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất do Triều Tiên phóng đi hôm 29/11 chưa thể tấn công Mỹ. Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc không nêu cụ thể lý do khiến ông cho rằng tên lửa Triều Tiên chưa được coi là đủ sức đe dọa Mỹ.
“Tên lửa Triều Tiên vẫn chưa chứng tỏ khả năng đe dọa chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi vẫn đang tiến hành phân tích các dữ liệu liên quan. Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Mattis nói.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa ICBM Hwasong-15 mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn và tấn công bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa nước này đã bay cao 4.475 km, bay xa 950 km trong vòng 53 phút. Giới phân tích đánh giá đây là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng Hwasong-15, Bộ trưởng Mattis từng khẳng định rằng tên lửa này bay cao hơn mọi tên lửa trước đó của Triều Tiên, đồng thời cho biết đây là một phần trong chương trình nghiên cứu và phát triển của Bình Nhưỡng nhằm chế tạo tên lửa có khả năng bắn tới bất kỳ đâu trên thế giới.
Đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Mattis gần đây, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về năng lực thực sự của tên lửa Triều Tiên so với những gì nước này tuyên bố. Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa thành công trong việc hồi quyển cũng như đảm bảo độ chính xác trong hệ thống dẫn đường của tên lửa.
Tuy vậy, điều khiến giới chuyên gia lo ngại là tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên khi nước này tiến hành tới 15 vụ thử tên lửa từ đầu năm đến nay, trong đó có 3 vụ thử ICBM. Ngoài ra, vụ thử bom nhiệt hạch do Bình Nhưỡng tiến hành hồi tháng 9 cũng là điều khiến Mỹ lo ngại khi đây được xem là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên từ trước đến nay.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí