Kinh tế

Ổn định nghề nuôi tôm hùm

Sáng ngày 13/4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông với chủ đề “Nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung”.

Tới nay, vùng nuôi tôm hùm phân bố khá rộng nhưng được nuôi tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Năm 2017, sản lượng tôm hùm nuôi đạt hơn 1.530 tấn, chủ yếu là các loại tôm hùm bông và tôm hùm xanh, mang lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản thì việc phát triển nhanh chóng số lượng lồng nuôi tại Phú Yên và Khánh Hòa đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm cục bộ và bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân những năm gần đây. Nếu năm 2015 có 3.463 lồng nuôi tôm hùm tại Quảng Ngãi và Khánh Hòa bị thiệt hại thì đến năm 2016 có 7.124 lồng nuôi bị thiệt hại tại hầu hết các tỉnh có nuôi tôm hùm như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 15.715 lồng nuôi tôm hùm tại Phú Yên bị thiệt hại, trong đó số lồng bị thiệt hại trên 70% là 11.978 lồng, số lồng bị thiệt hại từ 30-70% là 3.219 lồng và khoảng 3,3% số lồng bị thiệt hại dưới 30%. Các bệnh thường gặp là bệnh sữa, bệnh đỏ thân và đen mang, trong đó bệnh sữa xuất hiện nhiều nhất và gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, theo TS Lê Anh Tuấn -Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thì tôm hùm giống cần phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tôm giống phải khỏe mạnh, cùng kích cỡ, cùng loài.

Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, tôm hùm giống tự nhiên là các hộ dân trong vùng hoặc địa phương khác đến khai thác và bán cho chủ nậu, chủ yếu là sang tay nên rất khó để kiểm soát và kiểm định. Do đó, chúng ta cần phải có những nghiên cứu bãi đẻ, đặc tính di cư của những ấu trùng tôm hùm giống, xác định trữ lượng, mùa vụ, để từ đó ban hành các quy định cấp phép khác thác tôm hùm giống, hạng ngạch cũng như khai báo kiểm dịch…

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã đưa ra các giải pháp như: tăng cường quản lý các loại thuốc, hóa chất, phế phẩm sinh học để nuôi tôm hùm; thu hút các doanh nghiệp, cơ quan khoa học nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm, thực nghiệm mô hình nuôi tôm hùm trên bờ theo công nghệ RAS, công nghệ nuôi vùng biển hở và sản xuất thức ăn công nghiệp để thay thế dần các loại cá ăn tạp. Trong đó, chú trọng đến xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất – kinh doanh tôm hùm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu tôm hùm Việt Nam trên thị trường.

Tác giả: Văn Nhất

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP