Giáo dục

Ở trường học, công trình phụ luôn được dùng nhiều nhất

Nhà vệ sinh trong trường học cần có tính thẩm mỹ, thuận lợi và sạch đẹp để giáo viên và học sinh cảm thấy thoải mái và đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

LTS: Các công trình nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, xuống cấp tại các trường học từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh và giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em do không được giải tỏa kịp thời nhu cầu “tế nhị” này.

Liên quan đến vấn đề này, thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua cũng có lệnh cấm thu tiền vệ sinh của phụ huynh.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (một giáo viên ở Quãng Ngãi) bày tỏ thái độ đồng tình với chủ trương trên và cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của cơ sở thiết yếu này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!

Nhà vệ sinh trường học quá bẩn gây bức xúc!


Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng chia sẻ:

“Vừa rồi tôi có đi khảo sát một số trường ngay ở Hà Nội và số khác ở các tỉnh lân cận. Tôi mới phát hiện ra rằng, nhiều trường, Phòng hiệu trưởng thì rất tốt có nhà vệ sinh rất sạch sẽ nhưng nhà vệ sinh của các cháu học sinh thì bẩn kinh khủng.

Phần lớn các trường như vậy, thậm chí ngay ở Hà Nội, nhiều trường vào tới cổng đã ngửi thấy mùi bể phốt. Tôi cảm thấy rất lo lắng khi tận mắt nhìn thấy nhà vệ sinh của các em”.

Một nhà vệ sinh xuống cấp, bẩn trong trường học (Ảnh: vietnamnet.vn).


Bước vào năm học mới, khi trả lời báo chí, các bậc phụ huynh và học sinh ở nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội đều bày tỏ nỗi lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhà vệ sinh học sinh phổ thông quá bẩn thỉu, không đảm bảo vệ sinh.

Nhiều em nhận xét: “Nhà vệ sinh thì có nhưng luôn trong tình trạng hôi bẩn, vàng ố, thiếu giấy vệ sinh, không có nước rửa tay, thậm chí có nơi chẳng có nước xả...

Nhiều bạn đành phải nín nhịn đi vệ sinh trong suốt thời gian ở trường, hoặc có đi cũng rất sợ hãi và bị ám ảnh bởi nó quá bẩn”.

Theo quy định của Bộ Y tế, nhà vệ sinh trường học đúng chuẩn phải đầy đủ các vật dụng: bồn rửa tay, vòi nước, cửa sổ, hệ thống ánh sáng, cấp thoát nước, dụng cụ chứa nước, nước tẩy rửa chuyên dụng.

Tuy nhiên, nhà vệ sinh bẩn thỉu, thiếu đủ thứ và xuống cấp nghiêm trọng đang trở thành nỗi khiếp đảm của không chỉ học sinh Thủ đô mà còn nhiều trường khác trên cả nước.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tập trung chấn chỉnh, cải tạo nhà vệ sinh cho các cháu học sinh.

Từ đó, nhân rộng ra các tỉnh khác:

“Những việc như vậy thực sự thiết thực vì các cháu học sinh. Tôi rất mong muốn và đề nghị chúng ta tiếp tục vì học sinh, không chỉ dừng lại ở việc đó mà giáo dục các cháu thêm tinh thần yêu lao động, ví dụ như trực nhật, vệ sinh trong nhà trường.

Chúng ta phải quyết tâm làm được việc này đúng tinh thần các học sinh là trung tâm, với mục tiêu phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức và thể chất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ cũng lên tiếng:

“Trước Quốc hội vừa rồi, tôi cũng đề cập đến vấn đề nhà vệ sinh cho học sinh, đây thực sự là vấn đề bức xúc.

Cần phải làm cách nào, từ đâu, kinh phí và nguồn lực nào để làm là vấn đề cần bàn. Việc này không chỉ Hà Nội mà là việc mà mọi địa phương khác đều cần phải làm trong thời gian tới bởi hết sức cần thiết”.

Gần đây, trả lời chuyên mục “Cuộc sống thường ngày” của Đài truyền hình Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, chính quyền thành phố đã có chủ trương cho năm học này và những năm tiếp theo, sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính từ xã hội hóa cho việc xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh trường học.

Sắp cải tạo 2700 nhà vệ sinh với kinh phí 395 tỷ đồng ở Hà Nội

Trong thời gian đến, Hà Nội cần cải tạo khoảng 2.700 nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn của 2.622 trường ở mọi cấp học trên địa bàn thành phố với dự toán 395 tỷ đồng để đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong các hoạt động, sinh hoạt tại nhà trường.

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thiết kế, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp và cải tạo hàng loạt nhà vệ sinh của giáo viên và học sinh ở thành phố, đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Có nhà vệ sinh học sinh tuy không lớn, không hiện đại nhưng có kinh phí xây dựng lên đến 600 - 700 triệu đồng ở tỉnh Quãng Ngãi mấy năm trước từng bị báo chí phản ánh, phanh phui là quá lãng phí và đắt đỏ, có dấu hiệu của tiêu cực, tham nhũng.

Khi có tiền rồi, vấn đề thẩm định, thiết kế, xây dựng các nhà vệ sinh cũng cần được xem xét, kiểm tra nghiêm túc để kinh phí được sử dụng đúng mục đích, chống tham ô, lãng phí.

Một vấn đề không hề nhỏ đặt ra đối với ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, là khi nhà vệ sinh đã tốt, đạt chuẩn rồi thì công tác đảm bảo vệ sinh hằng ngày, hằng giờ ở các trường học được thực hiện như thế nào?

Kinh phí cho việc này ở đâu? Ai sẽ là người kiểm tra, giám sát? Giải pháp duy trì và hạn chế việc xuống cấp nhanh các nhà vệ sinh sau khi đã được sửa chữa và cải tạo như thế nào?

Theo tôi, việc cần làm đầu tiên là công tác tuyên truyền, giúp mọi người nhận ra rằng khu vệ sinh là một công trình cần được chăm sóc, bảo quản đặc biệt trong trường.

Nhà vệ sinh trong trường học cần phải đảm bảo tính thẩm mỹ, thuận lợi và sạch đẹp để giáo viên và học sinh cảm thấy thoải mái khi sử dụng, qua đó đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong nhà trường.

Công tác tuyên truyền cần thực hiện thường xuyên từ Ban Giám hiệu các trường đến giáo viên, học sinh, nhân viên.

Không chỉ dừng lại việc tuyên truyền, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần hướng dẫn các đơn vị nhà trường xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng; có thể đưa vào tiêu chí thi đua, chấm điểm nhằm huy hiệu quả cao nhất.

Đối với các trường Mầm non, Tiểu học, các học sinh còn nhỏ tuổi, chưa thể lao động, dọn dẹp thì nhà trường cần thuê nhân công để làm việc này.

Đầu năm học, khi giao dự toán kinh phí cho các đơn vị, cấp trên cần tính thêm khoản chăm sóc, bảo dưỡng các nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục.

Tôi đồng tình với việc cấm thu tiền vệ sinh của thành phố Hồ Chí Minh.

Có người từng lo nhà trường thiếu tiền để bồi dưỡng, chi trả lương cho người dọn nhà vệ sinh, theo tôi nỗi lo đó là hơi thừa.

Kinh phí Nhà nước đã tính trọn gói, trong đó có dọn nhà vệ sinh nếu lại tự nguyện đóng góp nữa thì sẽ dẫn đến tình trạng lạm thu, khiến xã hội thêm bức xúc.

Đối với các học sinh lớn tuổi từ lớp 5 trở lên, ban lao động của từng trường nên phân công, tổ chức trực nhật.

Tôi cho rằng đây là việc rất nên làm vì vừa giúp giữ gìn nhà vệ sinh sạch đẹp, vừa giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong giữ gìn môi trường chung.

Hiện nay, nhiều trường và phụ huynh có tư tưởng ngại cho con em, học sinh lao động nói chung và lao động dọn nhà vệ sinh nên thường cho “dịch vụ hóa” hoạt động này.

Song song với việc dọn vệ sinh của học sinh lớn tuổi, nhà trường cũng cần sắp xếp nhân sự trong trường hoặc hợp đồng với người khác để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các em đảm bảo vệ sinh chung.

Mặt khác, công tác kiểm tra của cấp trên về các công trình nhà vệ sinh cần được chú trọng hơn như ghé thăm trực tiếp nhà vệ sinh, nếu thấy sạch sẽ thì khen ngợi, hôi hám, bẩn thỉu thì nhắc nhở, phê bình…

Nhiều giải pháp được áp dụng kịp thời, hiệu quả, chắc chắn nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ nữa đối với các em học sinh mỗi khi đến trường.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP