Xe

Ô tô Thái, Indonesia... thuế 0%, xe giá rẻ sắp tràn vào Việt Nam

Không chỉ “đau đầu” vì lỡ hẹn mục tiêu, ngành công nghiệp ô tô đang “lao đao” trước sức ép hội nhập rất lớn.

Mục tiêu “lỡ hẹn”

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận giai đoạn vừa qua công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước.

Báo cáo của Bộ Công Thương đã chỉ rõ: ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ôtô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa...

Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Riêng về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%...

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Không chỉ “đau đầu” vì lỡ hẹn mục tiêu, ngành công nghiệp này đang “lao đao” trước sức ép hội nhập ngày càng lớn.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quy định thuế suất nhập khẩu ôtô từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng quy định ôtô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm.

Trong đó, “đáng gờm” phải kể đến những người bạn cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia… khi chỉ còn hơn 1 năm (từ năm 2018), ô tô nhập từ ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA.

Thuế chưa về 0%, ôtô Thái Lan đã ồ ạt vào Việt Nam

Mặc chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan thì hiện này song lượng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đã chiếm một con số “khủng” trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Hải quan, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 10/2016 đạt 9.129 chiếc, tương đương giá trị 154,36 triệu USD. Luỹ kế cả giai đoạn 10 tháng, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về nước đạt 82.743 chiếc, tương ứng với mức giá trị kim ngạch xấp xỉ 1,8 tỷ USD.

Đặc biệt, lượng ô tô có xuất xứ từ Thái Lan đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Riêng trong tháng 10/2016, lượng xe nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này đạt 2.891 chiếc.

Luỹ kế 10 tháng, lượng xe nhập khẩu Thái Lan cũng đạt con số ấn tượng 26.790 chiếc. Có nghĩa là tính đến thời điểm này trong năm, cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 xe đến từ Thái Lan.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Nhìn vào những con số trên, viễn cảnh thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập xe có xuất xứ Thái Lan hay Indonesia... khi mức thuế trở về 0% là khá rõ ràng...

Việt Nam phải làm gì?

Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ vừa diễn ra ngày 17/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đề nghị người đứng đầu Chính phủ làm rõ biện pháp nào cho ngành nghiệp ô tô khi thuế xuất nhập khẩu ASEAN về 0%.

Làm sao để mở cửa những vẫn bảo đảm tính cạnh tranh để bảo hộ một cách chính đáng, hợp lý cho các doanh nghiệp trong nước cũng là băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

Đại biểu Nghĩa cho rằng, ký kết các hiệp định thương mại tự do thực chất là thiết lập cơ chế bảo hộ nội địa của các nước thành viên bằng luật chơi minh bạch và tiên liệu trước.

Mục đích cao nhất của hội nhập và mở cửa nhằm tối ưu hóa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc nên vẫn còn tình trạng mạnh được yếu thua và khôn sống mống chết. Do vậy, công việc chính và nặng nề nhất sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do là xây dựng những chiến lược giải pháp khai thác tối đa những cơ hội mà các hiệp định đem lại.

Bảo hộ doanh nghiệp trong nước và bảo vệ thị trường và người tiêu dụng nội địa một cách hợp pháp, hợp lý, khôn ngoan và hiệu quả.

“Xin Thủ tướng cho biết giải pháp mang tính chiến lược rõ ràng để bảo đảm cho kế hoạch, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam như hiện nay” là câu hỏi đại biểu chất vấn Thủ tướng.

Tuy nhiên, do thời gian phiên chất vấn đã hết, câu hỏi của đại biểu được hứa sẽ trả lời bằng văn bản sau đó.

Trước đó, Bộ trưởng Công thương đã đưa ra những nét cơ bản trong định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đến năm 2018 Việt Nam sẽ thực hiện việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh lại chiến lược công nghiệp ô tô để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 và các năm tiếp theo với mong muốn đảm bảo có giá trị gia tăng trong các lĩnh vực này.

Để đạt được mục tiêu đề ra, người đứng đầu ngành công thương cho biết, sắp tới sẽ cố gắng tập trung ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với những dự án có quy mô, tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa.

Trong đó tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt các chính sách về thuế cũng như chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng, về cơ sở giao thông cũng như khuyến khích phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, theo ông Trần Tuấn Anh, cũng sẽ được chú trọng.

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP