Xe

Ô tô nhập đắt gấp đôi: Vẫn dính lỗi chết người

Với tâm lý ăn chắc mặc bền, người Việt Nam thích mua xe vừa rẻ, vừa tốt. Mua xe lắp ráp trong nước, vấn đề chất lượng khiến nhiều người e ngại, còn xe nhập thì đắt, sửa chữa tốn kém.

Lâu nay, việc chọn xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu luôn là trăn trở của những người có ý định mua ô tô. Vậy đâu là sự lựa chọn sáng giá hơn? Chúng ta hãy cùng xem xét.

Mua xe trong nước, e ngại chất lượng

Những năm gần đây, nhu cầu ô tô của thị trường Việt Nam tăng mạnh. Các ông lớn trong ngành công nghiệp xe hơi như Toyota, Hyundai, Mazda, Honda,... đều đã đặt cơ sở lắp ráp trong nước để tranh thủ ưu đãi và tối ưu lợi nhuận.

Thế nhưng, chưa có hãng sản xuất nào thực sự làm hài lòng những người tiêu dùng Việt Nam. Sau cả chục năm, người dân vẫn cứ phải ngậm ngùi so sánh chất lượng xe lắp nội địa và xe nhập ngoại. Không ít người chịu bỏ tiền gấp đôi để mua xe ngoại về chạy cho đã.

20160530162733 xe nhap khau
Kiểm tra xe xuất xưởng tại nhà máy Motomachi, Toyota

Theo ghi nhận, hầu hết những người có cơ hội chạy thử xe nhập ngoại đều đánh giá: xe nước ngoài sản xuất cho cảm giác lái tốt hơn, máy đầm, khung xe chắc chắn, cách âm tốt, mẫu mã đẹp.

Về chuyện hình thức thì mỗi người có thể có một quan điểm khác nhau, nhưng chất lượng xe nhập ngoại tốt hơn là điều không phải bàn cãi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua kém của xe hơi trong nước như: dây chuyền lắp ráp còn thủ công, nhiều sai số, đội ngũ kỹ sư chưa lành nghề, tiêu chuẩn an toàn, khí thải ở Việt Nam thấp hơn so với các nước tiên tiến ..v..v...

Chất lượng kém hơn đã đành, nhưng điều làm những người tiêu dùng cảm thấy buồn bực nhất là giá xe trong nước lại ở mức cao ngất ngưởng so với các nước Âu, Mỹ. Điều nghịch lý này tồn tại nhiều năm bởi một lẽ nó rất phù hợp với quy luật kinh tế thị trường?

20160530162733 xe nhap khau1
Các kỹ sư đang sản xuất khung gầm xe tại nhà máy Toyota Vĩnh Phúc

Trong mắt các hãng sản xuất ô tô, thị trường Việt Nam thực ra chỉ dừng lại ở mức tiềm năng chứ không thể so được với thị trường Mỹ giàu có, nơi người dân thay xe như thay áo, hoặc Ấn độ với dân số khổng lồ. Tại các thị trường màu mỡ trên, các hãng xe phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành thị phần, phải đưa ra các gói dịch vụ với giá phải chăng nhất có thể để chiều lòng các thượng đế.

Còn ở thị trường Việt Nam, xu hướng lại diễn ra có phần trái ngược. Do tâm lý ăn chắc mặc bền, người Việt chỉ ưa thích các sản phẩm vừa rẻ, vừa tốt. Và không ai làm điều này xuất sắc hơn các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính chúng ta đã lựa chọn Toyota, Honda, Hyundai, Mazda,... nên họ cảm thấy không cần thiết phải thay đổi, đó là lẽ đương nhiên.

Xe hơi nhập khẩu, đắt có xắt ra miếng?

Quay lại câu chuyện chọn mua xe nhập hay xe trong nước, dù xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn hẳn nhưng đi kèm theo đó là những vấn đề không hề đơn giản.

20160530162733 xe nhap khau2
Toyota RAV4 2.5 Limited ở Mỹ 28.000 USD về Việt Nam chào giá 2 tỷ

Thứ nhất, xe nhập khẩu tuy chất lượng đảm bảo nhưng lại quá đắt so với những tiện nghi nhận được. Một chiếc Toyota RAV4 khi về tới Việt Nam có giá xấp xỉ với LandCruiser Prado vốn ở phân khúc cao cấp hơn hẳn. Hoặc với số tiền mua Camry nhập Mỹ, bạn hoàn toàn có thể sắm được Mercedes C300 AMG. Rõ ràng, đây là yếu tố đầu tiên nên cân nhắc.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng không kém trong tình hình hiện nay là cơn bão lỗi túi khí Takata đang diễn ra ở hàng loạt những thương hiệu xe lớn trên thế giới. Tại Việt Nam các hãng Toyota, Honda, Mitsubishi cũng bắt đầu tiến hành triệu hổi sửa chữa miễn phí đối với những xe gặp phải lỗi này. Việc chọn mua xe nhập khẩu, đồng nghĩa với việc bạn đã từ chối quyền lợi to lớn của mình.

Cuối cùng, nếu xe nhập bị hỏng thì việc sửa chữa cũng tốn kém và rắc rối, nhiêu khê hơn. Đơn giản bạn chỉ có thể bảo hành xe tại cơ sở đã mua và phụ tùng xe nhập khẩu thì không phải lúc nào cũng có sẵn.

20160530162733 xe nhap khau3
Takata gây náo loạn thị trường với cơn bão túi khí

Để không phải mất tiền oan, trước khi bỏ tiền ra mua xe nhập hãy tìm hiểu kỹ mẫu xe định mua. Nên chọn các mẫu xe đã được đánh giá cao tại các thị trường nước ngoài, hoặc phổ biến ở thị trường trong nước, có sẵn phụ tùng thay thế khi cần. Nếu thường xuyên phải sử dụng xe trong công việc kinh doanh, tốt nhất bạn nên chọn xe trong nước cho thuận tiện.

Và, không phải xe lắp ráp nào trong nước cũng có chất lượng như nhau. Bởi quy trình lắp ráp cũng được phân ra làm nhiều loại như: CKD: Completely Knocked Down (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu), SKD: Semi-Knocked Down (xe lắp ráp trong nước có một số linh kiện đã được nội địa hoá). Căn cứ vào tiêu chuẩn này, bạn có thể lựa chọn mẫu xe thích hợp cho mình.

Tác giả bài viết: Hoàng Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP