Cuộc sống

Ở riêng: Chuyện dễ mà khó của các đôi vợ chồng trẻ

Vợ chồng son thời hiện đại, hầu hết ai cũng muốn có không gian riêng để chăm chút, vun vén gia đình nhỏ. Ra riêng khiến đời sống vợ chồng thú vị, tự do hơn nhưng tất nhiên, đi kèm đó luôn là những vấn đề phiền toái.


Ra riêng: Được làm vợ chồng son đúng nghĩa

Với những đôi vợ chồng mới cưới, ra riêng, nghĩa là có không gian, tổ ấm của riêng mình, nghĩa là thời trăng mật kéo dài lâu hơn hạn định, với những ngọt ngào, lãng mạn.

Ra riêng còn đồng nghĩa với việc cô con dâu tránh được bao va chạm không đáng có với nhà chồng, và các anh chồng không phải đứng “giữa hai làn đạn” trong những cuộc chiến bất đắc dĩ vì chưa thể dung hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu.

Đã có không biết bao câu chuyện oái oăm, dở khóc, dở cười của những gia đình nhiều thế hệ sống chung với nhau. Có những căn nhà phố, nhà chung cư nhỏ hẹp, con trai cưới vợ, phòng ốc không có, thế là thiếu không gian riêng cho vợ chồng mới cưới.

Để rồi, mỗi khi muốn thân mật, gần gũi hay đơn giản là bày tỏ tình cảm, vợ chồng trẻ chỉ có thể chờ đêm khuya thanh vắng, cả nhà ngủ say, chờ lúc mọi người vắng nhà hoặc dắt nhau ra… khách sạn.


Với những gia đình sống chung như thế, sự va chạm là không thể tránh khỏi. Cô dâu mới về nhà chồng, cái gì cũng bỡ ngỡ, trong khi mỗi nhà mỗi nếp, khác nhau rất nhiều. Đối với những cô dâu hiền lành, chịu đựng, chịu thương chịu khó thì mọi thứ còn dễ dàng.

Còn với những nàng dâu hiện đại, ngủ dậy trễ, đi làm về mệt phờ chỉ muốn nghỉ ngơi, mệt thì cùng chồng đi ăn tiệm, sẽ lọt vào “tầm ngắm” của mẹ chồng, nhà chồng ngay tắp lự.

Rồi bao nhiêu phiền phức khác, tiền lương chồng, từ trước đến nay vẫn giao cho mẹ giữ, giờ có vợ rồi sẽ thế nào? Giải quyết vấn đề sinh hoạt phí, chi tiêu, phân công công việc nhà ra sao.

Đây là còn chưa kể đến những đại gia đình đông đúc, mà nhiều gia đình nhỏ, dâu rể sống cùng nhau. Những điều bằng mặt không bằng lòng, xét nét, va chạm nhau khó tránh khỏi không xảy ra.


Làm dâu chỉ hơn 6 tháng, chị Nguyễn Kim Ngọc, ở Tân Phú, TP.HCM đã ra “tối hậu thư” với chồng: Một là dọn ra riêng, hai là vợ dọn đồ về nhà mẹ đẻ. Lý do là chị Ngọc vốn là con một, được gia đình cưng chiều từ bé, ít phải làm việc nhà.

Về nhà chồng, mẹ chồng phân công cho đủ thứ việc, lại đụng độ cô em chồng cũng là “con gái một” được cưng chiều. Cả hai suốt ngày tị nạnh nhau công việc, cô em gái chồng lại ỉ thế “nhà của mình”, thường tìm cách chơi khăm chị dâu.

Va chạm, cãi cọ xảy ra hàng ngày, khiến anh chồng phải làm người đứng giữa “đỡ đạn” thường xuyên. Và cuối cùng, để ổn thỏa mọi chuyện, hai vợ chồng cũng dọn ra, thuê căn chung cư làm tổ ấm của riêng mình.

Từ khi ra riêng, hai vợ chồng quay lại thời kì mật ngọt, mọi thứ dễ chịu hẳn, không bị kiểm soát, không phải đối đầu. Chị Ngọc nói: Giờ có cho cả gia tài cũng chẳng dám ở chung, ra riêng là số một.

Với các cặp vợ chồng trẻ hiện đại, dọn ra riêng, thế giới chỉ có hai vợ chồng là một mô hình hôn nhân lý tưởng, ít phiền toái. Chính vì thế, chỉ trừ khi điều kiện không cho phép như kinh tế khó khăn, con một, cha mẹ không cho phép… còn lại, đều có xu hướng sống riêng để tiện bề vun vén hôn nhân.

Đừng để rơi vào thế bị động khi ra riêng

Không thể phủ nhận ưu điểm của chuyện vợ chồng ra riêng, tuy nhiên, những phiền toái mà nó đem đến không phải không có. Vợ chồng anh Minh Trung – chị Thu Vân, chỉ ba tháng sau khi quyết định dọn ra riêng đã bắt đầu thấy hối hận.

Ban đầu, hai vợ chồng nghĩ đến không gian lý tưởng chỉ có vợ chồng con cái với nhau là thấy sướng rơn. Thời gian đầu quả thật cũng thoải mái, thú vị, muốn làm gì thì làm.


Tuy nhiên, qua khoảng thời gian tự do rồi, bao điều bất tiện xảy đến. Đầu tiên là hai đứa con nhỏ đi học không ai đón đưa. Hồi còn ở với ông bà nội, sáng ông nội đưa đến trường, chiều đi đón về, vợ chồng chả phải lăn tăn gì cả. Nay chuyển sang đầu kia của TP, xa xôi quá, ông bà không đi đón được, hai vợ chồng phải dậy thật sớm, đưa con đi học rồi mới đến chỗ làm.

Chiều, con gái nhỏ tan lớp mẫu giáo lúc 4h30, con trai lớn tan trường lúc 5h, cả hai đều tan tầm lúc 5h, không thể nào chu toàn việc đón con kịp. Sau một thời gian xin về sớm không xong, cả hai đành phải xin cho con học ở trường mẫu giáo gần chỗ làm, đúng giờ tranh thủ đón con, đem sang chỗ làm rồi chờ đến giờ tan tầm cùng đưa con về.

Kế đến là chuyện bữa ăn gia đình. Ở chung với ông bà, sáng sớm bà nấu cho bữa sáng ngon lành, chiều về đến nhà đã có bữa cơm nóng quây quần cả nhà.

Ra riêng rồi, vợ chồng về đến nhà mệt lử, thời gian đầu chưa quen với việc nấu ăn, cứ ăn qua quýt, khiến hai đứa trẻ chê cơm dở, ăn uống thất thường. Đến tháng thứ 4, chính chị Vân thủ thỉ hỏi ý chồng: Hay là mình thử tính lại xem có nên chuyển về ở chung với ông bà như trước không anh?

Người Việt không xa lạ với cảnh gia đình 2, 3 thế hệ sống chung với nhau. Họ quen với cả cái bất tiện lẫn sự tiện lợi của mô hình sống chung ấy. Thiếu tự do, có thể xảy ra va chạm, chưa hợp nhau ở thời gian đầu, tuy nhiên, cái được cũng rất nhiều.

Với những cặp gia đình hiện đại bận rộn, thì ông bà là “nút gỡ” cho rất nhiều cái khó, về bữa ăn gia đình, đưa đón, bảo ban dạy dỗ các cháu. Bên cạnh sự va chạm trong giáo dục con cái giữa các thế hệ, thì ông bà cũng luôn đem lại những lời bảo ban tốt đẹp, những tình cảm ấm áp, khiến trẻ luôn được sống trong tình thương yêu đủ đầy.


Nhưng tất nhiên, trong đời sống, khó có chuyện “vẹn cả đôi đường”. Điều quan trọng là một khi đã lựa chọn cho mình một mô hình gia đình, thì phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, lường trước những khó khăn và có những phương án để giải quyết những khó khăn ấy:

Sẽ chu toàn nhà cửa, vun vén tổ ấm ra sao; chuyện chăm con có thể đảm đương được với tính chất công việc hay không, đưa đón con thế nào...v.v Nhiều cặp vợ chồng cứ nghĩ ra riêng là chuyện đơn giản, dễ dàng, vui vẻ, thế nên khi gặp những trắc trở lại đâm ra bị động, không biết giải quyết.

Và, một điều rất quan trọng mà các cặp vợ chồng trẻ cần nhớ, đó là ra riêng không có nghĩa là đời sống chỉ có riêng đôi vợ chồng. Mô hình gia đình khác đi, nhưng các cặp vợ chồng vẫn nằm trong mối tương quan với gia đình.

Ra ở riêng, nhưng trách nhiệm dâu rể, con cái vẫn nên chu toàn. Các cháu nhỏ vẫn phải thường được gặp gỡ, sống với tình thương của ông bà. Và, những lúc gặp khó, đừng ngần ngại “cầu cứu” nội ngoại.

Bởi đôi khi, với cha mẹ già, sự nhờ vả của con cái, nghĩa là mối dây yêu thương ràng buộc vẫn còn vững chắc, nghĩa là cha mẹ vẫn là điều quan trọng nhất, không thể thiếu trong đời sống của các con mình, dù chúng đã ra riêng.

Tác giả bài viết: Ngọc Mai

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP