Thượng viện Mỹ ngày 20-12 thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua tại Mỹ, đưa Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa (GOP) tiến gần hơn thắng lợi lập pháp lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ.
"Quà Giáng sinh" cho người Mỹ
Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỉ USD này vài giờ trước đó hôm 19-12. Tuy nhiên, họ buộc phải bỏ phiếu lại lần thứ hai trong ngày 20-12 sau khi thượng viện tuyên bố một số điều khoản thứ yếu của dự luật này vi phạm các quy định về lập pháp.
Tuy vậy, dự luật được đánh giá là cuộc đại tu thuế lớn nhất trong cả một thế hệ không gặp bất cứ trở ngại nào để vượt qua cuộc bỏ phiếu nói trên trước khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành nó thành luật trước cuối tuần này.
"Sau 8 năm tăng trưởng chậm và dưới phong độ, nước Mỹ đã sẵn sàng cất cánh" - lãnh đạo phe đa số của GOP tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật với kết quả 51 phiếu thuận/48 phiếu chống tại thượng viện.
Tổng thống Donald Trump gọi dự luật này là "quà Giáng sinh" cho toàn bộ người dân xứ sở cờ hoa. Tuy vậy, theo nhận định của The New York Times, có vẻ như một số sẽ nhận được quà tốt hơn những người khác và một số thậm chí phải đối mặt với những tình cảnh đáng lo ngại.
Các công ty công nghệ và bất động sản có thể hồ hởi với những khoản cắt giảm thuế lớn trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp và người dân mua bảo hiểm y tế phải chịu thua thiệt.
Tổng thống Donald Trump gọi dự luật cải cách thuế mới là món quà Giáng sinh cho toàn bộ dân Mỹ Ảnh: REUTERS |
Ai thắng, ai thua?
Đắc lợi trước tiên không thể không kể tới là ông Donald Trump và gia đình vị tổng thống tỉ phú này. Rất nhiều ngành công nghiệp sẽ thu lợi từ cuộc đại tu thuế nhưng có lẽ không đâu hoan hỷ hơn ngành bất động sản thương mại "vô tình" lại là lĩnh vực gầy dựng sản nghiệp của nhà ông Trump.
Vị tổng thống cùng cậu con rể Jared Kushner - vốn là một người đồng sở hữu của hãng bất động sản của ông - sẽ được lợi từ mức thuế thấp hơn đối với cái gọi là thu nhập "chuyển qua". Theo dự thảo luật mới, đây là tiền kiếm được bởi các công ty hợp danh và những loại hình kinh doanh khác. Thu nhập từ những doanh nghiệp này được chuyển tới chủ sở hữu và được đánh thuế theo mức thuế cá nhân.
Điều đó rõ ràng có lợi cho ông Trump và chàng rể quý bởi họ sở hữu các tài sản thông qua các công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức tương tự khác. Theo luật hiện hành, thu nhập này bị đánh thuế tới mức 39,6%. Nhưng dự luật cải cách thuế một khi có hiệu lực sẽ có thể cắt giảm mức thuế này xuống chỉ còn 29,6%.
Kẻ chiến thắng nổi bật trong canh bạc pháp lý lịch sử này còn phải kể tới các tập đoàn lớn khi thuế doanh nghiệp mới sẽ xuống mức 21%, dù không kịch tính như cam kết tranh cử của ông Trump - giảm thuế xuống còn 15% - nhưng cũng dễ thở hơn nhiều so với mức 35% hiện nay.
Bên cạnh đó, giới nhà giàu cũng có chút an ủi khi thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập trên 500.000 USD sẽ giảm từ 39,6% còn 37%.
Tổng thống Mỹ tuyên bố chính sách mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm.
Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng dự luật chỉ làm lợi cho giới siêu giàu. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Barbara Lee thẳng thừng gọi dự luật là "cái tát vào mặt những gia đình thu nhập thấp và trung bình".
Theo The New York Times, các gia đình thu nhập thấp sẽ thiệt hại ít nhất 19 tỉ USD trong thập niên tới theo dự luật mới bởi những thay đổi trong cách tính lạm phát.
Dự luật này còn bãi bỏ việc phạt thuế với những người không đóng bảo hiểm y tế theo quy định bắt buộc của luật pháp hiện hành, có thể sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong lĩnh vực này.
Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội, những người khỏe mạnh sẽ không còn mặn mà với mua bảo hiểm (dự kiến con số hao hụt vào khoảng 13 triệu người) và đẩy các nhà bán bảo hiểm mắc kẹt với những đối tượng già yếu và ốm đau. Theo một số tính toán khác, dự luật này một khi có hiệu lực sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng thêm 1.400 tỉ USD trong vòng 10 năm.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Người lao động