Trong nước

Nữ sinh cấp 2 'rủ nhau' cưới chồng

Phố (15 tuổi) và Buổi (14 tuổi, đều ngụ huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) theo bạn bè vui chơi ở lễ hội đâm trâu rồi rủ nhau cưới chồng.


Sau nhiều tuần vượt núi, băng rừng đến tận bản làng vận động, các giáo viên trường phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sơn Long (huyện Sơn Tây) mới có thể thuyết phục Đinh Thị Phố (15 tuổi) và Đinh Thị Buổi (14 tuổi) sau khi cưới chồng trở lại lớp học tập.

Có chồng vẫn đến lớp

Buổi bẽn lẽn thuật lại, tháng 4 năm ngoái em cùng bạn Đinh Thị Phố đến xã Sơn Lập vui lễ hội đâm trâu. "Trai làng bên ấy đẹp trai, khỏe mạnh chọc ghẹo nên hai đứa thấy ưng cái bụng rồi rủ nhau có chồng", cô gái kể.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long, xác nhận sau nhiều lần vận động, hai nữ sinh dù đã có chồng nhưng hàng ngày vẫn đến lớp học tập.

Theo ông Tuấn, hầu hết nữ sinh có chồng vào thời gian nghỉ hè, một số trường hợp sau khi có chồng, sinh con mắc cỡ với bạn bè không trở lại lớp nữa. Cuộc sống khó nghèo, suốt ngày cha mẹ lên núi làm nương rẫy, ít quan tâm con cái nên khi các em mang thai thì đã muộn.

Trường THCS Sơn Long (huyện vùng cao Sơn Tây) tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Ảnh: Minh Hoàng.

Nữ sinh mang bụng bầu đến lớp

Thống kê ba năm qua, huyện vùng cao Sơn Tây có hơn 20 em tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết (độ tuổi 12-15) theo học tại các trường THCS hoặc không có điều kiện đến trường. Điều đó dẫn đến thực tế nhiều nữ sinh mang bụng bầu đi học. Trong khi đó, từ năm 2011 đến 2016, huyện miền núi Tây Trà xảy ra 31 cặp tảo hôn.

Lãnh đạo huyện Tây Trà cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là phong tục tập quán lạc hậu, ảnh hưởng văn hóa phẩm độc hại, nhận thức về luật Hôn nhân và Gia đình còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vụ thành niên...

Vấn đề căn cơ để giải quyết là phải nâng cao đời sống kinh tế, giúp người dân chuyển biến dần nhận thức.

Nhiều thiếu nữ vùng cao Quảng Ngãi sớm nghỉ học lấy chồng mưu sinh đối mặt với

Tìm giải pháp đẩy lùi nạn tảo hôn

Trao đổi với Zing.vn, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để, cho hay địa phương đã nhiều lần tổ chức hội nghị, phổ biến pháp luật cho người dân tuy nhiên đến nay nạn tảo hôn vẫn còn dai dẳng.

"Tôi từng kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua vì để con gái ruột tảo hôn. Do đặc thù địa phương vùng cao nên phải dùng biện pháp mưa dầm thấm lâu, trước tiên là tuyên truyền đảng viên và các già làng phải gương mẫu, sau đó dân làng mới nghe theo", ông chia sẻ.

Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ vừa gửi văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tìm các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn trong năm 2017.

"Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên ở địa phương vi phạm nhằm răn đe, quyết đẩy lùi tình trạng tảo hôn", Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.

Theo Luật hôn nhân gia đình, nam 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Điều 6 Nghị định 87 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình), hành vi “Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng.

Người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức tảo hôn theo Điều 148 Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Tác giả bài viết: Minh Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP