Sáng 12/12 tại bệnh viện Việt Đức, “Chị đã cầm tay anh thật lâu và hôn anh trước khi các bác sĩ rút ống thở để đưa anh vào phòng phẫu thuật lấy tạng”. Đó là chiếc hôn giằng xé tâm can người vợ nhưng vô cùng nhân văn, thân ái. Người đàn ông sẵn sàng hiến tạng của mình cho 5 người bệnh khác là anh Dương Hồng Quý (43 tuổi ở TP. Ninh Bình).
"Nụ hôn vĩnh biệt" khiến nhiều người xúc động |
Đó là nụ hôn của người vợ dành cho người chồng trước khi biệt ly sinh – tử. Trái tim, gan, hai phổi và hai quả thận của anh đã ghép thành công, mang lại cơ hội sống cho 5 người khác. Và điều trân trọng hơn nữa, hành động của anh, chị và gia đình đã tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng; lay động tình yêu của con người với con người.
Nếu như trước đây, nói đến hiến tạng nhiều người còn xa lạ, lo sợ, không dám làm và không muốn làm. Bởi quan niệm truyền thống của người Việt là "chết phải toàn thây", nên không mấy ai nghĩ đến chuyện cho đi một phần cơ thể mình trước lúc chết.
Nếu như vừa mới hôm qua, ở đâu đó người ta dựng chuyện để xã hội tin là có lòng tốt... thì nơi tận cùng của sự sống và cái chết lòng tốt xuất hiện một cách giản dị, chân phương nhưng đáng quý vô cùng. Nó khiến nhiều người đang giữa dòng đời bộn bề lo toan cũng phải dành một phút tĩnh lặng để ngẫm về cuộc sống, về những việc mà ta đã và đang làm.
Hiến tạng - có nghĩa là chấm dứt một cuộc đời và mang lại cơ hội sống và chất lượng sống tốt hơn cho một hoặc nhiều người khác. Đằng sau những ca hiến tạng và ghép tạng luôn là những câu chuyện thấm đẫm tình người và nước mắt. Đó là nước mắt khổ đau của những người phải chia xa người thân yêu ruột thịt; đó là nước mắt hạnh phúc của những người giành giật lại sự sống cho người thân yêu của mình và cả những giọt nước mắt của những người chứng kiến sự chia lìa và hồi sinh, trân trọng những tấm lòng hy sinh cao cả.
Sau mỗi câu chuyện lay động như vậy, nhiều người từng có ý định đăng ký hiến mô tạng không còn lý do để chần chừ nữa. Nhiều người cảm thấy hạnh phúc, tự hào về việc làm của mình, bởi họ biết rằng, mình đang nắm trong tay cơ hội sẽ trao lại món quà sự sống cho bất kỳ một người nào đó khi họ qua đời. Điều quan trọng hơn nữa, họ đã vượt qua được chính sự sợ hãi của bản thân về cái chết, vượt qua được những định kiến, quan niệm chưa đúng về sự sống và cái chết. Từ những nghĩa cử cao đẹp này, những người công tác trong ngành y hy vọng đến một lúc nào đó việc hiến tạng cũng sẽ được xã hội đón nhận và lan toả như phong trào hiến máu tình nguyện hiện nay.
Giữa bộn bề lo toan, hối hả của cuộc sống, những hành động của anh Dương Hồng Quý, thiếu tá Lê Hải Ninh, bé Hải An, Vân Nhi... đã giúp nhiều người trùng lắng trong giây lát để sống tử tế, yêu thương, có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh./.
Tác giả: Vũ Hạnh
Nguồn tin: Báo VOV