Thế giới

Nữ điệp viên may mắn sống sót nhờ mác “cháu dâu” Churchill

Bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng Odette Sansom Hallowes đã vô tình sống sót nhờ việc tay chỉ huy người Đức nghĩ rằng, cô là cháu dâu của Thủ tướng Anh Churchill.

Odette Sansom Hallowes

Odette Sansom Hallowes có tên khai sinh là Odette Brailly. Cô sinh năm 1912 ở Amiens, tỉnh Somme, Pháp. Khi còn nhỏ, Odette sớm tỏ ra là một đứa trẻ thông minh nhưng sức khỏe lại không tốt, thường xuyên ốm vặt.

Đến tuổi trưởng thành, Odette gặp một doanh nhân chuyên kinh doanh khách sạn người Anh tên Roy Sansom và nảy sinh tình cảm với ông này. Năm 1931, 2 người kết hôn. Sau đó, Odette chuyển tới London sống cùng chồng. Họ có với nhau 3 mặt con.

Người phụ nữ yêu nước

Khi Chiến tranh thế giới II nổ ra vào năm 1939, Sansom ghi danh nhập ngũ và trở thành một trung sỹ của quân đội Anh. Năm 1942, Bộ hải quân Anh thông qua đài BBC phát đi lời kêu gọi người dân gửi những bức ảnh mà họ đã chụp được ở Pháp, Bỉ hay Hà Lan với hy vọng có thể thông qua những bức ảnh đó nắm được địa hình ở Pháp để chuẩn bị cho các cuộc đột kích và tấn công ở đây.

Nhận được lời kêu gọi, Odette cũng đã gửi album ảnh của gia đình, trong đó có những bức ảnh rất hữu ích được chụp ở bãi biển Pháp.

Tuy nhiên, thay vì gửi đúng đến địa chỉ nhận, Odette lại gửi nhầm tới Văn phòng chiến tranh của Anh – sự nhầm lẫn về sau được chứng minh đã thay đổi cả cuộc đời cô. Selwyn Jepson – người phụ trách việc tuyển dụng cho bộ phận Pháp ở Cục tác chiến đặc biệt (SOE) của tình báo Anh – sau khi xem hồ sơ đã rất ấn tượng với xuất thân của Odette nên đã gửi thư mời cô đến phỏng vấn.

Và, chỉ sau vài phút chuyện trò bằng tiếng Pháp, ông đã biết được rằng người phụ nữ đối diện sẽ là một điệp viên tuyệt vời. Theo phán đoán của Jepson, Odette sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì trong hòa vào cuộc sống của người Pháp ở Pháp như một phần của cộng đồng người dân sẵn có ở đó. Không những thế, đằng sau vẻ ngoài dửng dưng của Odette, Jepson cũng nhận thấy được lòng yêu nước cháy bỏng của cô.

Khi biết được rằng Odette đã có đến 3 đứa con, Jepson tỏ ra lưỡng lự về việc có nên nói với Odette về nhóm điệp viên sẽ được điều tới làm nhiệm vụ phá hoại ở những vùng của Pháp bị Đức chiếm đóng, đồng nghĩa với việc cô sẽ phải xa 3 đứa con của mình và đặt tính mạng của mình vào hiểm nguy.

Nhưng, trái ngược với lo lắng của Jepson, Odette lại tỏ ra rất bình thản và quyết định nhận lời gia nhập nhóm điệp viên nói trên. Ngay sau khi trở về nhà, Odette đã thu xếp gửi các con vào một tu viện ở Essex để dấn thân vào cuộc chiến để bảo vệ quê hương.

Biến cố ở Pháp

Trong khóa huấn luyện ở Scotland, Odette được học “nghệ thuật gián điệp” với các kỹ năng như sử dụng súng, tiêu diệt kẻ thù bằng dao mà không phát ra tiếng động, nhảy ra khỏi xe đang chạy, phá đường ray và những cây cầu hay truyền tin qua hệ thống vô tuyến điện…

Ngày 3/11/1942, cô đặt chân đến nước Pháp qua đường biển với mật danh “Lise”.

Nhưng, rắc rối đến với Odette ngay sau đó vì người được giao nhiệm vụ đón và hướng dẫn cô đã từ chối đưa cô tới địa bàn hoạt động Auxerre, khiến cô bị kẹt ở Cassis. Sau một thời gian loay hoay, Odette cuối cùng đã bắt liên lạc được với nhánh điệp viên “Spindle” do một đồng nghiệp tên Peter Churchill chỉ huy.

2 tuần sau khi Odette đến Pháp, ngày 11/11, quân Đức đổ bộ vào khu vực chúng chưa kiểm soát ở miền nam nước Pháp để trả đũa cho việc quân Đồng minh tấn công vào khu vực tây nam châu Phi. Churchill thuyết phục cấp trên rằng Odette là người được việc và được chấp thuận đưa cô theo tới Burgundy.

Tại đây, 2 người đã nảy sinh tình cảm với nhau. Cùng lúc, tình báo Đức bắt đầu bắt giữ nhiều điệp viên do Anh điều đến trong khi họ vẫn chưa thực hiện được nhiều hoạt động phá hoại. Trong bối cảnh như vậy, Churchill đã bị triệu tập về London để báo cáo về tình hình.

Trước khi về nước, Churchill sắp xếp để Odette và người điều khiển hệ thống vô tuyến điện ở một khách sạn nhỏ tại St Jorioz, gần Annecy. Tại đây, một đại tá quân đội Đức tự xưng là Henri đã đến tìm gặp Odette, nói rằng ông ta thực chất rất ghét quân Đức và muốn liên hệ với quân Đồng minh. Odette tiếp nhận thông tin này với vẻ vô cùng hững hờ.

Ngày 15/4 cùng năm, Churchill nhảy dù trở lại Pháp nhưng chỉ tối ngày hôm sau đó, ông đã bị bắt giữ cùng với Odette và người điều khiển hệ thống vô tuyến điện ở khách sạn. Đại tá Henri khi đó cũng lộ mặt là một sỹ quan của tình báo Đức.

Nữ tù nhân dũng cảm

Sau khi Odette và Churchill bị bắt giữ, giới chức Đức yêu cầu giam giữ họ ở khu biệt giam. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Odette đã thường xuyên có khách đến thăm – chính là Đại tá Henri. Trong suốt nhiều ngày liền, người này tìm mọi cách, từ mời đi ăn tối ở nhà hàng hạng sang, đi nghe opera… để thuyết phục Odette khai ra những thông tin mà quân Đức cần như tên hay địa chỉ của những đồng đội nhưng cô đều từ chối.

Cuối cùng, Henri từ bỏ nỗ lực của mình, bàn giao Odette cho lực lượng phản gián Đức để chúng áp dụng những phương pháp thẩm vấn mạnh bạo hơn.

Odette sau đó bị đưa tới trụ sở cơ quan tình báo Đức và phải trải qua những ngày kinh hoàng vì sự tàn bạo của lực lượng này. 2 người đàn ông được giao thẩm vấn cô sau khi không moi được thông tin gì đã dùng tay quật ngã cô rồi sau đó là dùng xẻng đánh vào sống lưng.

Dù bị tra tấn dã man nhưng Odette vẫn không hé răng, khiến những kẻ tra tấn điên cuồng tước hết móng chân của cô. Odette sau đó bị kết án tử hình vì tội làm gián điệp. “Nếu chúng giết tôi, chúng sẽ không thu được gì ngoài một xác chết vô dụng. Tôi chấp nhận tất cả vì nghĩ mình có nghĩa vụ phải làm vậy vì việc đó sẽ giúp cứu được mạng lưới của những đồng đội”, Odette về sau kể lại.

Cuối cùng, cô bị đưa tới trại tập trung Ravensbrück cùng với một nhóm 7 nữ điệp viên khác. Đây là nơi đã có 50.000 người thiệt mạng do bị bỏ đói, bị ép làm việc quá tải và vì bệnh tật. 2.200 người khác đã bị giết trong những buồng khí độc. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với Odette nhờ một tình tiết mà chính cô cũng không ngờ được.

Số là, chỉ huy ở trại tập trung đó là Fritz Suhren nghe được thông tin nói rằng cô là vợ của Peter Churchill và rằng Peter chính là cháu của Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Ngay sau khi đó, tên này đã ra lệnh tống Odette vào phòng biệt giam, bỏ đói cô đến mức cô gần chết nhưng không thể chết. Thay vào đó, chúng áp dụng những hình thức tra tấn khác với cô. Odette được đưa vào căn phòng ở ngay cạnh phòng trừng phạt – nơi những phụ nữ khác hàng đêm bị đưa tới đó và bị đánh đập.

Dù bản thân không bị đánh nhưng Odette phải chịu đựng tất cả những âm thanh đó. Về sau, cô còn bị đưa tới phòng cạnh nơi đốt thi thể các nạn nhân ở trại giam, hàng ngày ngửi mùi tử khí và những thi thể đáng thương.

May mắn nói đến ở trên là việc vào đầu năm 1945, Suhren nhận thấy việc quân Đức bị đánh bại là không thể tránh khỏi nên đã quyết định phải giữ cô sống sót bằng mọi giá. Ngày 1/5 cùng năm, Odette bị dẫn giải ra khỏi phòng – mà cô vốn nghĩ rằng mình chuẩn bị phải lên đoạn đầu đài.

Nhưng trên thực tế, Suhren đã lái xe đưa cô tới nơi căn cứ của quân Đồng minh để trao đổi lấy sự an toàn của hắn vì vẫn nghĩ rằng cô là cháu dâu của Churchill.

Dù “danh” cháu dâu của Churchill chỉ là một sự nhầm lẫn nhưng trên thực tế Odette vẫn được giải cứu. Cô cuối cùng cũng về lại được London vào ngày 8/5 và phải trải qua nhiều tháng trời điều trị y tế tích cực để chữa những vết thương do bị tra ấn để lại.

Cũng tại đây, cô gặp lại Peter Churchill và kết hôn với ông vào năm 1947. Song, 2 người đã ly hôn vào năm 1955. Odette sau đó kết hôn với một điệp viên khác của SOE.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP