Phải khẳng định một điều rằng: Phạt nguội giao thông là hình thức xử phạt rất đáng hoan nghênh, vì nó minh bạch, không dễ xảy ra tiêu cực như nạn xin - cho, qua đó có tác dụng nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, không ít người tham gia giao thông cho rằng, dù họ có muốn chấp hành quy định nhưng cũng rất gian nan, nếu việc vi phạm xảy ra ở địa phương khác.
"Phạt nguội" có tác dụng nâng cao ý thức người tham gia giao thông (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Phản ánh về điều này, chị Nguyễn Thị Thu Huệ (Hà Nội) cho biết, ngày 13/7 vừa qua, chị nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình gửi qua bưu điện về việc xe ô tô nhà chị chạy quá tốc độ dưới 10km khi đi qua thị xã Ba Đồn. Chuyến đi kết thúc đã cả tháng rồi nên khi nhận được thông báo, chị khá bất ngờ. Điều đáng nói, thông báo chị nhận được vào ngày 13/7 và yêu cầu chủ phương tiện phải đến Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình để xử lý vào ngày 18/7, nếu quá thời hạn trên người vi phạm không đến sẽ bị cưỡng chế. Khi chị Huệ gọi điện để hỏi thủ tục có thể nộp phạt qua kho bạc hoặc ngân hàng để tạo thuận lợi cho người dân, thì cán bộ của Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình khẳng định, người vi phạm buộc phải vào Quảng Bình để xử lý.
“Tôi ở tận Hà Nội, họ thông báo cần sự có mặt để xác định có đúng là người lái xe hôm đó không, đồng thời phải ký vào quyết định xử phạt. Tôi cho rằng như thế là quá khó, với khoảng cách 500km từ Hà Nội vào Quảng Bình, không phải cứ muốn là đi được, nhất là trong khoảng thời gian eo hẹp như thế. Đó là Quảng Bình, nếu chẳng may vi phạm ở tận Cà Mau hay TP.HCM thì chẳng lẽ tôi phải bay vào đó nộp phạt à?. Tôi nghĩ phạt nguội cũng tốt, nhưng cần phải có hình thức nào đó thuận lợi cho người dân nộp phạt chứ thế này đúng là muốn chấp hành nghĩa vụ cũng khó”, chị Huệ bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hệ thống camera giám sát giao thông tại Quảng Bình được Cục Cảnh sát giao thông lắp đặt tại những vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Việc ghi nhận vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được thực hiện tự động, nên bắt buộc người vi phạm phải đến trụ sở cơ quan chức năng nơi xảy ra vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính. Do vậy, người vi phạm buộc phải vào để phối hợp xử lý. Nếu xa thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc xử lý”.
Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho rằng, quy trình xử lý phạt “nguội” là khi phát hiện các hành vi vi phạm, xác minh địa chỉ, cơ quan công an sẽ gửi thông báo đến địa chỉ người vi phạm để mời lên làm việc. Sau khi làm việc, lực lượng chức năng sẽ chứng minh hành vi vi phạm để lập biên bản xử lý. Nếu hành vi vi phạm chỉ ở mức bị phạt tiền thì người vi phạm có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc nộp phạt. Tuy vậy, nếu hành vi vi phạm đến mức bị tạm giữ phương tiện hoặc tạm giữ giấy phép lái xe thì người vi phạm buộc phải đến cơ quan chức năng để xử lý.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Cục CSGT đã phối hợp với Cục Đăng kiểm tập trung xử lý đối với lái xe vi phạm trật tự giao thông bằng việc từ chối đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm giao thông đã được thông báo nhưng không đến giải quyết vi phạm. Do vậy, tỷ lệ người vi phạm đến phòng CSGT các tỉnh để nộp phạt tăng cao, đạt 60% thay vì chỉ có 20 - 30% như trước đây.
Trước ý kiến của nhiều người tham gia giao thông cho rằng quy định xử “phạt nguội” như hiện nay là làm khó cho họ, bà Minh cho biết hiện vẫn chưa có hướng sửa đổi./.
Tác giả: Mạnh Đồng
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV