Kinh tế

Nông dân trồng cà phê khốn đốn vì mưa kéo dài

Mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xuất hiện những trận mưa lớn kéo dài khiến việc thu hái cũng như phơi sấy, chế biến cà phê của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện Lâm Đồng đang trong cao điểm thu hoạch cà phê, tuy nhiên mưa kéo dài dẫn đến việc thu hái chậm làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng cà phê.

Gia đình bà Ka Phêm (ở xã Gia Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) có 2,5 ha cà phê đã đến thời kỳ thu hoạch. Thế nhưng, gia đình bà mới hái được gần 2 sào thì phải dừng lại vì trời mưa.

“Đang trong đơt cao điểm thu hoạch cà phê thế này mà mưa kéo dài nhiều ngày liền khiến chúng tôi rất nóng ruột. Không hái thì cà phê chín rụng đầy gốc, mà hái về cũng không biết phơi ở đâu…”, bà Ka Phêm lắc đầu nói.

Lâm Đồng hiện đang trong cao điểm thu hoạch cà phê
Tương tự, ông Trần Thanh Giang (xã Hòa Bắc, Di Linh) cho biết, do thời tiết mưa gió, nên trong số hơn 5 ha cà phê gia đình ông mới thu hoạch chưa được một nửa diện tích. Thời tiết bất lợi khiến sản lượng cà phê bị hao hụt, trong khi chi phí thuê người hái cà phê lại khá cao, dao động từ 220.000 - 300.000 đồng/ngày công, tăng khoảng 30% so với mùa vụ ngoái.

“Mưa gió kéo dài không chỉ làm chậm tiến độ thu hoạch, mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cà phê nhân. Cà phê hái về không có chỗ phơi sấy, chúng tôi đành đóng thành từng bao rồi chất đống để trong nhà, nhiều bao cà phê đang bắt đầu ẩm mốc. Biết không có chỗ phơi nhưng vẫn phải hái, vì không hái trái rụng xuống gốc đi lượm còn cực hơn nhiều”, ông Giang nói.
Những trận mưa lớn kéo dài khiến việc thu hái cũng như phơi sấy, chế biến cà phê của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn
May mắn hơn nhà ông K’Tân (xã Đinh Trang Hòa, Di Linh) có diện tích cà phê ít (4 sào) nên chỉ trong 2 ngày là gia đình ông đã thu hái xong. Nhưng việc phơi cà phê diễn ra cả tuần nên ông không thể làm được thêm những việc khác.

“Những năm trước khi phơi xong cà phê là tôi đem cất trong nhà lúc nào được giá thì đem bán. Vì vườn nhà có ít, sau khi hái xong thì tôi tranh thủ thời gian đi hái cà phê thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhưng năm nay vì trời mưa nên việc phơi sấy bị chậm trễ, mình phơi xong thì người ta cũng hái xong nên chẳng ai mướn tôi đi hái cà phê nữa ”, ông K’Tân chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh (Lâm Đồng), hiện Di Linh có khoảng 41.680 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Năm nay, do thời tiết thất thường, người dân thu hoạch cà phê tương đối muộn. Hiện tại, dù đã qua một nửa tháng 12 nhưng sản lượng cà phê thu hoạch mới chỉ đạt khoảng 60%.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hoạch cà phê của người nông dân. Ngoài việc ảnh hưởng đến tiến độ thu hái, mưa kéo dài còn làm năng suất, chất lượng cà phê cũng bị sụt giảm”.

Cũng theo ông Hưng, lâu nay, để giảm thời gian phơi phóng, hầu hết người nông dân đều xay hạt cà phê tươi rồi mới đem phơi. Tuy nhiên, do mưa đột ngột và độ ẩm cao sẽ làm thâm đen nhân khiến chất lượng nhân cà phê bị sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, mưa thất thường nên nhiều nơi hoa cà phê nở sớm khiến tỷ lệ đậu trái thấp.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP