Tin địa phương

Nỗi lo vỡ đập thủy điện

Sự cố bục cửa cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra vào tháng 9-2016 được tỉnh Quảng Nam xem là “bài học xương máu”. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia chưa có phương án ứng phó vỡ đập, làm người dân ở hạ du tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lo lắng, bức xúc.

Tháng 3-2016, chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 bị xử phạt 400 triệu đồng vì không xây dựng phương án đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình.

Đối với thượng nguồn sông Thu Bồn, do thường xảy ra động đất kích thích nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên xây dựng và hoàn thành phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 trong tình huống vỡ đập. Thượng nguồn sông Vu Gia có 3 hồ thủy điện lớn đã đi vào hoạt động là A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4.

Ngày 2-8-2017, tại Quyết định số 2782/QĐ-UBND về phê duyệt phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện A Vương năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty CP Thủy điện A Vương có trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung tình huống vỡ đập theo quy định tại Công văn số 7277/BCT-ATMT ngày 8-8-2011 của Bộ Công thương.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung nghiên cứu, bổ sung tình huống vỡ đập theo quy định của Bộ Công thương tại Quyết định số 2476/QĐ-UBND (ngày 11-7-2017) về phê duyệt phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Sông Bung 4. “Việc lập phương án ứng phó tình huống vỡ đập tốn chi phí rất lớn.

Công ty đã đề nghị Tổng Công ty Phát điện 2 về việc này theo yêu cầu của tỉnh Quảng Nam nhưng chưa được phê duyệt, nên chưa có phương án ứng phó tình huống vỡ đập đối với hồ thủy điện Sông Bung 4”, một lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết.

Ngày 28-3-2016, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt 810 triệu đồng đối với chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4.

Trong đó, xử phạt 400 triệu đồng vì không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình dù hồ này có dung tích lên đến 312,38 triệu m3 nước. Song, ngày 18-8-2017, khi được hỏi đã xây dựng phương án ứng phó tình huống vỡ đập Đăk Mi 4A hay chưa, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đak Mi từ chối trả lời.

Tháng 3-2016, chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 bị xử phạt 400 triệu đồng vì không xây dựng phương án đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình. Ảnh: NAM TRÂN

Do chưa có hồ thủy điện lớn nào trên sông Bung (lưu vực lớn của sông Vu Gia) xây dựng tình huống vỡ đập nên phương án phòng chống lụt, bão và bảo đảm an toàn đập thủy điện Sông Bung 6 (do Công ty CP Sông Bung làm chủ đầu tư) được xây dựng rất chi tiết vì đây là hồ thủy điện bậc thang cuối cùng trên sông Bung. Hồ thủy điện Sông Bung 6 có công suất lắp máy 29MW, diện tích mặt hồ chỉ 0,42km2, lòng hồ nhỏ hẹp theo sông với chiều dài 4km, rộng từ 50-220m.

Do dung tích nhỏ nên xây dựng đập tràn tự do, không điều tiết nước theo mùa... Với tình huống lún sụt, sạt lở một phần tiếp giáp với mái hạ lưu đập và vai đập có ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của đập, nhà máy thủy điện Sông Bung 6 báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương vùng hạ du đập để có phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và yêu cầu hỗ trợ nhân vật lực để xử lý sự cố hư hỏng đập.

Trong tình huống xấu, nhà máy sẽ xả nước khẩn cấp với lưu lượng lớn nhất qua tua-bin và huy động ngay các tổ chuyên trách phòng chống lụt bão, vật tư phương tiện đã chuẩn bị để xử lý khẩn cấp...

Theo TS. Phạm Kim Sơn, khoa Xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), an toàn đập là nguyên tắc trên hết trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành. Tuy nhiên, sự cố vỡ đập là một thực tế đã xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới trong các thập niên qua.

Có trên 35% sự cố vỡ đập đất do nước tràn qua đỉnh đập như: mưa lũ vượt tần suất thiết kế hay do sự cố năng lực xả của tràn xả lũ, hoặc cũng có thể do các chủ hồ chứa có xu hướng tích trữ nước trong lòng hồ để bảo đảm bài toán kinh tế (phát điện) của các chủ hồ chứa, trong bối cảnh dự báo mưa bão của nước ta chưa đạt như các nước tiên tiến để chủ động phát điện và phòng lũ.

Vì thế, những nguy cơ gây vỡ đập càng rất dễ xảy ra dưới sự biến đổi khí hậu toàn cầu với các trận mưa có cường độ rất lớn trong thời gian dài và có quy luật mưa rất khó dự đoán. Cạnh đó, việc duy trì bảo dưỡng đập và hồ chứa chưa được thực hiện đúng mức cần thiết.

TS. Phạm Kim Sơn, khoa Xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng):

Qua thống kê, có 30% sự cố vỡ đập là do cống ngầm và 20% do nền móng đập. Nhưng hiện có rất ít hồ chứa xây dựng các kịch bản vỡ đập để có kế hoạch phòng, chống thiên tai. Đã đến lúc các nhà quản lý ở các địa phương có hồ chứa cần phải xây dựng các kịch bản vỡ đập như các nước trên thế giới đã làm để có các phương án chủ động giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nếu sự cố xảy ra. Khi xây dựng các kịch bản, các nhiệm vụ cần phải tính toán trong bài toán vỡ đập, gồm: mô phỏng quá trình vỡ của đập, mô phỏng quá trình lũ tràn xuống hạ lưu (dân cư, thành phố, khu công nghiệp…) gây nên ngập lụt bằng các mô hình số. Từ đó, lên kế hoạch phòng tránh hoặc giảm thiệt hại tối đa cho người và tài sản khi sự cố xảy ra.

Tác giả: NAM TRÂN

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP