Giáo dục

Niềm tin từ 40 cái phong bì

Điều đọng mãi trong tôi là cách xử lý tình huống hết sức tế nhị, khéo léo của thầy T..

Đứng trước một sự việc tối kỵ trong môi trường giáo dục là ăn cắp, thì ít nhiều người thầy cũng tỏ ra bực bội, tức giận, và dùng mọi “quyền lực” sẵn có để mau chóng tìm ra thủ phạm!

Nhưng trong trường hợp này thầy T. vẫn tỏ ra bình tĩnh, không lộ vẻ bực tức thường thấy ở người thầy chủ nhiệm khi lớp mình phụ trách gặp sự cố.

Bằng tình cảm chân thành, bằng lòng yêu thương, tin tưởng ở phần tốt trong mỗi học sinh, thầy đã kể câu chuyện để các em cảm thông, và đi đến kết luận là sẽ có cách cho em nào “lỡ dại” trả lại tiền cho bạn trong êm thấm.

40 chiếc phong bì là 40 niềm tin thầy T. gửi vào mỗi học sinh. Hơn ai hết, thầy T. là chủ nhiệm nên thầy thấu hiểu và cảm thông cho những lỗi lầm của các em học sinh. Ai trong đời mà không có lần vấp ngã? Điều quan trọng là biết đứng dậy và vững bước đi tới. Ngay cả học sinh trường chuyên, đầu vào là hạnh kiểm khá trở lên, nhưng thỉnh thoảng trong lớp học vẫn xảy ra tình trạng mất tiền, mất điện thoại...

Nhiều khi học sinh không lường được hậu quả của việc mình làm, nên dẫn tới những hành vi dại dột, thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ. Những lúc này, người thầy chủ nhiệm phải là người nhanh nhạy xử lý tình huống thật có tình có lý. Như vậy mới có thể giáo dục học sinh. Có một người thầy tâm lý, có tấm lòng, tự thâm tâm các em đã nhận ra việc làm sai của mình.

Giáo dục học sinh không bao giờ có khuôn mẫu cứng nhắc, mà luôn có những cách làm năng động, sáng tạo và hiệu quả. Có thể người thầy giỏi về chuyên môn nhưng chưa hẳn đã giỏi về am hiểu tâm lý học sinh. Vì vậy, dù bài bản sư phạm thế nào, trên hết vẫn là sự yêu thương thực lòng với học sinh.

Mình yêu thương học sinh thì học sinh sẽ đền đáp lại tình yêu thương đó, mà câu chuyện trên là một bằng chứng sinh động, là bài học sâu sắc cho mỗi người thầy đang đứng trên bục giảng...

Tác giả bài viết: LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG (Sóc Trăng)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP