Tin địa phương

Những xóm ngụ cư giữa lòng Đà Nẵng

Họ là những người con xa quê, mỗi người mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh nhưng có điểm chung đều chọn Đà Nẵng làm nơi mưu sinh, lập nghiệp.

Trưa tháng Bảy, nắng vẫn cứ chói chang trên những con đường của TP biển Đà Nẵng. Nắng luồn qua kẽ lá, xuyên qua những tán cây, nắng nhuộm vàng từng ngóc ngách phố thị. Dưới bóng cây xà cừ (đoạn đầu ngã tư Trần Phú – Đống Đa) là một nhóm người chừng bốn, năm mươi tuổi đang tranh thủ nằm nghỉ trưa, tránh nắng. Những chiếc xe đạp cà tàng chất bìa cát tông, bao tải cũ cùng một chiếc cân nhỏ treo lủng lẳng trên ghi đông được dựng ngay bên cạnh.

Xóm đồng nát Quảng Ngãi

Đó là những người phụ nữ làm nghề thu mua phế liệu từ các tỉnh nghèo lân cận tới TP Đà Nẵng thuê trọ, mưu sinh bằng việc ngày ngày mua gom giấy báo cũ, đồng nát, sắt vụn, quạt cháy, máy bơm hỏng...

Thấy người lạ, chị Võ Thị Thu Sương (48 tuổi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) lục đục ngồi dậy rồi cất gói xôi đang ăn dở vào trong một chiếc túi nhỏ. Hỏi thăm về công việc, chị xua tay cười: “Tụi tui ít học, ở quê khổ quá nên đành lăn lộn lên TP kiếm đôi ba đồng cho con cái ăn học thôi chứ có chi mô”.

Trưa nào chị Sương và “đồng nghiệp” cũng tập trung ở ngã tư Trần Phú-Đống Đa để nghỉ ngơi. Ảnh: TÂM AN

Chị Sương cho biết các chị ở đây cùng quê ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Họ thuê trọ ở xung quanh khu vực Ngã ba Huế, người ở cùng chồng, người lại chỉ có hai mẹ con. Hàng ngày, từ sáng tinh mơ, ai nấy đã vội vàng toả đi các con phố mưu sinh. Trưa đến, tất cả tập trung tại khu vực này để ăn uống, nghỉ ngơi trước khi tiếp tục công việc buổi chiều. Trải tấm bìa cát tông hoặc bao tải cũ ra nền đất, các chị úp nón lên mặt rồi vô tư nằm ngủ giữa cái ồn ã của chốn thị thành.

Phe phẩy chiếc nón trên tay, chị Sương bảo so với các “đồng nghiệp”, chị là người gắn bó với TP này lâu nhất. Vợ chồng chị có 3 đứa con, đứa lớn vừa tốt nghiệp ĐH, đứa bé nhất chuẩn bị lên lớp 12. Ngày trước ở quê vợ chồng chị làm ruộng một năm hai vụ, quần quật sớm tối cũng chỉ đủ gạo ăn. Nghe bảo Đà Nẵng là đất dễ sống, chị Sương quyết “liều” đi để tính kế làm ăn đến nay cũng đã được 15 năm.

“Hàng ngày tui đi đồng nát còn chồng thì ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống nơi đất khách tuy chẳng hề dễ dàng nhưng thu nhập vẫn khá hơn làm ruộng ở quê. Nếu biết chi tiêu dè xẻn, mỗi tháng cũng gửi về quê được vài triệu đồng cho con cái học hành”, chị cho hay.

Thấy chị Sương sống tốt, bà con dưới quê cũng đổ ra Đà Nẵng kiếm việc ngày càng nhiều. Những người có chung họ hàng hoặc cùng làng, cùng xã, huyện thường thuê trọ ở một khu. Ví như xóm trọ của chị phần lớn là người huyện Mộ Đức, chủ yếu làm những công việc chân tay như phụ hồ, thu mua phế liệu, cân đo sức khỏe… Cuộc sống tuy còn thiếu thốn và vất vả nhưng những con người ấy luôn sẵn sàng chia sẻ, đỡ đần nhau mỗi khi ai đó gặp khó khăn.

Tất bật với cuộc sống mưu sinh nên chỉ có những dịp lễ, tết hay giỗ chạp các chị mới về quê. Với họ, TP Đà Nẵng dường như đã trở thành quê hương thứ hai. Chị Nguyễn Thị Bé (43 tuổi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) nhớ lại: “Mới đó mà đã mười lăm gắn bó với nơi ni. Lần đầu đến đây nhìn xe cộ qua lại mà tui chóng hết cả mặt. Chưa quen đường xá nên đi lạc miết, cũng có khi đạp xe trầy trật cả ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn. Vậy mà giờ không có ngõ ngách nào là tụi tui không biết”.

“Thành phố bây giờ khác nhiều so với trước, có nhiều nhà cao tầng, đường phố cũng khang trang, hiện đại hơn. Duy chỉ có cái tình của người Đà Nẵng thì không thay đổi”, chị Bé nói.

Người Hà Nội bán bắp rang

Đến TP Đà Nẵng lập nghiệp có rất nhiều người dân lao động ở các vùng ngoại thành Hà Nội như Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Họ chủ yếu bán các loại đồ ăn vặt như bắp rang, xúc xích, nem chua rán…

Ngày càng có nhiều người dân lao động ở những vùng ngoại thành Hà Nội đến TP Đà Nẵng mưu sinh. Ảnh: TÂM AN

Vào buổi tối, khi người lớn, trẻ em tụ tập vui chơi cũng là lúc những xe hàng của họ sáng đèn. Nghe tôi hỏi về chuyện này, anh Nguyễn Văn Minh (43 tuổi, quê Mỹ Đức) cười lớn: “Tưởng gì chứ người Hà Nội vào đây làm ăn thì nhiều, riêng huyện Mỹ Đức đã có khoảng 50 người. Không tin cô cứ đi dọc sông Hàn, cổng công viên hay các trung tâm thương mại, hễ thấy ai bán bắp rang, xúc xích là y rằng đó là người Hà Nội”.

Vợ chồng anh Minh sống ở TP Đà Nẵng đã hơn 10 năm. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng ba, bốn giờ chiều là hai người lại cặm cụi đẩy xe hàng đi bán, vợ anh bán ở công viên 29-3 còn anh “làm ăn” xung quanh sông Hàn. Ngoài bán đồ ăn vặt, anh còn là đầu mối cung cấp bắp cho “biệt đội bắp rang" người Hà Nội. Chi tiêu tiết kiệm mỗi tháng anh Minh cũng bỏ túi được dăm triệu đồng.

Vừa nhanh tay rang bắp cho khách, anh khoe đã xây được nhà ở quê, sắp tới sẽ đưa các con và bố mẹ vào Đà Nẵng du lịch một chuyến. “Tôi từng buôn bán ở nhiều nơi từ bắc chí nam nhưng không nơi nào thấy thoải mái như nơi này. Đà Nẵng không sôi động, ồn ã như Hà Nội, Sài Gòn nhưng cũng không quá buồn tẻ như Huế. Ở đây gần biển nên không khí cũng trong lành, từ anh cảnh sát giao thông đến người dân bình thường đều rất thân thiện, nhiệt tình”, anh Minh cho hay.

Không chỉ người Hà Nội, TP Đà Nẵng hiện cũng là điểm đến của người dân lao động từ khắp mọi miền tổ quốc từ Yên Bái, Bắc Giang đến Đồng Tháp, Bạc Liêu… Có mặt tại những khu chợ lớn của thành phố như chợ Đồn, chợ Bắc Mỹ An, tôi được nghe nhiều giọng nói từ các vùng miền khác nhau, từ chất giọng của người bắc, giọng điệu nhẹ nhàng của người miền trung đến cái giọng ngọt ngào, dễ mến của người miền nam. Mỗi người mỗi nơi, mỗi người mỗi ngành nghề nhưng có điểm chung là họ đều chọn thành phố này để mưu sinh, lập nghiệp. Họ đã đến và mang theo cả những món ăn đặc sản, những nét văn hóa riêng biệt của quê hương giúp thành phố này có thêm màu sắc mới, trẻ trung, tươi mới hơn.

Đã ba tháng kể từ ngày người viết “bén duyên” với TP biển Đà Nẵng. Tuy vẫn có những lúc khốn khổ vì lạc đường, những lần thốn mặt vì không hiểu tiếng địa phương nhưng nơi này đang dần trở nên quen thuộc theo một cách rất riêng, tự nhiên mà cũng rất đỗi thân thương.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP