Kinh tế

Những sự kiện khiến tài chính thế giới chao đảo năm 2016

Người Anh bỏ phiếu rời EU, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, OPEC đồng ý cứu giá dầu... đã gây ra những biến động lớn trên toàn cầu trong năm nay.

1. Đợt bán tháo đầu năm
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm mạnh, khiến sàn chứng khoán phải đóng cửa hết phiên.
Tháng 1 năm nay là quãng thời gian tồi tệ của các nhà đầu tư. Chỉ sau 10 ngày giao dịch, chứng khoán toàn cầu đã mất hơn 4.000 tỷ USD. Nhà đầu tư lo ngại kinh tế Trung Quốc chậm lại và đồng NDT mất giá. Thị trường trái phiếu cũng liên tục lên xuống khi các ngân hàng trung ương bán dự trữ để đẩy giá nội tệ, còn nhà đầu tư ào ạt mua vào để giữ an toàn.

Một nguyên nhân quan trọng khác gây ra việc này là giá dầu lao dốc. Đến tuần thứ 3 của tháng 1, giá dầu Brent đã xuống đáy 27,1 USD một thùng. Việc này khiến cổ phiếu và trái phiếu ngành năng lượng bị bán tháo, đặc biệt là trái phiếu không được xếp hạng "đầu tư" của các hãng dầu đá phiến Mỹ.

Sau đó, đến cuối tháng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục gây sốc khi tuyên bố áp dụng lãi suất âm. Tin tức này ngay lập tức cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, còn nhà đầu tư Nhật Bản thì tìm đến trái phiếu lãi suất cao hơn tại eurozone, Anh và Mỹ.

2. Người Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit)

Cuối tháng 6, việc người Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) đã khiến cả thế giới bất ngờ, do những dự báo trước đó đều nghiêng về khả năng ở lại. Từ thị trường chứng khoán đến giá vàng, dầu thô, tiền tệ, đều biến động kỷ lục vì kết quả này.

Bảng Anh có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử, khi giảm hơn 8% so với USD. Trong ngày, có lúc mức giảm lên tới 10%, xuống đáy 30 năm so với USD. Các thị trường châu Âu cũng lao dốc ngay khi mở cửa, với nhiều ngân hàng mất tới một phần ba vốn hóa chỉ trong nửa giờ.

Nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản rủi ro, để đổ vào công cụ trú ẩn, khiến giá vàng và yen Nhật tăng vọt. Mỗi ounce vàng ngày 24/6 có lúc nhảy tới 100 USD so với giá mở cửa, lên 1.360 USD một ounce - cao nhất 2 năm. Yen Nhật cũng mạnh lên đáng kể so với USD và euro.

Hàng loạt ngân hàng trung ương tại Anh, châu Âu và Mỹ sau đó đã phải lên tiếng trấn an thị trường và cam kết bơm tiền hỗ trợ các nhà băng để đối phó với biến động.

3. Trưng cầu dân ý tại Italy


Tháng trước, người dân nước này đã bỏ phiếu phản đối cải tổ hiến pháp. Việc này khiến đồng euro xuống đáy 18 tháng so với USD và Thủ tướng Italy - Matteo Renzi phải tuyên bố từ chức.

Kinh tế Italy đang trong trạng thái dễ tổn thương. Vì vậy, bất ổn chính trị có thể khiến việc này trầm trọng thêm. Các nhà phân tích đặc biệt lo ngại về ngành ngân hàng của Italy - vốn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì người dân mất niềm tin. Rất nhiều ngân hàng đang vật lộn với nợ xấu và cần tái cấp vốn. Quá trình này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu khủng hoảng chính trị xảy ra.

4. Lãi suất trái phiếu siêu thấp

Sự kiện Brexit và động thái bơm tiền hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sau đó đã khiến thị trường trái phiếu càng biến động. Đến tháng 8, lãi suất toàn cầu đã xuống thấp kỷ lục. Trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm có lãi chỉ 0,51%. Trong khi đó, toàn bộ trái phiếu của Thụy Sĩ thời điểm đó trả lãi âm.

Đến tháng 8, giá trị số trái phiếu trả lãi âm trên toàn cầu đã lên tới 13.400 tỷ USD. Nạn nhân lớn nhất của tình trạng này là các quỹ lương hưu và ngành bảo hiểm.

5. Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới tiến gần ngưỡng 1.337 USD một ounce ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
Sau cú sốc Brexit, nhà đầu tư lại chuyển hướng quan tâm sang cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chiến thắng bất ngờ của ông Trump đã khiến tài chính thế giới chao đảo.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong buổi sáng công bố kết quả kiểm phiếu, mạnh nhất là Nikkei 225 và Topix Index của Nhật Bản với gần 6%. Đồng peso Mexico mất giá tới 13%, xuống thấp nhất mọi thời đại.

Trong khi đó, giá vàng lên sát 1.337 USD một ounce và yen Nhật tăng gần 4% so với đôla Mỹ. Chứng khoán châu Âu và châu Mỹ cũng đi xuống khi mở cửa, nhưng đà giảm sau đó dần hồi phục.

Cú sốc từ bầu cử Mỹ chỉ kéo dài vài giờ. Nhà đầu tư sau đó nhanh chóng lạc quan trở lại, khi cho rằng ông Trump sẽ thay đổi diện mạo cho nước Mỹ bằng các biện pháp kích thích tài khóa, giảm thuế và giảm quy định với các doanh nghiệp Mỹ. Tổng cộng, trong một tháng sau bầu cử, chứng khoán thế giới có thêm 2.000 tỷ USD.

6. OPEC đạt thỏa thuận giảm sản xuất

Cuối tháng 11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã họp tại Vienna (Áo), đồng ý cắt giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày, bắt đầu từ tháng 1 năm sau. Mức giảm này tương đương 3%, đưa sản xuất tổng về 32,5 triệu thùng một ngày. Tổ chức này hiện đóng góp một phần ba nguồn cung toàn cầu. Giá dầu thế giới đã tăng hơn 10% sau thông tin này.

Tháng này, một cuộc họp giữa các nước OPEC và phi OPEC cũng cho ra kết quả tương tự. Động lực lớn nhất giúp các nước đưa ra quyết định này là hậu quả kinh tế mà giá dầu giảm gây ra với các nước sản xuất lớn, như Saudi Arabia. Họ đã phải lên kế hoạch niêm yết hãng dầu mỏ quốc doanh - Aramco năm 2018, và đặt mục tiêu duy trì giá dầu trên 50 USD một thùng.

7. Khối nợ của Trung Quốc và đồng NDT yếu


Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhiều lần nữa trong năm 2017 đã khiến các nước mới nổi lo ngại. Riêng với Trung Quốc, đồng đôla mạnh sẽ đe dọa nỗ lực của nước này trong việc bình ổn đồng NDT và ngăn dòng vốn rút ra.

Lãi suất tại Mỹ tăng sẽ phơi bày nhiều điểm yếu của Trung Quốc. Một trong số đó là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính trong doanh nghiệp cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá Trung Quốc đang dẫm vào vết xe đổ của Nhật Bản thập niên 80, khi dùng tín dụng giá rẻ để hỗ trợ tăng trưởng, trong bối cảnh đối mặt với cải tổ chậm chạp, khối nợ tăng cao và già hóa dân số.

Tác giả bài viết: Hà Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP