Hai lãnh đạo BIDV và đại án hàng trăm tỷ đồng
Ngày 30/1, hai thành viên HĐQT của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa bị cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, hai cá nhân trên liên quan đến hàng loạt sai phạm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, kinh doanh tại Công ty chứng khoán MHBS. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chịu thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Ông Huỳnh Nam Dũng sinh năm 1956, là thạc sĩ Kinh tế, quê ở Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông Dũng từng làm việc tại văn phòng Chính phủ và trải qua nhiều công việc khác nhau như thành viên nhóm tư vấn về đầu tư cho Thủ tướng, thành viên nhóm chuyên gia giúp Thường trực Chính phủ về tài chính, ngân hàng, thành viên nhóm nghiên cứu về đổi mới kinh tế xã hội và cải cách hành chính của Thủ tướng. Ngoài ra, ông có 10 năm công tác tại Bộ Ngoại giao.
Năm 1997, MBH được thành lập. Ông Dũng trong vai trò là những người đầu tiên tham gia với tư cách thành viên Ban trù bị, và được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc. Năm 2002, ông Huỳnh Nam Dũng được bầu là Chủ tịch HĐQT MHB và được tái bổ nhiệm vào năm 2007.
Năm 2008, ông Huỳnh Nam Dũng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng III”. Ngày 8/6/2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Ngân hàng MHB.
Ông Huỳnh Nam Dũng. Ảnh: TBKTSG.
Còn ông Nguyễn Phước Hoà là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc MHB. Ông Hoà sinh năm 1956, là cử nhân Học viện Ngân hàng, quê ở TP.HCM. Trước khi chuyển công tác về MHB, ông Hòa đã tham gia nhiều công việc khác nhau như Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tây Ninh năm 1986 và Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Tây Ninh năm 1991.
Từ 1994 đến tháng 9/2000, ông làm Giám đốc Sở Giao dịch II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Từ ngày 16/10/2000, ông được tín nhiệm giữ chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng MHB và được tái bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc MHB năm 2010.
Nguyên giám đốc Agribank bị khởi tố
Đầu tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam và khởi tố bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn do Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, nhận hồ sơ vay vốn nhưng bà Ong cùng cấp dưới bị tình nghi không thẩm định dự án khiến ngân hàng này thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, năm 2014, bà Phí Thị Ong cũng từng bị khởi tố khi còn là Giám đốc Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Nhân vật này đã gây thiệt hại cho Agribank trong quá trình cho vay.
Gây thất thoát 5.500 tỷ đồng, nguyên Tổng giám đốc GPBank bị bắt
Ông Phạm Quyết Thắng nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Giữa tháng 3/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với ông Thắng về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án gây thất thoát 5.500 tỷ đồng.
Trước khi giữ chiếc ghế cao nhất trong ban điều hành của GPBank, ông Thắng từng có thời gian dài làm việc tại VPBank với vị trí Giám đốc chi nhánh VPBank Đông Đô vào năm năm 2009.
Đến tháng 5/2009, ông Phạm Quyết Thắng bắt đầu sự nghiệp tại GPBank với chức danh Phó tổng giám đốc. Còn ông Nguyễn Hữu Thủy, vốn là Phó tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank được điều về làm Tổng giám đốc GPBank.
Ông Phạm Quyết Thắng (áo xám) từng có 20 năm hoạt động trong ngành ngân hàng. Ảnh: GPBank.
Chỉ 6 tháng sau, ông Phạm Quyết Thắng trở thành người thay thế cho ông Hữu Thủy, chính thức tiếp quản chiếc ghế Tổng giám đốc GPBank.
Tham gia ngành ngân hàng trong 20 năm, lại có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, ông Thắng từng cùng GPBank đạt giải thưởng "Thương hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2010". Tháng 12/2010, ngân hàng này cũng tăng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, dưới thời ông Thắng, kết quả kinh doanh của GPBank thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỷ đồng đến cuối 2014 (trong khi vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng), nợ xấu tới 45% và sau đó bị mua lại với giá 0 đồng.
Cựu CEO DongABank bị bắt
Danh sách các sếp nhà băng vướng vào vòng lao lý cuối năm 2016 còn có thêm tên ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Hai vị này đã bị bắt giữ và khởi tố do vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình sinh năm 1959, là cử nhân Kinh tế - một trong những nhân vật gắn bó với DongABank từ những ngày đầu ngân hàng thành lập. Trước khi trở thành Tổng giám đốc vào năm 1998, ông chưa từng có kinh nghiệm hay chuyên môn về lĩnh vực ngân hàng. Công việc trước đó của ông là giảng dạy lĩnh vực kinh tế.
Trong quá trình công tác tại DongABank, ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Tính đến ngày 30/6/2014, ông Trần Phương Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu tại DongABank, tương đương tỷ lệ sở hữu 3% vốn ngân hàng.
Ông cũng chính là cầu nối quan trọng giữa DongABank với các cổ đông của ngân hàng. Hầu hết những người thân của ông đều là cổ đông lớn của DongABank.
Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Đ.A.
Theo thống kê, vợ chồng ông Bình và các con nắm giữ tới 16,24% cổ phần tại PNJ (nơi bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình làm Chủ tịch HĐQT) và 9,62% tại DongABank. Trong đó, PNJ nắm giữ 7,7% vốn điều lệ tại DongABank tại năm 2015.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, được cho là em dâu của vợ ông Bình. Bà Vân sinh năm 1970, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trước khi bị đình chỉ công tác cùng thời điểm với ông Bình, bà Vân là Phó tổng giám đốc thường trực tại DongABank. Bà từng nhận được bằng khen của Thống đốc NHNN cùng nhiều giải thưởng khác trong quá trình công tác tại Ngân hàng Đông Á.
Tính đến 30/6/2014, bà nắm giữ hơn 712.000 cổ phiếu tại DongABank tương đương tỷ lệ 0,14%.
Tác giả bài viết: Kiều Linh (Tổng hợp)
Nguồn tin: