Các điều tra viên Anh kiểm tra hiện trường vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Ảnh: Reuters. |
27 quốc gia, trong đó có 18 thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã hưởng ứng lời kêu gọi của Anh trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao Nga sau khi Moscow bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury hồi đầu tháng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nước châu Âu đưa ra những lý do khác nhau để từ chối tham gia "đòn trừng phạt hội đồng" vốn gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh tới nay, theo Sky News.
Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha thường được coi là đồng minh lâu đời nhất của Anh, bởi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị từ năm 1147. Nhưng Lisbon tới nay vẫn chưa đưa ra quyết định trục xuất bất cứ nhà ngoại giao Nga nào nhằm đáp trả vụ tấn công ở Salisbury.
Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha hồi đầu tuần tuyên bố nước này "tin rằng việc phối hợp ở cấp độ toàn châu Âu là biện pháp hiệu quả nhất để đáp trả mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay".
Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà ngoại giao Nga đang hoạt động ở Lisbon, nhưng giới quan sát tin rằng số lượng này là không nhiều và Bồ Đào Nha không thấy có lý do nào liên quan đến an ninh để ra quyết định trục xuất họ.
Luxembourg
Thủ tướng Luxembourg Xavier Battel tuần trước nói rằng ông đang đợi kết quả cuộc điều tra vụ bố con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc trước khi đưa ra quyết định về việc sẽ thực hiện biện pháp đáp trả nào với Nga.
Quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga của các nước hiện nay đều dựa vào lời cáo buộc được Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra rằng Moscow "khả năng cao" đứng sau vụ tấn công Skripal. Cuộc điều tra vụ mưu sát này vẫn đang được tiến hành và cảnh sát Anh vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về thủ phạm.
Cơ quan ngoại giao Nga ở Luxembourg cũng có rất ít nhân viên và những người này đều được coi là không có liên hệ với hoạt động gián điệp.
Malta
Người phát ngôn chính phủ Malta Kurt Farrugia mới đây tuyên bố nước này "ủng hộ hết mình Anh và hành động đoàn kết" trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ tấn công Salisbury.
Tuy nhiên, ông này giải lý Malta không ra quyết định trục xuất vì số lượng nhân viên của cơ quan ngoại giao Malta ở Moscow rất ít, nên bất cứ biện pháp đáp trả nào của Nga cũng có thể chấm dứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
"Quyết định này của chúng tôi không làm giảm bớt sự ủng hộ đối với Anh và các đối tác an ninh. Quan điểm này đã được truyền đạt đến chính phủ Anh, Hội đồng châu Âu và được họ chấp nhận", Farrugia cho biết.
Tuy nhiên, Malta cũng chính là quốc gia áp dụng chương trình nhập tịch hợp pháp gây tranh cãi vốn đã cho phép nhiều tỷ phú Nga được cấp hộ chiếu của EU.
Thụy Sĩ
Là quốc gia nổi tiếng với quan điểm trung lập, Thụy Sĩ không gia nhập EU và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Trong tuyên bố hôm qua, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ "lên án mạnh mẽ vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury", cho rằng việc chất độc này được sử dụng là "bất thường và đáng lo ngại", nhưng khẳng định nước này sẽ đợi kết quả điều tra cuối cùng trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào.
Thụy Sĩ khẳng định cuộc điều tra của nhà chức trách Nga với sự giúp đỡ của Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW) có "tầm quan trọng hàng đầu" và "những kẻ chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước công lý".
"Thụy Sĩ kêu gọi hợp tác làm rõ hành động vi phạm luật pháp quốc tế như vậy và trong bối cảnh này ủng hộ các cơ chế, thể chế có thể kiểm chứng độc lập những bằng chứng đáng tin cậy", Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh.
Hy Lạp
Hy Lạp có mối quan hệ về lịch sử và tôn giáo sâu đậm với Nga. Chính phủ Hy Lạp hiện nay cũng duy trì mối liên hệ gần gũi với Moscow đến mức EU và NATO từng phải lên tiếng cảnh báo.
Các thành viên đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp được cho là có liên hệ làm ăn, kinh tế với giới doanh nhân quyền lực của Nga. Đối tác của đảng này trong liên minh cầm quyền là đảng Anel cũng công khai thể hiện quan điểm ủng hộ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP |
Trong hội nghị thượng đỉnh EU tuần trước, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố: "Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nước Anh và nhân dân Anh, nhưng chúng tôi đồng thời cũng cần tìm hiểu sự tình".
Chính phủ Hy Lạp từng tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ tung đòn trừng phạt một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Slovakia
Slovakia có mối quan hệ khá trắc trở với Nga, nhưng giới chức quốc gia Đông Âu này gần đây thể hiện thái độ mềm mỏng hơn với Moscow.
"Tôi muốn đảm bảo với các bạn là Slovakia sẽ hành động có trách nhiệm. Nhưng mặt khác, chúng tôi tuyên bố rõ là sẽ không gây bất cứ áp lực nào và không thực hiện những hành động kịch tính không cần thiết", Thủ tướng Peter Pellegrini tuyên bố trong một phiên họp quốc hội.
"Slovakia đã chuẩn bị sẵn các bước đi tiếp theo, nhưng chúng tôi sẽ chờ đợi, bởi Slovakia coi lời cáo buộc với Nga là chưa đủ", ông nói thêm.
Áo
Peter Launsky-Tieffenthal, người phát ngôn chính phủ Áo, tuyên bố Vienna sẽ "không có hành động nào ở cấp độ quốc gia" và sẽ không trục xuất nhà ngoại giao Nga, bất chấp nỗ lực phối hợp của các thành viên khác trong EU.
"Lý do là chúng tôi muốn giữ các kênh đối thoại mở với Nga. Áo là quốc gia trung lập và tự coi mình là cây cầu nối Đông – Tây", Launsky-Tieffenthal nói.
Đảng FPO phụ trách Bộ Ngoại giao trong liên minh cầm quyền của Áo được cho là có mối quan hệ thân thiết với Điện Kremlin. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, FPO tuyên bố đây là "vấn đề nội bộ của Nga mà EU không phải lo ngại".
Slovenia
Sau khi một loạt nước EU ra quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố nước này "tuân thủ lập trường của Hội đồng châu Âu rằng vấn đề phải được xem xét dựa trên những gì đã thực sự diễn ra". Ông nói thêm rằng nội các Slovenia sẽ trao đổi thêm về vấn đề này trong cuộc họp sắp tới.
Chính phủ Slovenia luôn tự hào về việc duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Nga. Cuối năm ngoái, Thủ tướng Slovenia cho biết ông hy vọng nước này "có thể trở thành cầu nối giữa hai siêu cường" Nga và Mỹ.
Màu xanh thể hiện các quốc gia trên thế giới đã trục xuất nhà ngoại giao Nga (màu đỏ) sau vụ Salisbury tính đến ngày 27/3. Đồ họa: Anadolu. |
Slovenia là nơi từng chứng kiến các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Nga và Mỹ. Năm 2011, tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã lần đầu tiên gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại một hội nghị ở Slovenia.
Bulgaria
Là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, Bulgaria chưa trục xuất bất cứ nhà ngoại giao Nga nào dù đã triệu hồi đại sứ ở Moscow để tham vấn.
Tuần trước, Thủ tướng Boyko Borissov tuyên bố việc EU đồng lòng với Anh là "một quyết định chung được chúng tôi ủng hộ", nhưng chính phủ Bulgaria cũng đồng thời nhấn mạnh nước này với tư cách là chủ tịch EU phải duy trì sự trung lập. Giới quan sát cho rằng quan hệ kinh tế gắn kết giữa Bulgaria và Nga có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định này.
Cyprus
Các ngân hàng của quốc gia nhỏ bé trên Địa Trung Hải này là nơi đang giữ hàng tỷ euro nguồn vốn từ Nga. Cũng như Hy Lạp, Cyprus từng tuyên bố rằng họ coi việc trừng phạt một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là không phù hợp.
Tác giả: Trí Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress