Cuộc sống

Những người không nên ăn canh chua sấu, dứa thơm, dọc mùng

Canh chua luôn là món ăn đưa miệng đối với nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, món canh này lại không thích hợp để ăn đối với nhiều người có bệnh lý sau.

Hầu hết mọi nhà đều thường có bát canh chua trong bữa ăn. Thông thường để tạo vị chua người ta hay dùng quả me, quả khế hay quả sấu, quả dứa cho vào nước canh.

Những loại quả này có chứa nhiều axit hữu cơ. Ngoài giúp nước canh có vị chua dễ ăn, dịch quả me có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận trường, quả sấu thanh nhiệt, giải khát (sấu ngâm đường), kích thích tiêu hóa, tiêu thực.

Thậm chí, việc dùng quả khế chua, dứa xanh/chín nấu canh chua còn có tác dụng chữa sốt, cầm tiêu chảy, ngừa xuất huyết do nhiệt tích trong cơ thể. Bên cạnh đó, loại quả này cũng chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng của cơ thể và làm giảm lượng đường trong máu.

Món canh chua tốt cho sức khỏe là vậy nhưng không phải người nào cũng có thể ăn canh chua.

Người có tì vị hư hàn hay bị tiêu chảy thì không nên ăn canh chua được làm từ quả dứa thơm. Ảnh minh họa.


Người bị tiêu chảy, phụ nữ có thai không ăn canh chua từ dứa thơm

Người có tì vị hư hàn hay bị tiêu chảy thì không nên ăn canh chua được làm từ quả dứa thơm. Phụ nữ có thai không nên uống dịch ép quả dứa chưa chín hay ăn canh dứa chưa chín vì chúng có thể gây tăng co bóp tử cung, dễ trụy thai.

Người viêm loét dạ dày, yếu thận không ăn canh chua khế, dứa thơm

Với những người có cơ địa hay bị tiêu chảy, viêm loét dạ dày, người thận yếu, suy thận cũng nên hạn chế canh chua. Nhất là canh chua dùng dứa thơm, khế, bạc hà vì có nguy cơ tạo thành sỏi trong thận và bàng quang, gây nguy hiểm.


Người bị bệnh gout không ăn canh chua dọc mùng

Những người bị bệnh gout hoặc những người mà lượng acid uric đã mấp mé giới hạn bệnh lý nên chủ động hạn chế ăn món canh chua dọc mùng.

Theo tờ Kiến thức dẫn lời Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y TP Vũng Tàu) thì dọc mùng khi nấu canh chua có mối liên hệ mật thiết với acid uric, một loại phế phẩm từ chuỗi phản ứng thoái biến chất đạm thuộc nhóm purin không được bài tiết kịp thời và đúng mức nên kết tủa trong khớp, trên đường tiết niệu, dưới da… làm khổ bệnh nhân.

Báo Sài Gòn tiếp thị đưa tin cũng đưa ra khảo sát thói quen ăn uống của 50 người có lượng acid uric trong máu cao. Những người này không có những thói quen sinh hoạt xấu như uống bia, lạm dụng thịt mỡ... Kết quả khảo sát cho thấy 37 trong số 50 người ăn canh chua tối thiểu 4 lần/tuần, 13 người ăn canh chua tối thiểu 2 lần/tuần.


Theo đó, những người ăn canh chua không có dọc mùng có tỉ lệ tăng acid uric trong máu chỉ khoảng 15%. Còn 7/10 trường hợp bệnh nhân sau một bữa ăn có món canh chua dọc mùng lên cơn đau kèm theo những triệu chứng của bệnh gout, sưng nóng đỏ các khớp...

Người loét dạ dày tá tràng không nên ăn canh chua sấu

Mọi người đều biết, canh chua sấu rất thơm ngon và có vị chua thanh thanh. Nhưng người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan nên tránh dùng loại canh này. Nhất là bạn không nên uống nước sấu vào lúc đói vì sấu có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.


Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa của những đối tượng này rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

Tác giả bài viết: Minh Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP