Kinh tế

Những người đàn bà khuấy đảo giới ngân hàng

Đã có hàng chục phụ nữ phải hầu tòa trong những vụ đại án ngân hàng nhưng xét đến tầm ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng thì 3 người phụ nữ này là "đầu bảng".

Hứa Thị Phấn - Trust Bank

Ngày 24/3/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn), sinh năm 1947 tại Đồng Tháp, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Với việc nắm giữ 84,92% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank), tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng - VNCB, bà Phấn đã dùng sự ảnh hưởng của mình "rút ruột" hàng nghìn tỷ đồng của Trust Bank thông qua các phi vụ đầu tư, mua bán bất động sản,...

Bà Hứa Thị Phấn.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm có hành vi chỉ đạo giải ngân, hạch toán thu chi khống 4.944 tỷ đồng tại Trust Bank để tất toán nợ cũ cũ của nhóm bà Phấn nhưng lại ghi nợ cho nhóm đối tượng khác, gây thiệt hại cho Trust Bank.

Về quá trình “thoái vốn” của Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, Cơ quan CSĐT xác định, do có nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng tại Ngân hàng Đại Tín giữa Hứa Thị Phấn và Ban lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, bản thân bà Hứa Thị có nhiều khoản vay lớn dư nợ xấu không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng và là nguyên nhân dẫn đến việc Ngân hàng mất thanh khoản đang bị Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước thanh tra đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Vì vậy, sau khi Hà Văn Thắm (Chủ tịch OceanBank) đặt vấn đề, ngày 23/02/2012, Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín đại diện cho nhóm cổ đông của Hứa Thị Phấn ký Hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị chuyển nhượng theo họp đồng là 4.468.349.554 đồng, kèm theo việc Hà Văn Thắm cam kết chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín khoảng 3.553 tỷ đồng và được quyền sở hữu số tài sản bảo đảm từ các khoản vay này và khoản Ngân hàng đầu tư khoảng 920 tỷ đồng sau khi trả nợ thay cho nhóm Hứa Thị Phấn. Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn cam kết hỗ trợ cho Hứa Thị Phấn tiếp tục vay vốn để đầu tư vào dự án bất động sản tại Thủ Đức và Đồng Tháp do Phấn làm chủ đầu tư. Đồng thời Hứa Thị Phấn đã bàn giao cho Hà Văn Thắm các văn bản liên quan đến việc xác nhận, chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín sang cho Hà Văn Thắm.

Không những thế, bà Sáu Phấn còn liên quan đến phi vụ mua vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) tại OceanBank. Do đó, ngày 19/5/2017, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS và cùng ngày đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Cụ thể, do trong quá trình tiếp nhận Trust Bank, Phạm Công Danh phải chi phí nhiều trong việc giải quyết các khoản nợ xấu nên đến giữa tháng 11/2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn bàn bạc, thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản là 250 tỷ đồng tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Trung Dung (là Công ty riêng của Phạm Công Danh) và tài sản của Hứa Thị Phấn, số tiền này Danh sẽ sử dụng để tất toán cho 05 Hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Trust Bank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Trust Bank của nhóm bà Phấn theo như thỏa thuận.

Phạm Công Danh đã không trả được khoản vay này, gây thiệt hại hơn 343 tỷ đồng cho OceanBank. Cơ quan CSĐT xác định, mặc dù là bên thứ 3, bên cho mượn tài sản và đang có đơn kiện Phạm Công Danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Tuy nhiên, do có sự bàn bạc thống nhất với Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh trong việc mua bán, chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cùng quyền lợi các bên được hưởng; liên quan đến việc chuyển nhượng này là việc Hứa Thị Phấn cho Phạm Công Danh mượn số tài sản chưa đủ tính pháp lý để giúp cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng trái quy định, số tiền này được Phạm Công Danh dùng thanh toán cho 05 Hợp đồng tín dụng của 05 cá nhân do bà Phấn nhờ đứng tên vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín để Phấn đầu tư dự án bất động sản. Hành vi của bị can Hứa Thị Phấn là đồng phạm giúp sức cho bị can Hà Văn Thắm và bị can Phạm Công Danh phạm vào tội “Vi phạm quy định vê cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS.

Huỳnh Thị Huyền Như - Vietinbank

Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, bị cáo buộc vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư bất động vào năm 2007. Từ năm 2010, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Huyền Như dùng nhiều mánh để có được hơn 4.000 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức.

Mặc dù chỉ làm đến cấp Trưởng phòng, nhưng bằng sự lọc lõi của mình, Huyền Như đã lợi dụng để thực hiện trót lọt hàng loạt phi vụ lừa đảo.

Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.

Kết quả điều tra xác định, tháng 4/2011, Navibank gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay để tất toán lãi khi đến hạn. Sau khi tiền được chuyển vào các tài khoản của nhân viên Navibank mở tại Vietinbank, Huyền Như đã giả lệnh chi, chuyển cho các chủ nợ hoặc làm giả các sổ tiết kiệm mang đi vay tiền Navibank. Đến thời điểm vụ án bị phát hiện, Huyền Như tất toán nhiều hợp đồng tiền gửi, còn lại chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng.

Liên quan đến hành vi sai phạm của Huyền Như trong việc chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của khách hàng trong thời gian làm việc tại Vietinbank, do cần tiền trả nợ vì đầu tư chứng khoán và bất động sản thua lỗ, lợi dụng danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch, huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Huyền Như tự thỏa thuận với các nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất và chi ngoài cao đến 36% một năm. Sau đó, Như làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty này với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.

Ngoài ra, Huyền Như còn chiếm đoạt hơn 1.400 tỷ đồng của 4 đơn vị là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Nam Việt, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc.

Năm 2015 Huyền Như phải nhận mức án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. 22 đồng phạm khác nhận án từ 1 đến 20 năm tù. Các bị cáo phải bồi thường tổng cộng trên 14.000 tỷ đồng. Trong số này, tiền phải thu hồi cho ngân sách nhà nước tới hơn 11.000 tỷ đồng; tiền thi hành cho các tổ chức, cá nhân gần 3.000 tỷ đồng.

Lê Thị Huệ - "Dắt mũi" cả Agribank Lào Cai

Tháng 4/2017, nhiều khách hàng của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã làm đơn tố cáo đối tượng Lê Thị Huệ, sinh ngày 26/8/1974, thường trú tại tổ 12, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Lê Thị Huệ cho biết có mối quan hệ tốt với các ngân hàng nên có thể gửi tiền với lãi suất cao hơn nhiều lần mức ngân hàng niêm yết. Để tạo lòng tin, đối tượng khẳng định sau khi gửi tiền sẽ có sổ tiết kiệm ghi rõ số tiền để làm bằng chứng. Nếu ai muốn chuyển tiền sang sổ tiết kiệm đúng tên mình, Lê Thị Huệ cũng có thể thu xếp được. Do vậy, nhiều người đã tin tưởng lấy tiền gia đình, huy động của người thân đưa cho Lê Thị Huệ nhằm hưởng lãi suất cao hơn mức ngân hàng niêm yết công khai.

Đối tượng Lê Thị Huệ. Ảnh: Báo Công lý.

Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Lê Thị Huệ vẫn đến ngân hàng gửi tiền và yêu cầu các nạn nhân ký sẵn giấy nộp tiền. Số tiền huy động của các nạn nhân lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng số tiền thực nộp vào ngân hàng chỉ có 1 triệu đồng/sổ tiết kiệm. Sau đó, Lê Thị Huệ đã “biến” các sổ tiết kiệm này có số tiền như các nạn nhân đã đưa.

Với thủ đoạn này, Lê Thị Huệ đã làm hơn 20 sổ tiết kiệm cho các nạn nhân, với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tác giả: Ngân Giang

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: khuấy đảo , ngân hàng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP