Du lịch

Những món ngon nức tiếng ở Cần Thơ

Nằm ở trung tâm của miền sông nước Tây Nam bộ trù phú, Cần Thơ có những món đặc sản ngon khó cầm lòng. Bánh tét lá cẩm, nem nướng, ốc nướng tiêu xanh hay bánh cống là những món ăn mang đậm hương vị dân dã, thơm thảo của vùng đất này.

Bánh tét lá cẩm

Cần Thơ nổi tiếng với món bánh tét của gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho bánh tét độc đáo hơn bằng cách “nhuộm” tím phần vỏ bánh, tạo nên một món ăn thơm ngon, đặc sắc.


Muốn bánh ngon, dẻo phải lựa gạo nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ, sau đó đem ngâm với lá cẩm để có màu tím tự nhiên. Để hoàn thiện bước cuối cùng phần vỏ bánh, gạo được đem trộn với nước lá cẩm và cốt dừa, thêm muối, đường và xào trên bếp khoảng một tiếng để thấm vào hột nếp. Phần nhân gồm đậu xanh nấu nhừ, gói chung với thịt và trứng vịt muối. Bánh ngon phải được buộc bằng dây nilon, nấu bếp củi, luộc khoảng 4 - 5 tiếng.

Sự hấp dẫn ngay từ màu sắc.


Cắn một miếng bánh tét màu tím, thực khách có thể cảm nhận vị thơm của nếp dẻo và vị ngọt của thịt lưu luyến mãi nơi đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành theo kiểu truyền thống của người Việt nên khiến những ai đã từng nếm thử sẽ khó có thể quên được.

Nem nướng Cái Răng

Món này hầu như nơi nào cũng có nhưng mỗi điểm đến lại mang hương vị riêng tùy theo tập quán ăn uống. Nem nướng Cần Thơ làm từ thịt nạc, chế biến ngay tại chỗ và nướng trên than hồng. Kết hợp cùng vài món rau sống khác, tất cả cuốn đều trong chiếc bánh tráng, chấm nước tương xay hoặc mắm chanh tỏi ớt.


Thịt để làm nem phải là thịt heo thật tươi và ngon. Thịt được thái mỏng, ướp gia vị cho thấm rồi bỏ vào cối quết đến khi thật nhuyễn, sau đó viên tròn lại, xâu vào thanh tre và đem nướng trên bếp than hồng.

Món nem nướng Cái Răng được ăn kèm với chuối chát, dưa leo, dứa, khế…, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt.


Sự thi vị của món nem nướng Cái Răng có thể làm thực khách quên hết mọi dư vị của các món ăn khác đã thưởng thức trước đó.

Chuối nếp nướng

Món chuối bọc nếp nướng có lớp vỏ nếp bên ngoài dai dai, giòn giòn, quả chuối bên trong mềm ngọt, thêm vị nước cốt dừa beo béo, thơm thơm thật hấp dẫn.


Ở vùng miệt vườn sông nước Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.

Trời mưa, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi, vừa xuýt xoa thổi, vừa thưởng thức cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là “nghiện” luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã.

Ốc nướng tiêu xanh

Cần Thơ vốn nổi tiếng với nhiều món ăn bình dân nhưng luôn đậm đà hương vị khiến thực khách nhớ mãi. Ốc bươu nướng tiêu xanh cũng là một trong những món ăn như vậy.

Để làm món ăn này, người ta thường luộc sơ qua ốc rồi nướng. Ốc được nướng trên bếp than củi để giữ được độ thơm và mùi vị tự nhiên. Sau đó, người ta cho thêm nước mắm đã pha sẵn các loại gia vị vừa ăn như: tiêu, tỏi, bột ngọt... nướng cho đến khi thấy nước bên trong sôi lên, hơi cạn xuống thì cho ra đĩa là dùng được.


Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn. Ốc vừa chín tới sẽ có vị ngọt đặc trưng hòa cùng các loại gia vị trong nước mắm. Vị cay cay của tiêu nơi đầu lưỡi cùng vị ngọt mặn vừa đủ sẽ làm bạn mê mẩn.

Ốc được nướng trực tiếp trên lò than.


Ốc nướng tiêu ăn đúng điệu phải húp cả nước gia vị bên trong ốc. Vị mặn, hơi cay của nước ốc càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và lạ miệng. Cũng có lẽ vì thế khi dùng món ăn này, người ta không cần thêm thứ nước chấm nào khác.

Bánh cống

Người Cần Thơ xem bánh cống là thức quà vặt nên chỉ ăn vào buổi chiều hay tối. Nguồn gốc bánh xuất phát từ người Khmer và hiện vẫn được bán dọc đường các tỉnh miền Tây. Món này có nguyên liệu và cách làm nôm na như bánh khọt nhưng dày và lớp nhân phóng khoáng hơn.


Nhân bánh trộn từ bột đậu xanh với củ sắn, thịt bằm và đổ vào khuôn. Tiếp theo, bánh được nhúng xuống chảo dầu, sau đó chiên tới khi chuyển màu vàng ngà là đặt thêm mấy con tép sông lên trên cùng. Món bánh có vị béo của bột mì cùng đậu xanh, hòa quyện đồng đều trong vị ngọt từ tép. Vỏ bánh giòn rụm, khi ăn không có cảm giác ngán.

Bánh cống có cách ăn tương tự bánh xèo, cuốn cùng các loại rau và chấm nước mắm tỏi ớt.

Bánh tầm bì

Nhắc đến Cần Thơ, không thể không nhắc đến món bánh tầm bì rất đặc biệt và độc đáo.

Những sợi bánh trắng phau ngon mắt được làm từ bột nếp và bột gạo cho độ mềm mịn và dai vừa đủ. Một dĩa bánh tằm bì được bày trí rất bắt mắt, gồm có bánh tằm trắng đều, được phủ lên trên bởi một lớp bì (da heo xắt nhuyễn) óng ánh mỡ thơm ngon; thêm chút màu xanh của rau thơm, giá sống, dưa chua và một muỗng mỡ hành.


Một món ăn là sự kết hợp hài hoà giữa những nguyên liệu sẵn có của Cần Thơ, thổi lên cái hồn chân chất, thơm ngon nhưng rất đỗi bình dị. Một số người cho rằng, đã đến Cần Thơ mà chưa nếm thử bánh tằm bì thì xem như chưa biết gì về nơi đây.

Lẩu bần Phù Sa

Đến với khu du lịch Phù Sa, du khách có thể thưởng thức lẩu bần bất cứ mùa nào. Vào mùa bần, lẩu bần sẽ được chế biến từ những trái bần chín cây cực kỳ tươi ngon. Nếu không phải mùa bần, nguyên liệu sẽ được thay thế bằng nước bần chiết xuất, được trữ lạnh có thể dùng quanh năm.


Nguyên liệu nấu lẩu bần rất đa dạng, cá dùng để nấu lẩu có thể tùy theo mùa, có thể là cá basa, cá diêu hồng hay cá ngát, thậm chí có thể dùng ba ba hay cua đinh để nấu với bần, đều có vị ngon khó cưỡng. Nước lẩu được ninh từ cá tươi để có vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo được nêm nếm vừa ăn với một chút nước cốt me chua, sau đó cho thêm ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho lẩu. Nước lẩu bần rất thơm, có vị chua ngọt rất thanh và đặc trưng hương bần khá đặc biệt.

Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển – một loại bông dân dã của vùng sông nước.

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP