Du lịch

Những món ăn Việt nghe tên đã muốn “chùn đũa”

Thịt chuột, sâu, dúi, đuông dừa… là những món ăn chỉ nghe đến tên thôi cũng đủ làm người ta cảm thấy rùng mình. Tuy nhiên, những món ăn này được coi là đặc sản của nhiều vùng và rất được ưa chuộng.

1. Thịt chuột

Nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và sông Cửu Long, chuột được giao bán rộng rãi như một nhu yếu phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Thậm chí, tại nhiều miền quê, thịt chuột còn được coi là món đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ tết trọng đại. Không chỉ vậy, người Việt chế biến chuột còn rất cầu kì và...sáng tạo với trên 30 món ăn.

Thịt chuột được coi là đặc sản.

Loài gặm nhấm này được nhiều người sành ăn ưa chuộng vì thức ăn của chúng là mầm cỏ non, khoai, sắn, lúa… nên thịt chuột thơm như thịt gà nhưng mềm và dai hơn. Thịt chuột đồng được chế biến thành các món như: nấu giả cầy, nướng muối ớt, xào dưa…

2. Đuông dừa

Là một loại sâu trong đọt cây dừa, đuông luôn được giới sành ăn đánh giá cao về độ giòn, vị béo ngậy, thơm lừng độc đáo. Vẻ ngoài mập tròn và mềm nhũn của đuông dừa khiến nhiều người nhìn bên ngoài đều thấy “khiếp vía”, tuy nhiên đây lại là món ăn đặc sản của người miền Tây.

Đuông dừa tắm mắm.


Thịt đuông dừa được chế biến thành các món nướng, chiên, xào tỏi, hấp lá chanh nhưng phổ biến nhất phải kể đến đuông dừa tắm mắm. Những người “nghiện” món ăn này cho rằng, cái thú của việc thưởng thức đuông dừa là khi nước trong con đuông dừa tràn ra, đầy vị béo, sau đó thấm vào khoang miêng, vòm họng, khiến những ai đã can đảm ăn thử sẽ bị hấp dẫn lạ lùng.

3. Sâu măng

Là món ăn xuất hiện nhiều vào mùa mưa ẩm ướt, sâu măng là món đặc sản của vùng núi phía Tây xứ Thanh.

Sâu măng có nhiều cách chế biến.


Người đi rừng tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Sau khi đốn hạ thân măng, người bắt sâu sẽ trút sâu trong ống nứa vào giỏ. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.

Ngoài để ngâm rượu, sâu măng cũng xuất hiện nhiều trong các bữa ăn hằng ngày. Sâu măng béo, bùi, có giá trị dinh dưỡng cao và là thức ăn sạch, tốt cho sức khỏe.

4. Kỳ nhông

Kỳ nhông sống phổ biến ở vùng đồi cát ở Bình Thuận. Thịt con vật này ăn rất thơm, và chứa nhiều chất dinh dưỡng.


Người ta thường chế biến kỳ nhông thành các món như gỏi kỳ nhông lá me, nấu canh chua lá me, nướng muối hoặc hầm thuốc bắc.

5. Dúi

Con dúi có những đặc điểm gần giống với con chuột, được xem là một trong những món đặc sản vừa dân dã, vừa tiêu biểu của vùng rừng núi Tây Nguyên, Hòa Bình hay người Mường ở Phú Thọ.


Dúi có thể chế biến thành nhiều món như hấp, xào lăn, nấu rượu mận... Nếu đã một lần thưởng thức món đặc sản này thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị thơm ngon, mát và giàu đạm của dúi rừng.

6. Dơi

Dơi được coi là món nhậu khoái khẩu của người dân miền Tây. Có hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Theo lời truyền tụng, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Thịt dơi nướng.

Dơi có nhiều món, nhưng được nhiều người ưa chuộng nhất vẫn là cháo dơi. Thịt dơi băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào. Dơi vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo, nêm nếm vừa ngon thì dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng.

Ngoài ra, dân nhậu miền Tây còn có thể thưởng thức món dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt. Để át hơi hôi của dơi, khi chế biến thường rắc thêm một ít tiêu, hành ngò.

Theo quan niệm người miền Tây, thịt dơi có thể chữa được rất nhiều bệnh như ho, lao phổi.

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP