Công dụng dễ thấy của cảm biến tiệm cận trên iPhone là khi bạn thực hiện cuộc gọi và đưa máy lên gần tai mình, màn hình thiết bị sẽ tự động tắt. Vì thế, cảm biến này sẽ giúp iPhone tiết kiệm pin khi thực hiện cuộc gọi, đồng thời hạn chế khả năng cơ thể bạn chạm vào màn hình gây gián đoạn cuộc gọi.
Để kiểm tra xem cảm biến tiệm cận trên chiếc iPhone cũ mà bạn định mua có hoạt động bình thường hay không, hãy thực hiện một cuộc gọi bình thường và lấy tay che cạnh trên màn hình (khu vực camera trước). Nếu màn hình tối khi che tay và sáng trở lại khi ngừng che thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng của cảm biến tiệm cận.
Cảm biến gia tốc kế trên iPhone chịu trách nhiệm giúp màn hình chuyển chế độ hiển thị ngang - dọc tùy theo tư thế cầm máy của người dùng. Vì thế, bạn hãy mở một ứng dụng trên iPhone và xoay màn hình theo các phía khác nhau để xem thiết bị có phản hồi chính xác như mong muốn không.
Màn hình cảm ứng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến trải nghiệm của bạn cùng thiết bị. Vì thế, bạn cũng nên kiểm tra kĩ vấn đề này. Hãy nhấn giữ vào một biểu tượng ứng dụng và lần lượt rê biểu tượng này đến tất cả mọi vị trí trên màn hình. Ở một điểm nào đó, nếu ứng dụng bị thả ra, tức là cảm ứng có vấn đề.
Kiểm tra xem màn hình chiếc iPhone bạn định mua có điểm chết hay không thực tế rất đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm là tắt máy đi và mở lại. Tại màn hình khởi động (màn hình đen, có logo "táo khuyết" của Apple), bạn có thể dễ dàng tìm ra các điểm chết, nếu có.
Hãy nhấn thứ nút nguồn, nút gạt tắt - mở âm thanh, nút tăng giảm âm lượng và đặc biệt là nút Home nhiều lần để "test" khả năng hoạt động và độ nhảy của chúng. Nếu bạn đang chọn mua các dòng sản phẩm đã tích hợp cảm biến vân tay, TouchID cũng là một vấn đề khác mà bạn nên kiểm tra kĩ lương để có một thiết bị hoàn hảo nhất.
Tưởng dễ mà khó, kiểm tra ngoại hình thiết bị là một trong những "công đoạn" khó và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất. Bên cạnh những quan sát thông thường để kiểm tra máy có bị xước xát, va đập nhiều hay không. Những người có kinh nghiệm có thể nhìn vào một số vị trí quan trọng như ốc vít ở đuôi máy để quyết định xem thiết bị đã từng bị mở, "bung" thân máy chưa.
Cuối cùng, lời khuyên quan trọng nhất dành cho bạn nếu đang chuẩn bị mua một chiếc iPhone cũ là hãy tìm đến các cửa hàng uy tín, đã có nhiều phản hồi tích cực. Nếu có thể, cũng đừng ngần ngại bỏ ra một số tiền nhỏ để mua gói bảo hành dài hạn hơn cho thiết bị của mình. Chúc các bạn thành công!
Tác giả bài viết: Cú Mèo
Nguồn tin: