Nhắc đến anh trai Hoài Linh, Phương Trang không giấu được niềm tự hào. Đối với cô, anh trai là người giản dị, giàu tình cảm. Hiện, anh em không ở gần nhau nhưng mỗi lần nhắc đến anh trai, những hình ảnh của quá khứ và kỷ niệm êm đềm lại ùa về trong lòng Phương Trang.
Thi cấy lúa để có quà tặng mẹ
Gia đình tôi gồm 6 anh chị em. Tất cả đều thừa hưởng gen nghệ thuật từ mẹ. Không chỉ anh Hoài Linh, tôi và Dương Triệu Vũ có thể hát mà các anh chị em khác đều chơi nhạc cụ và hát tốt.
Ngay từ khi gia đình còn ở quê, cuộc sống thiếu thốn, 6 miệng ăn đều trông vào đồng lương y tá còm cõi của mẹ thì chúng tôi đã biết tập hợp nhau đóng kịch, diễn cải lương. Chúng tôi xâu chuỗi những ống thuốc thủy tinh thành một dàn micro để cùng nhau hát.
Hoài Linh và em gái Phương Trang.
Những ngày đầu sang Mỹ, nhà cửa tềnh toàng, không có bàn ghế nhưng chúng tôi vẫn rủ bạn bè tới nhà, ngồi dưới đất, chơi guitar và hát nghêu ngao. Nhà tôi đã có lúc nghèo đến tận cùng nhưng chưa bao giờ nghèo tình cảm và tiếng cười.
Vì sao anh Hoài Linh nổi tiếng, đắt show nhưng chưa ai thấy anh chảnh, ra vẻ ngôi sao? Đó là do truyền thống gia đình và đó là bản tính của anh sống tình cảm. Ngay từ khi mới hơn 10 tuổi, nhìn thấy mẹ làm vất vả, anh Linh đã quyết định tham gia cuộc thi cấy lúa. Nhận giải thưởng là chiếc nón và xấp vải, anh mang về tặng mẹ.
Ngày nhỏ, tôi là con gái nhưng nghịch ngợm hơn con trai. Mỗi lần bị bố phạt, anh Linh đều ra hiệu cho tôi chạy trốn để mình lãnh đòn thay. Có lần tôi chạy không kịp, anh tình nguyện làm bia đỡ đạn cho em.
Cũng vì thương người, hay giúp người nên anh ấy dù nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền nhưng không trở thành đại gia. Anh đi rất nhiều chuyến lưu diễn xuyên Việt nhưng về đến nhà, trong túi trống rỗng. Đó là vì đi đến điểm diễn, nhận cát –xê nhưng gặp ông bà cụ lớn tuổi, nghèo khó, anh lại tặng hết.
Ngôi nhà hơn 10 năm chưa sửa sang
Chỉ đến khi quyết tâm xây dựng nhà thờ Tổ nghề thì anh mới giữ tiền. Nhiều người bàn tán trái chiều về việc xây nhà thờ của anh. Nghe những điều này gia đình tôi rất xót xa. Nếu chỉ vì bản thân thì anh không dại gì làm đến kiệt sức để xây dựng nhà thờ.
Ngôi nhà của anh ở quận Phú Nhuận hơn 10 năm nay không sửa sang, sơn phết. Nhiều lần về nước, tôi gọi thợ đến sửa để nơi ở của anh đẹp và tiện nghi hơn nhưng anh đều từ chối. Bàn ghế, tủ, sơn tường có bị sờn cũ cũng không làm anh bận lòng. Gần đây, khi ba mẹ tôi về nước sống, anh mới hứa sẽ tu bổ lại.
Nhiều người cũng hỏi tôi vì sao anh Hoài Linh là ngôi sao mà giản dị đến thế? Có lẽ cốt cách của anh ấy là vậy, cố gắng thay đổi cũng không được. Ngày anh mới về nước, tôi muốn anh mặc đẹp mỗi khi xuất hiện trước khán giả nên mua giày, quần áo hiệu tặng anh. Tôi còn sắp xếp từng bộ cho anh.
Hoài Linh không biết giá đồ hiệu.
Ấy vậy, anh chỉ mặc được một lần cho em gái vui lòng. Sau đó anh lại trung thành với quần cộc và áo thun. Lần sau tôi về thì những món đồ tôi tặng anh đã không còn trong tủ. Hóa ra, anh đã tặng bạn bè, em út. Nghe tôi cằn nhằn, anh cười nói: “Ai biết giá bao nhiêu. Thôi, không phải mua cho anh nữa”.
Nhờ tính đơn giản nên anh mới vượt qua được những khó khăn của ngày đầu hoạt động nghệ thuật. Tôi nhớ mãi năm 1993 – khi nhà tôi mới sang Mỹ định cư - anh Linh phải làm ở tiệm thịt. Ngày nào anh về nhà quần áo cũng dính đầy máu vì phải chặt thịt heo, thịt gà. Nhìn anh, mẹ lại khóc và tự trách mình đã để anh vất vả.
Một năm sau, nghe lời chị Trizze Phương Trinh, anh khăn gói sang Cali bắt đầu làm nghệ thuật. Khi ấy căn phòng anh thuê nhỏ xíu, tềnh toàng chỉ vừa đủ một tấm nệm, một chiếc gạt tàn thuốc là và chiếc đài caste. Gia đình dùng mọi lời khuyên nhủ anh trở về Florida nhưng anh đều từ chối.
Để có thành quả của ngày hôm nay, anh đã vất vả và hy sinh nhiều. Gia đình tôi tự hào về anh không hẳn là sự nổi tiếng mà chính là tình thương của khán giả mà anh nhận được.
Tác giả bài viết: Bích Hằng
Nguồn tin: