Trên các dòng xe máy phổ thông hiện nay, giảm xóc (phuộc) thủy lực (phuộc ống lồng) được sử dụng phổ biến nhất. Cấu tạo gồm vỏ phuộc và ty phuộc. Bên trong ty phuộc có piston, dầu thủy lực. Ngoài ra còn phớt cao su ngăn bụi bẩn trên vỏ phuộc và phớt cao su ngăn dầu tràn trong ty phuộc.
Phuộc giảm chấn thủy lực phía trước một chiếc Honda Cub.
Nguyên lý làm việc
Theo kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn, nhà sáng chế với hệ thống chống trượt ASB nhờ can thiệp vào lỗ điều tiết dầu trong phuộc trước xe máy, áp suất bên trong ty phuộc được tạo ra giữa dầu giảm chấn và không khí. Phản lực từ mặt đường khi xe đi qua gờ, ổ gà… tác động lực lên piston gắn cố định vào bánh xe trước. Piston đẩy dầu lên phía trên, làm thay đổi áp suất bên trong ty phuộc kín. Lúc này, lượng dầu thoát ra các lỗ nhỏ trên piston có tác dụng biến thiên áp suất. Phần ty phuộc gắn cố định với chạc ba ở đầu xe theo đó chuyển động, giúp giảm chấn cho xe.
Một phuộc giảm chấn hoàn chỉnh và các chi tiết tháo rời.
Sau khi xung lực qua đi, ngoài chức năng trợ lực thêm trong quá trình giảm chấn, lò xo bên trong ty phuộc đàn hồi. Đẩy ty phuộc trở lại trạng thái ban đầu khi xe đi trên đường thẳng. Thay vì piston hành trình gắn với bánh xe, phần ty phuộc gắn với đầu xe là bộ phận chuyển động. Điều này ngược với phuộc giảm chấn hành trình ngược Upside Down (USD). Mặc dù về nguyên lý hoạt động là như nhau.
Một bộ phuộc chất lượng tốt thường thõa mãn các tiêu chí như hấp thu tốt xung lực tức thời hoặc liên tục. Cảm giác dằn, xóc hạn chế nhiều nhất có thể hay phuộc xe đàn hồi không “gắt”…
Khi xe bị phanh gấp ở dải tốc độ dưới 70 km/h, lực quán tính dồn vào bánh trước. Lực ma sát của bố thắng, vỏ xe tiếp xúc với mặt đường làm phân tán lực quán tính. Phần còn lại được chuyển hóa thành năng lượng ứng suất ma sát trong phuộc. Phuộc trước hoạt động tốt giúp bánh ít bị trượt hoặc nếu có, ở mức độ không làm mất lái khỏi phương đang chạy.
Do đặc điểm cấu tạo bởi nhiều bộ phận gắn kết với nhau và hoạt động thường xuyên, việc hư hỏng trên phuộc giảm chấn xảy ra phổ biến.
Phuộc cứng, đàn hồi kém
Chuyển động lên, xuống là hoạt động cơ bản thể hiện chức năng giảm chấn. Ở mức độ nhẹ, phuộc vẫn còn hoạt động nhưng phản ứng chậm với lực tác động. Nặng hơn khi phuộc cứng hoàn toàn, làm mất khả năng đàn hồi, độ xóc của xe lớn. Nguy hiểm hơn khi xe qua địa hình xấu, phản lực từ mặt đường tác động trực tiếp lên tay lái khiến người điều khiển khó kiểm soát xe, dễ xảy ra tai nạn.
Nguyên nhân thường gặp do té ngã, va chạm khi tai nạn làm cong ty phuộc. Phớt cao su trên vỏ phuộc hỏng hoặc giảm chất lượng, mất khả năng ngăn bụi bẩn, vật lạ vào bên trong ty phuộc. Các thành tố này tích tụ lâu ngày bên trong vỏ phuộc, ngăn cản quá trình chuyển động của ty phuộc.
Lò xo bên trong ty phuộc qua quá trình sử dụng giảm tuổi thọ, giảm độ đàn hồi. Khi xe tải nặng và chạy tốc độ cao qua địa hình không bằng phẳng, piston đẩy lò xo tạo lực nén quá mạnh. Quá trình này lặp lại nhiều lần khiến lò xo nhanh giảm tuổi thọ so với thông thường. Bởi lực tác động xuống mặt đường hay phản lực ngược lại xe tỉ lệ thuận với khối lượng và vận tốc xe.
Dầu thủy lực chảy ra ngoài vỏ phuộc
Phớt cao su ngăn bụi bẩn trên phuộc xe máy.
Phần đầu phía trên của vỏ phuộc thường có một phớt cao su với đường kính vừa khít với ty phuộc. Có tác dụng ngăn nước, bụi bẩn, các vật thể vào trong vỏ phuộc. Nếu phớt hỏng, tạp chất lẫn vào dầu hoặc bám trên thành ty hoặc vỏ phuộc phía trong. Quá trình chuyển động của ty phuộc tạo ra vết xước trên ty phuộc và phớt ngăn dầu, làm dầu chảy ra ngoài.
Phuộc có tiếng kêu
Phuộc trước xe máy cấu tạo và kết nối với các bộ phận khác trên xe theo phương thẳng. Một trong các bộ phận bị biến dạng do lực tác động quá lớn làm cấu trúc ban đầu lệch thẳng. Biểu hiện khi ma sát sinh ra giữa ty phuộc và vỏ phuộc. Hoặc piston với phần bên trong của ty phuộc, tạo ra tiếng kêu. Nguyên nhân khác đến từ phớt cao su trên vỏ phuộc hỏng, tạp chất lẫn vào bên trong. Sinh ra ma sát tương tự.
Lệch tay lái
Tiếng kêu phát ra từ phuộc nhún là dấu hiệu hư hỏng ban đầu. Mức độ nặng hơn khi tay lái lệch, gây khó cho người điều khiển. Nguyên nhân có thể một trong các bộ phận như vỏ, piston, ty phuộc biến dạng hoặc gãy. Không thể bỏ qua những bộ phận khác như khớp nối giữa phuộc với bánh xe, chạc ba, tay lái…
Giải pháp khắc phục
Ngoài các cửa hàng bảo hành chính hãng, hiện nhiều người tìm đến các điểm sửa chữa xe máy hoặc chuyên phục hồi, thay thế phuộc. Mức độ hỏng nặng, nhẹ, thời điểm phát hiện ảnh hưởng đến lựa chọn phương án khắc phục của chủ xe. Bộ phận dễ thay thế với giá thành thấp khoảng vài chục nghìn đồng đối với dầu thủy lực hoặc phốt cao su ngăn bụi bẩn bên ngoài.
Tham khảo một số cửa hàng “chuyên trị” phuộc xe máy trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP HCM, thay cặp phuộc giảm xóc trước hiện nay bao gồm phụ tùng và công lắp ráp dao động từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng. Mức giá này áp dụng cho các dòng xe số phổ thông như Honda Wave, Future, Yamaha Sirius, Exciter… Những dòng tay ga thường có giá cao hơn đôi chút.
Các cửa hàng này có lợi thế sửa chữa linh hoạt. Hoặc thay thế các bộ phận hỏng theo kiểu “dã chiến”. Tức thay thế, sửa chữa riêng lẻ từng bộ phận như ty phuộc, piston, dầu thủy lực, lò xo, phớt cao su. Giúp chủ nhân chiếc xe thêm thời gian sử dụng trước khi thay mới. Miễn sao phù hợp với yêu cầu và kinh tế của khách.
Giá thành cho một cặp phuộc trước xe máy rất đa dạng. Tùy theo kích thước và chủng loại mà các cửa hàng phụ tùng xe máy đưa ra nhiều mức giá khác nhau. Đơn cử, cặp phuộc cho xe Wave Alpha đời 2016 có giá dao động từ 250.000 đồng đến 800.000 đồng. Chất lượng phuộc trôi nổi trên thị trường là bài toán khó cho những người muốn tự mua, thay thế. Ngoài cửa hàng chính hãng, nhiều người chọn các điểm sửa chữa xe máy hoặc “chuyên trị” phuộc giảm xóc uy tín, độ tin cậy cao.
Bảo quản phuộc trước xe máy
Nhân viên kỹ thuật của các hãng hoặc thợ sửa xe có kinh nghiệm khuyến cáo chủ xe nên chú ý đến phuộc giảm chấn trước. Bởi bộ phận này không chỉ có tác dụng giảm xóc mà còn ảnh hưởng đến yếu tố an toàn khi phanh xe.
Đóng vai trò quan trọng trong điều tiết áp suất trong ty phuộc, giúp giảm chấn cho xe, dầu thủy lực cần thay thế sau khoảng 15.000 – 20.000 km hoặc một năm lăn bánh. Lưu ý sử dụng loại dầu thủy lực chuyên dụng cho xe máy. Nếu có dấu hiệu tràn dầu ra ngoài vỏ phuộc, cần tiến hành kiểm tra, thay thế phớt ngăn bụi bẩn, phớt ngăn dầu tràn và các bộ phận khác.
Thường xuyên rửa xe và chú ý phần phuộc trước. Giảm thiểu tình trạng bụi bẩn bám nhiều ở phớt cao su bên ngoài. Vệ sinh phần ty phuộc bên ngoài, hạn chế hiện tượng hoen gỉ có thể làm hỏng phớt ngăn bụi, phớt ngăn dầu hoặc mặt trong của vỏ phuộc.
Hạn chế tải nặng và di chuyển với vận tốc cao qua những đoạn đường xấu. Khi thấy dấu hiệu hư hỏng trên phuộc giảm chấn, người sử dụng cần mang xe đến các cửa hàng sửa chữa xe máy có uy tín để khắc phục hoặc thay mới.
Tác giả bài viết: Phạm Trung