Thế giới

Những điểm nhấn đáng chú ý trên chính trường thế giới đầu năm 2018

Theo dự báo của giới chuyên gia, bức tranh an ninh toàn cầu năm nay vẫn còn loang lổ những gam mầu sáng - tối, dù so với năm ngoái thì năm nay những gam màu sáng có vẻ trội hơn.

(Từ trái sang phải) Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AP)

Động thái hạ nhiệt ở các điểm nóng

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, quan hệ liên Triều đã có những tín hiệu tốt đẹp khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố “để ngỏ cánh cửa đối thoại” với Hàn Quốc và Bình Nhưỡng đã cử các vận động viên tham dự Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng việc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo, mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa hai bên Mỹ - Triều.

Triều Tiên đã cử các quan chức, vận động viên, đoàn nghệ thuật và cổ động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông. Đáng chú ý là các vận động viên và quan chức của hai nước diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội.

Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên nhân dịp này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donlad Trump đã nói Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên “vào thời điểm thích hợp, trong hoàn cảnh phù hợp”. Hy vọng với nỗ lực của hai miền sẽ biến Thế vận hội thành một sự kiện hòa bình, góp phần cải thiện quan hệ trên bán đảo Triều Tiên.

Tại Trung Đông - điểm nóng nhất của thế giới những năm qua cũng đã diễn ra Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria ở Sochi (Nga). Thành công lớn nhất của Đại hội là đã thành lập được một Ủy ban Hiến pháp để soạn thảo ra một bản hiến pháp mới.

Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc sau 7 năm nội chiến. Nhân dân Syria đang có cơ hội để đạt được sự thỏa hiệp và lập lại hòa bình. Sự có mặt của đại biểu hầu hết các đảng phái, tôn giáo Syria đã khẳng định mong muốn lập lại hòa bình cho người dân Syria, tiến tới bầu cử tự do dân chủ, xây dựng một nhà nước Syria độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

Tình hình Biển Đông trong tháng đầu của năm 2018 cũng tương đối lắng dịu. Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Singapore, các nước một lần nữa đã khẳng định lập trường về Biển Đông và nhất trí với đề xuất về triển khai đàm phán thực chất giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử COC vào thời gian tới.

Ngoại giao đa phương, rộng mở

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc cùng với 50 lãnh đạo doanh nghiệp. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng... Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ mang lại bước phát triển lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp và EU.

Chuyến thăm của bà Theresa May, Thủ tướng Anh đến Trung Quốc hồi đầu tháng 2 với một phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay thể hiện kỳ vọng của Anh nhằm thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu của Anh, đồng thời tính đến những quan hệ xa hơn giữa hai bên sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có chuyến thăm lịch sử tới Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và quốc phòng. Hai bên đã thảo luận những vấn đề hợp tác rất thực chất và ký kết hàng loạt các thỏa thuận quan trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có chuyến thăm Pháp nhằm thúc đẩy một chính phủ ổn định trong nước, thúc đẩy hợp tác về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Đồng thời cam kết sẽ ủng hộ một hiệp định song phương mới trong năm 2018 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước và tạo cú huých mới cho hội nhập sâu hơn trong EU. Trục hợp tác Đức - Pháp sẽ thúc đẩy vai trò của EU 27 trong một thế giới toàn cầu hóa.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình tại Libya và cuộc khủng hoảng Ukraine, về việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và năng lượng. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế hiện nay, về vai trò của Italy trên cương vị chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) năm 2018.

Các hoạt động ngoại giao đầu năm của các nước dường như không giới hạn về không gian, ít chú ý đến hình thức mà chú trọng đến tính hiệu quả hơn. Các nước đều muốn tranh thủ tập hợp lực lượng, xác định vị thế có lợi nhất cho mình và tạo khuôn khổ quan hệ ổn định. Điều đó thể hiện sự chuyển động của trật tự thế giới từ định hướng sang đình hình “đa cực, đa trung tâm” và sự giàng buộc về lợi ích giữa các nước, trong đó ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển kinh tế.

Tính trội của hợp tác trong cạnh tranh chiến lược

Trên phương diện chính trị - xã hội, nhiều nguyên thủ các quốc gia đều lạc quan một năm 2018 “hợp tác thay vì đối đầu”. Tổng thống Pháp khẳng định lại các cam kết đối với khu vực châu Âu, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “châu Âu mạnh sẽ tốt cho Pháp”. Ông Macron kêu gọi người dân khắp châu Âu tăng thêm tiếng nói về việc sớm định hình tương lai của EU 27.

Thủ tướng Đức tuyên bố sẽ theo đuổi sứ mệnh thành lập một chính phủ ổn định cho nước Đức và sẽ bắt tay với Tổng thống Pháp đẩy mạnh tiến trình hội nhập châu Âu năm 2018. Bà cũng kêu gọi các nước thành viên EU cần trở thành một cộng đồng gắn kết hơn nữa vì đây sẽ là vấn đề cực kỳ quan trọng trong những năm sắp tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ duy trì quyền hạn và quy chế của Liên Hợp Quốc, tích cực tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, thực thi cam kết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai, con đường”, đóng góp vào hòa bình phát triển toàn cầu và trật tự quốc tế.

Tổng thống Nga Putin cũng mong muốn cùng các quốc gia khác đối thoại để đối phó các mối đe dọa toàn cầu. Ông bày tỏ hy vọng Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Pháp sẽ tới thăm Nga trong năm 2018. Trong thông điệp gửi Tổng thống Mỹ, ông Putin kêu gọi “hợp tác thực tiễn” vì điều này sẽ cho phép Nga và Mỹ tiến tới xây dựng sự hợp tác thực tiễn, định hướng về lâu dài.

Tại nước Mỹ, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump cũng kêu gọi sự đoàn kết của nước Mỹ cũng như của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ông kêu gọi tất cả nghị sĩ của hai đảng vượt qua những mâu thuẫn và khác biệt để tìm kiếm điểm chung, thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất trong người dân, cùng nhau “xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và đầy tự hào”.

Như vậy, từ những dấu hiệu hạ nhiệt tại các điểm nóng cùng xu thế đối thoại cởi mở, hợp tác thông qua các hoạt động ngoại giao dồn dập đầu năm, khiến dư luận kỳ vọng vào bức an ninh tranh toàn cầu ngày càng có nhiều gam mầu sáng hơn, những thay đổi trong năm 2018 theo chiều hướng tích cực, hứa hẹn một năm thế giới được sống trong hòa giải và hợp tác.

Tác giả: Nguyễn Nhâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP