Du lịch

Những địa điểm bỏ hoang đầy ma mị trên thế giới

Cuốn sách “Những nơi bị bỏ hoang” của phóng viên Kieron Connolly đưa du khách tới các câu chuyện phía sau nhiều điểm đến tuyệt đẹp bị lãng quên.


Sau khi ngành công nghiệp khai thác mỏ ở Bolivia tàn lụi, các tuyến đường sắt phục vụ ngành không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người tới Nghĩa trang tàu Uyuni để ngắm nhìn và chụp ảnh những đầu máy, toa tàu rỉ sét.

Trước cơn bão Sandy năm 2012, tàu lượn Jet Star ở Seaside Heights (New Jersey, Mỹ) là một điểm tham quan hút khách. Không may, cơn bão đã làm sụp phần lớn cầu cảng, khiến tàu lượn bị ngập nước.

Tòa nhà rộng lớn ở Warsaw (Ba Lan) này từng là nhà máy khí Wola, hoạt động từ năm 1888. Nhà máy bị phá hủy trong Thế chiến II, sau đó được xây lại và đóng cửa vào đầu những năm 1970 khi thành phố chuyển sang dùng khí gas tự nhiên. Ngày nay, một phần khu vực này là bảo tàng, nhưng phần lớn vẫn bị bỏ hoang.

Một cây cổ thụ mọc trên đền Ta Prohm ở Angkor Wat, Siem Reap, Cambodia (ảnh trái). Những điểm đến ấn tượng này nằm trong cuốn sách mới của Kieron Connolly (ảnh phải).

Khách sạn lạ lùng này có dạng mặt người nằm gần thành phố ma Phong Đô, trên bờ bắc sông Trường Giang, Trung Quốc. Công trình chưa hoàn tất, nhìn xuống thung lũng phía dưới.

Nhà thờ Tin lành ở làng Zeliszow (Ba Lan) đã bị bỏ hoang. Mái nhà thờ có một lỗ hổng lớn, sơn bong tróc và các mảnh gỗ nằm vương vãi trên sàn.

Hồ nước có màu đỏ do cyanide và các hóa chất khác đã dâng ngập làng Geamana ở Romania, nơi bị nhấn chìm để lấy chỗ phục vụ mỏ đồng. Giờ bạn chỉ có thể thấy chóp của nhà thờ còn nhô trên mặt nước.

Lâu đài chưa hoàn thiện này vốn là một phần của công viên giải trí Wonderland ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã rút vốn và nơi này bị bỏ dở.

Được xây đầu những năm 1980, những ngôi nhà dùng năng lượng mặt trời này ở Cape Romano (Florida, Mỹ) có người ở trong khoảng 10 năm. Năm 1992, cơn bão Andrew đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực. Sau đó, năm 2005, cơn bão Wilma làm ngôi nhà hư hại và phá hủy một phần bờ biển. Ngày nay, du khách chỉ có thể tới đây bằng thuyền.

Khi vàng được phát hiện ở thị trấn Bodie (California, Mỹ) vào năm 1859 (sau cơn sốt vàng California), nơi đây trở thành một thị trấn nhộn nhịp, nhưng sau đó sớm lụi tàn. Ngày nay, Bodie duy trì trạng thái đổ nát và trở thành một điểm du lịch.

Bệnh viện Beelitz-Heilstätten ở Brandenburg (Đức) phục vụ quân đội trong Thế chiến I và Thế chiến II, rồi bị bỏ hoang sau năm 1994.

Khu nghĩa địa xe này nằm ở Trung tâm huấn luyện quân sự Kabul, Afghanistan. Các xe tăng và xe bọc thép nằm han rỉ sau nhiều năm không được sử dụng.

Hải đăng Rubjerg Knude ở Đan Mạch được xây từ năm 1900 nhưng đã ngừng hoạt động năm 1968. Theo dự đoán, đến năm 2023 vách đá sẽ bị xói mòn mạnh tới mức khiến ngọn hải đăng sụp xuống biển.

Mỏ kim cương ở Mirny (Siberia) là hố nhân tạo lớn thứ 2 thế giới. Nơi này đóng cửa năm 2004 và thị trấn gần đó không còn người sinh sống.

Thủ phủ của đảo Montserrat (lãnh thổ thuộc Anh) bị chôn vùi trong tro núi lửa vào năm 1997 và đến giờ người dân vẫn chưa quay trở lại.

Pháo đài Thế chiến II nằm ở cửa sông Thames và biển Bắc ngoài khơi nước Anh có thiết kế giống như trong các bộ phim viễn tưởng.

Đảo núi lửa Hachijojima từng được mệnh danh là Hawaii của Nhật Bản, với khách sạn Hachijo sang trọng mở cửa năm 1963. Tuy nhiên, khách sạn này đã đóng cửa từ năm 2003 tới nay.

Năm 1959, hơn 5.000 người sống trên hòn đảo Hashima của Nhật Bản và làm việc trong các hầm mỏ. Năm 1974, mỏ đóng cửa và hòn đảo bị bỏ hoang. Nơi này trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong Skyfall thuộc loạt phim bom tấn James Bond.

Khi nhà hát Orpheum mở cửa năm 1912 ở New Bedford, Massachusetts, Mỹ, công trình này có sức chứa 1.500 người. Sau đó nhà hát được dùng làm rạp chiếu phim trước khi đóng cửa vào khoảng 1958-1959.

Làng Oradour-sur-Glane ở Pháp bị phá hủy năm 1944 và trở thành khu tưởng niệm sau Thế chiến II.

Tác giả bài viết: Hoàng Linh - Ảnh: Daily Mail

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP