LTS: Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã chứng kiến nhiều vấn đề bức xúc, gây nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Thầy giáo Văn Cao đã nêu ra 3 vấn đề trong bài viết của mình là chuyện lạm thu tiền học, học sinh lớp 6 nhưng chưa biết đọc, viết và clip học sinh đánh nhau tung lên mạng.
Ba câu chuyện có thể chẳng có gì liên quan với nhau bởi nó diễn ra ở các địa phương khác, hoàn cảnh khác nhưng đều là nỗi đau của ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng ngành giáo dục đã có nhiều vụ việc khiến dư luận bức xúc.
Tiêu biểu là chuyện học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì chưa biết đọc, biết viết; chuyện trường Tiểu học ở Thanh Hóa có tới 22 khoản thu và hàng loạt các clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng Internet...
Chuyện học sinh lớp 6 mà chưa đọc thông, viết thạo có thể thấy có liên quan đến trách nhiệm của nhiều ban ngành khác, trong đó nhà trường là đáng trách nhất.
Tại sao có trò lại có thể “ngồi nhầm lớp” đến 5 lần.
Từ lớp 6 học xuống lớp 1 thì làm sao học sinh có đủ dũng khí để ngồi học cùng với những em kém mình đến 5 tuổi?
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm thì chuyện lạm thu tiền trường lại trở thành đề tài bức xúc cho dư luận.
Thử hình dung các em đang học cấp Tiểu học mà có tới 22 khoản thu/ năm học thì làm sao phụ huynh không lo lắng?
Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Đối học sinh lớp 4, trường Tiểu học Minh Khai 2 (Thanh Hóa) thì khoản thu đầu năm học là 7.510.000 đồng.
Trong đó có các khoản thu như tiền bảo trì máy vi tính. Mỗi tiết học ở cấp Tiểu học có 35 phút , mỗi tuần có 2 tiết tin học, mỗi năm có 35 tuần thực học (kể cả kiểm tra) thì cộng tất cả, mỗi năm có hơn 50 giờ thực học.
Trong khi giá thị trường chỉ dao động 4.000 – 6.000 đồng/ giờ ở các tiệm net, vậy là việc bảo trì đã tốn hơn số tiền học sinh “thuê” máy bên ngoài. Rõ ràng chỉ tính riêng khoản tiền này thì Ban Giám hiệu trường Minh Khai 2 đã, đang là những nhà “kinh doanh” vô cùng “giỏi”.
Ngoài ra, trong các khoản thu như tiền vệ sinh, giấy thi, giấy vệ sinh… cũng thấy được vô vàn sự phi lí. Số tiền 7.510.000 có lẽ chưa là con số sau cùng của một năm học, bởi sẽ còn rất nhiều loại tiền phát sinh trong thực tiễn giảng dạy của nhà trường!
Chuyện chỉ trong vòng mấy ngày nhưng có rất nhiều clip tung lên mạng về tình trạng bạo lực học đường ở Nghệ An, Thái Bình, Huế, Yên Bái… cho ta thấy một thực tế rất đau lòng.
Những thế hệ tương lai của đất nước đang đối xử với bạn mình một cách “thiếu tình người”. Một số em đánh bạn trong hả hê của tiếng cười, cùng vô vàn những lời tục tĩu.
Mặc cho các nạn nhân xin lỗi, van xin nhưng những cú đá, đấm, phang… cứ tới tấp vào người nạn nhân từ những học sinh đều đang ngồi trên ghế nhà trường.
Những vết thương trên thân thể sẽ lành theo thời gian nhưng những vết thương trong lòng thì biết bao giờ mới hết?
Ba câu chuyện có thể chẳng có gì liên quan với nhau bởi nó diễn ra ở các địa phương khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau cho ngành giáo dục.
Trong những báo cáo tổng kết cuối năm, nhiều trường cứ cố làm đẹp bản thành tích cho trường, cho cá nhân nhưng có bao giờ ta chạnh lòng với nỗi niềm của học trò học lớp 6 chưa biết viết tên mình.
Nhiều trường năm nào cũng thu tiền kĩ năng sống mà học sinh cứ đánh nhau dã man “như phim hành động” thì có lẽ cũng cần xem lại nội dung của những bài học làm người.
Đầu mỗi năm học, các Ban Giám hiệu nói nhiều về tình thương, lòng trung thực, nhân cách con người… có cảm thấy “giật mình” khi học sinh lớp 4 phải “còng lưng” đóng những khoản tiền “trời ơi” lên đến 7.510.000 đồng/ năm học?
Giáo dục con người là giáo dục về tình thương, trách nhiệm trong quá trình lĩnh hội tri thức.
Trong đó, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường hãy là điểm tựa cho học trò trong quãng đường học tập.
Tấm lòng giáo viên hãy bao dung, tận tụy với học trò để mỗi lần chia tay lại cảm thấy thanh thản vì mình đã làm trọn được thiên chức cao cả của một người thầy!
Tác giả bài viết: Văn Cao