Du lịch

Những câu chuyện bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành

Trên cổng thành hiện vẫn còn một viên gạch sót lại. Đó là viên gạch thừa sau tính toán chính xác về số vật liệu phải dùng để xây Gia Dục quan.

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất và đá liên tục từ thế kỷ 5 TCN tới thế kỷ 16. Nó được dùng để bảo vệ đế quốc Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục khác. Hiện nay, đây được coi là công trình biểu tượng cho nền văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ, công trình còn được biết đến với những câu chuyện, truyền thuyết bí ẩn. Đây cũng chính là một trong những điểm thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm đến Vạn Lý Trường Thành tham quan.

Câu chuyện về 99.999 viên gạch ở Gia Dục Quan

Truyền thuyết nổi tiếng nhất là về Gia Dục quan (cửa ải ở phía tây Vạn Lý Trường Thành) kể về người đàn ông tên là Yi Kaizhan vào thời nhà Minh (1368-1644). Ông là một người rất giỏi về số học. Khi Gia Dục quan được lên kế hoạch, Yi Kaizhan đã tính toán cần đến 99.999 viên gạch để hoàn thành công trình này. Quan phụ trách không tin ông và phán rằng chỉ cần ông tính toán sai một viên gạch thì quân lính sẽ phải lao động khổ sai trong ba năm.

Một viên gạch thừa ra trong quá trình xây dựng Gia Dục quan đã được đặt lỏng lẻo trên cổng thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: Absolutelychinatours


Khi xây xong Gia Dục quan, một viên gạch thừa ra khiến cho quan phụ trách rất vui mừng và chuẩn bị để trừng phạt Yi Kaizhan cũng như quân lính của mình. Song Yi Kaizhan nói rằng viên gạch là do thần tiên đặt ở đó, chỉ cần xê dịch một chút thôi cũng sẽ khiến cho cả tường thành sụp đổ. Viên quan nọ không tin lời Yi, liền bỏ viên gạch xuống. Bất ngờ, cả dãy tường thành đổ sập và phải xây dựng lại từ đầu. Sau khi hoàn thành lại, viên gạch được đặt nguyên ở vị trí cũ và hiện vẫn còn trên tòa tháp Gia Dục quan.

Bên cạnh đó, cũng có một dị bản khác về câu chuyện này là Yi Kaizhan đã tính toán chính xác số gạch cần dùng, nhưng do quan phụ trách nghi ngờ nên ông đã thêm vào một viên. Cuối cùng khi Gia Dục quan hoàn thành, một viên gạch còn sót lại được đặt lỏng lẻo trên cổng thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Nụ cười Bao Tự ở đài Ly Sơn

Câu chuyện xảy ra vào thời Tây Chu (1122-711 TCN). Chu Hoàng hậu tên là Bao Tự, là một mỹ nữ sắc nước hương trời. Kỳ lạ là mặc dù được Hoàng đế sủng ái, nhưng Bao Tự lại không bao giờ cười.

Hoàng hậu Bao Tự sắc nước hương trời và rất được vua Chu sủng ái nhưng nàng lại chẳng bao giờ cười. Ảnh: Lieqiba


Khi đó, quanh đất nhà Chu vốn xây nhiều tháp dầu gọi là đài Ly Sơn để khi có giặc kéo đến thì đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Một viên quan hiến kế rằng việc đốt Ly Sơn có thể khiến mọi người hoảng sợ và làm cho hoàng hậu cười. Vua Chu rất tán thưởng ý tưởng đó. Khi nhìn thấy cột lửa cháy, quân chư hầu các nước liền vội vàng mang quân đến ứng cứu nhưng tới nơi mới biết là mình bị lừa. Hoàng hậu Bao Tự nhìn thấy cảnh hỗn loạn ấy thì bật thành tiếng cười lớn. Sau đó, khi kẻ thù xâm lược Tây Chu, vua Chu đốt tượng đài để yêu cầu giúp đỡ nhưng không có chư hầu đến nữa. Cuối cùng, nhà vua đã bị quân địch giết và Tây Chu sụp đổ.

Cuộc hội ngộ hạnh phúc trên pháo đài Xifeng Kou

Lính canh trên Vạn Lý Trường Thành phải làm việc quanh năm không nghỉ. Điều này không những khiến cho họ mà còn cả các thành viên khác trong gia đình đều cảm thấy buồn bã. Trong đó có một lính canh trẻ đã làm công việc bảo vệ vùng đất phía Bắc Trung Quốc dọc Trường Thành trong nhiều năm mà không được nghỉ phép. Anh chỉ còn một người cha già ở nhà ngày đêm trông ngóng.

Tượng lính canh đặt trên pháo đài Xifeng Kou. Ảnh: Wanderlust


Người cha già yếu nên sợ rằng sẽ không có cơ hội được gặp lại con trai. Vì vậy, ông đã lấy hết sức lực đi tới khu vực làm nhiệm vụ để tìm gặp con trai lần cuối. Khi tới pháo đài, ông tình cờ nhìn thấy con mình và người lính cũng nhận ra cha. Hai người hạnh phúc, ôm chầm lấy nhau trong mừng vui và cả nước mắt. Điều bất ngờ là cả hai người đều chết ngay tại đây. Để tưởng nhớ hai cha con đáng thương, người ta đã đặt tên pháo đài là Xifeng Kou (có nghĩa là "cuộc hội ngộ hạnh phúc"). Đây cũng chính là đại diện cho hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn gia đình có thành viên đi lính lúc bấy giờ.

Tác giả bài viết: Ngọc Mai

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP