Adam Sandler với Jack and Jill (2011): Gần như chưa bao giờ được giới phê bình đánh giá cao, nhưng Adam Sandler luôn có lượng fan nhất định qua nhiều bộ phim hài hước ấm áp như The Wedding Singer (1998), 50 First Dates (2004) hay Click (2006). Nhưng trải qua thời gian, các chiêu trò gây cười của anh dần mất thiêng, bắt đầu trở nên thiếu sáng tạo, thậm chí nhảm nhí, thô tục.
Jack and Jill (2011) chính là bước ngoặt tồi tệ nhất của Adam Sandler khi phim “ẵm” hàng loạt giải Mâm xôi vàng, khiến khán giả chán nản và quay lưng với danh hài. Ngoại trừ Grown Ups 2 (2013), các phim như Blended (2014), The Cobbler (2014) hay Pixels (2015) đều gặp thất bại. Ngay cả khi lui về kênh Netflix để thực hiện The Ridiculous 6 (2015), anh cũng không thể lấy lại phong độ năm xưa.
Taylor Lautner với Abduction (2011): Diễn xuất không hay, nhưng Taylor Lautner hưởng lợi khi anh sắm vai người sói Jacob trong loạt phim chuyển thể The Twilight Saga. Thương hiệu Chạng vạng giúp Lautner, và cả Kristen Stewart cùng Robert Pattinson trở thành những ngôi sao được giới trẻ mến mộ. Nhưng trái với hai người đồng nghiệp, mọi cơ hội thăng tiến của “chàng Jacob” bỗng chốc tiêu tan chỉ sau đúng một thất bại.
Đó là Abduction - tác phẩm hành động giật gân lấy đề tài bắt cóc. Hãng Lionsgate đã quá vội vàng trong việc xây dựng một bộ phim lấy Taylor Lautner làm trung tâm, mà quên đi bồi đắp cho nó một kịch bản chỉn chu. Thất bại thê thảm của Abduction khiến ngôi sao trẻ mất tên ở nhiều dự án bom tấn, và giờ chỉ còn biết “núp bóng” Adam Sandler ở một số dự án phim hài.
Mike Myers với The Love Guru (2008): Danh hài gây nhiều tranh cãi từng là thế lực tại phòng vé trong thập niên 1990 với Wayne’s World (1992) và loạt phim giễu nhại mang đề tài điệp viên Austin Powers. Bước sang đầu thế kỷ XXI, Mike Myers tiếp tục đem tới thành công cho loạt phim hoạt hình Shrek - nơi anh lồng tiếng cho nhân vật chính.
Năm 2008, Myers trình làng The Love Guru. Các nhà phê bình đồng loạt chỉ trích bộ phim quá nhạt nhẽo và tục tĩu, đến nỗi danh hài không dám trực tiếp xuất hiện trên màn ảnh rộng suốt gần 10 năm qua (ngoại trừ vai khách mời trong Inglourious Basterds vào năm 2009). Cho đến giờ, Mike Myers chỉ còn tiếp tục lồng tiếng cho các sản phẩm liên quan tới Shrek.
Hayden Christensen với Jumper (2008): Sắm vai Anakin Skywalker, tức chúa tể bóng tối Darth Vader thời trẻ tuổi, trong hai tập phim Attack of the Clones (2002) và Revenge of the Sith (2005) của loạt Star Wars, Hayden Christensen từng được kỳ vọng sẽ là ngôi sao tiếp theo mà Hollywood sản sinh ra trong thế kỷ XXI.
Nhưng sự yếu kém về mặt diễn xuất của tài tử lập tức lộ ra sau khi anh rời khỏi thương hiệu Chiến tranh giữa các vì sao. Mùa hè năm 2008, bộ phim Jumper có Hayden Christensen thủ vai chính bị cả giới phê bình lẫn công chúng công kích, và thất bại đến nỗi ê-kíp sản xuất phải hủy kế hoạch thực hiện phần hai. Cá nhân Christensen xa rời các trường quay Hollywood, và có lúc chu du tới tận Trung Quốc để đóng phim như trong Outcast (2014).
Emile Hirsch với Speed Racer (2008): Emile Hirsch là “cục cưng” của giới phê bình trong những năm đầu thế kỷ XXI khi anh góp mặt ở hàng loạt phim chất lượng như Lords of Dogtown (2005), Into the Wild (2007) hay Milk (2008). Nhưng khi bước chân sang dòng phim giải trí, tài tử đã mắc phải sai lầm lớn.
Bộ phim Speed Racer dựa trên loạt phim hoạt hình cùng tên của Nhật Bản trở thành “bom xịt” tại phòng vé hồi mùa hè 2008, khiến tên tuổi Emile Hirsch theo đó chìm nghỉm suốt gần 10 năm qua. Anh có lúc vẫn tỏa sáng như trong Killer Joe (2011) hay Lone Survivor (2013), nhưng đó đều chỉ là vai phụ. Hollywood dường như vẫn chưa “tha thứ” cho thất bại với Speed Racer của anh suốt từ đó tới nay.
Josh Hartnett với Lucky Number Slevin (2006): Josh Hartnett bắt đầu chiếm lấy trái tim của nhiều cô gái từ cuối thập niên 1990, rồi xuất hiện trong các dự án phim bom tấn như Black Hawk Down (2001) và Pearl Harbor (2001). Anh cũng không ngại thay đổi bản thân với nhiều dự án thuộc các thể loại khác nhau, kể cả là kinh phí thấp.
Ngay khi đang đứng trên đỉnh danh vọng, Josh Hartnett bất ngờ gặp thất bại khi tham gia bộ phim mang đề tài trộm cướp Lucky Number Slevin (2006). Phải diễn chung với Bruce Willis và Samuel L. Jackson, anh bị ngợp và không thể chứng tỏ tài năng. Thế rồi, trong suốt 10 năm qua, Josh Hartnett dường như bị ám ảnh bởi thất bại đó và không thể để lại thêm dấu ấn nào đáng kể, ngay cả khi được sắm vai chính trong những 30 Days of Night (2007) hay I Come with the Rain (2009).
Orlando Bloom với Elizabethtown (2005): Không ai có thể quên hình ảnh đẹp như tượng thần của Orlando Bloom khi anh vào vai tiên Legolas trong loạt The Lord of the Rings. Cũng trong quãng thời gian đó, tài tử còn góp mặt trong loạt bom tấn Pirates of the Caribbean với Johnny Depp, diễn cùng Brad Pitt trong Troy (2004)…
Nhưng Elizabethtown (2005) lại khiến sự nghiệp của Bloom đi chệch hướng. Tác phẩm tâm lý lãng mạn bị chê bai đủ đường và tài tử không còn đủ sức tự mình chèo chống một dự án riêng, như The Three Musketeers (2011) từng chứng minh. Lúc này, trên màn ảnh rộng, Orlando Bloom chủ yếu vin vào những thương hiệu cũ, với The Hobbit và sắp tới đây là phần năm của Cướp biển Caribe. Anh giờ chủ yếu xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch Broadway và từng tham gia vở Romeo & Juliet hồi năm 2013.
Halle Berry với Catwoman (2004): Thắng giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc với Monster’s Ball, đồng thời nhận 500.000 USD để diễn cảnh hở ngực trong phim hành động Swordfish (2001), Halle Berry là gương mặt quyền lực trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới.
Song, trở thành Miêu Nữ trong Catwoman (2004) có lẽ là quyết định sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp minh tinh da màu. Cá nhân nữ diễn viên phải nhận giải Mâm xôi vàng, và luồng ý kiến chỉ trích nặng nề tới nỗi đòi cô trả lại tượng vàng Oscar. Trong khi dị nhân Storm mất dần đất diễn trong loạt X-Men, Halle Berry cũng không có thêm vai chính nào đáng nhớ trong suốt hơn 10 năm qua.
Jennifer Lopez với Gigli (2003): Bộ phim thảm họa Gigli thường được nhớ tới như điểm đáy sự nghiệp của Ben Affleck. Nhưng trên thực tế, đó cũng là điều tương tự dành cho nghiệp diễn xuất của Jennifer Lopez, sau khi cô từng chứng tỏ khả năng qua những Selena (1997), Maid in Manhattan (2002)…
Sau Gigli, bộ đôi Bennifer tan vỡ, còn sự nghiệp diễn viên của JLo cũng xuống dốc không phanh. Người đẹp chỉ còn đóng vai nhỏ trong những Monster-In-Law (2005), What to Expect When You’re Expecting (2012), tham gia lồng tiếng trong loạt Ice Age. Mới nhất, tác phẩm giật gân hạng B là The Boy Next Door (2015) của JLo bị chê là nhạt nhẽo và có lẽ cô nên tập trung hẳn cho việc ca hát kể từ nay về sau.
Tác giả bài viết: Tuấn Lương. Ảnh: Outnow
Nguồn tin: