Hàng ngày, cứ vào thời điểm từ 7giờ 30' đến hơn 11 giờ, nếu có dịp đi qua tuyến đường Hà Huy Tập, thuộc phường Bắc Lý, người đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều hàng thịt lợn được người dân bày bán ngay bên lề đường. Thậm chí, nhiều điểm tại ngã ba, ngã tư có đến 2-3 người buôn bán thịt lợn gần nhau.
Thịt lợn được người dân bày bán bên lề đường Hà Huy Tập, thuộc phường Bắc Lý. |
Điều đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng buôn bán thịt lợn bên lề đường không chỉ diễn ra tại tuyến đường Hà Huy Tập mà còn trên nhiều tuyến đường thuộc các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tại tuyến đường Lê Lợi qua địa phận phường Đức Ninh Đông, Đức Ninh, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, có khoảng gần 10 điểm thường xuyên buôn bán thịt lợn trên vỉa hè; tại ngã tư thuộc tuyến đường Trần Quang Khải giao nhau với đường Hai Bà Trưng; đường Hồ Chí Minh qua địa phận phường Đồng Sơn, Thuận Đức... Hầu hết các hộ dân buôn bán thịt lợn bên đường đều bày thịt, lẫn xương, tiết, nội tạng lợn... trên những tấm bìa cứng hay bao tải xộc xệch và được trải tạm ngay trên nền đường, vỉa hè.
Một chị bán thịt lợn ở vỉa hè tại đường Hà Huy Tập vô tư cho biết, chị bán thịt lợn ở bên đường lâu rồi, trung bình một ngày bán 1 con lợn, có khi cũng được 2 con. Do giá thịt lợn ở đây rẻ hơn các quầy trong chợ nên lượng tiêu thụ cũng tương đối nhiều.
Mặc dù biết địa điểm bán thịt lợn tại vỉa hè không bảo đảm ATVSTP, nhưng do không có chỗ kinh doanh trong chợ nên không còn cách nào khác, chị đành ra đường “ngồi tạm”. Trong khi đó, chị M.T.V, ở phường Đồng Phú lại cho hay, trên đường đi làm, thỉnh thoảng chị cũng ghé vào mua thịt lợn ở các điểm bán bên lề đường do thuận tiện và giá thịt cũng rẻ hơn các hàng bán trong chợ từ 5.000-10.000 đồng/kg (tùy theo loại).
Theo ông Đinh Gia Nhì, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Đồng Hới, công tác kiểm tra, quản lý, giám sát gia súc, quản lý các loại dịch bệnh và buôn bán không đúng nơi quy định thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trạm Chăn nuôi và Thú y chỉ chuyên về kỹ thuật chuyên môn (kiểm dịch thú y).
Tức là thông qua công tác kiểm tra của đội liên ngành địa phương, phát hiện trường hợp vi phạm buôn bán thịt lợn không có dấu của Thú y (không rõ nguồn gốc) thì lực lượng thú y có thể đến kiểm tra bằng những biện pháp lâm sàng, nếu không đạt yêu cầu thì phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, tịch thu và tiêu hủy. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới, nhiều xã, phường còn xem nhẹ và chưa thật sự chú trọng công tác quản lý “thịt lợn vỉa hè”.
Vì lẽ đó, hoạt động buôn bán thịt lợn không đúng nơi quy định diễn ra ngang nhiên và suốt thời gian dài, nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Cùng với đó, công tác xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, việc xử phạt còn mang tính hình thức dẫn đến tình trạng buôn bán thịt lợn tươi sống tại các lòng, lề đường còn phổ biến.
Rõ ràng, tình trạng các hộ dân buôn bán thịt lợn ngay trên vỉa hè, thậm chí lấn chiếm lòng, lề đường không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất ATVSTP, dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn gây phản cảm, làm cho thành phố trở nên nhếch nhác.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP. Đồng Hới đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác giết mổ gia súc và kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc trên địa bàn.
Riêng trong năm 2017, UBND thành phố đã có công văn số 1026 về việc tăng cường công tác quản lý lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; công văn số 2620 về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn; công văn số 2711 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức ký cam kết trước, trong và sau khi giết mổ động vật.
Song song, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Là một trong những địa phương có nhiều điểm buôn bán thịt lợn không đúng nơi quy định, ông Đặng Văn Thiều, Chủ tịch UBND phường Bắc Nghĩa cho biết, nhằm khắc phục tình trạng bán thịt lợn tại các lòng lề đường, vỉa hè, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, như: thông báo trên hệ thống loa phát thanh để tăng cường, vận động các hộ kinh doanh ở các tổ dân phố buôn bán thịt lợn đúng địa điểm quy định; tuyên truyền về vấn đề ATVSTP để góp phần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn; ra quân xử phạt và tịch thu đối với những trường hợp vi phạm... nhưng được vài hôm rồi “đâu lại vào đấy”.
Việc lấn chiếm lòng, lề đường để bán thịt lợn không chỉ gây mất mỹ quan thành phố mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất ATVSTP. |
Chính cách làm “đánh trống bỏ dùi” như vậy, đến nay, tình hình buôn bán thịt lợn không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố vẫn còn tiếp diễn.
Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chấn chỉnh mỹ quan đô thị, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường chấp hành và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại các công văn đã ban hành.
Trong đó, thành phố và các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, xử phạt theo thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 90/2017NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường và cấp thành phố phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 25 triệu đồng).
Bên cạnh đó, để xử lý dứt điểm tình trạng bán thịt lợn không đúng nơi quy định, cấp ủy, chính quyền các phường, xã cần chú trọng hơn trong công tác quản lý trật tự đô thị; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm minh đối với những hộ tái vi phạm; công khai đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các tổ dân phố có người vi phạm để người dân được biết.
Đặc biệt, về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp đưa các tiểu thương buôn bán thịt lợn tại vỉa hè vào hoạt động kinh doanh cố định ở các chợ.
Tác giả: Ngọc Lưu
Nguồn tin: baoquangbinh.vn