Kinh tế

Nhóm thứ Sáu - nơi nhập cuộc Đổi mới của trí thức Sài Gòn

TP HCM giai đoạn 1986 hình thành một nhóm chuyên viên kinh tế tạo ra sức ảnh hưởng lớn với các công trình nghiên cứu, bài viết ấn tượng trên diễn đàn báo chí được gọi là "Nhóm thứ Sáu".

Sau hai đợt cải tạo, tiềm lực kinh tế của TP HCM gần như kiệt quệ, nhiều năm sau đó nền kinh tế vận hành theo quán tính như một chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu.

Điểm hội tụ của trí thức cũ

Trong tình hình kinh tế xã hội gay gắt ấy, mô hình công ty xuất nhập khẩu trực dụng được lãnh đạo thành phố cho ra đời mà quận 5 là địa chỉ tiên phong với Công ty Cholimex được xem là một hướng đi nhằm tháo gỡ khó khăn.

Tại Cholimex lúc ấy có một nhà giáo gần như chưa bao giờ tiếp cận với hoạt động kinh doanh ở cấp độ công ty lại được giao phụ trách Phòng Kế hoạch, đó là Phan Chánh Dưỡng. Ông Dưỡng nhận thấy rằng cần phải thu hút chất xám từ những người có kiến thức chuyên môn để bổ sung vào những hạn chế so với nhiệm vụ được giao. Cholimex vì thế trở thành điểm hội tụ của những trí thức thuộc nhiều nguồn đào tạo từng tham gia bộ máy chính quyền cũ.

Thời kỳ đầu, những anh em này đã cùng nhau đi thực tế ở nhiều nơi như Duyên Hải, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây, nghiên cứu nhiều dự án với hy vọng khai thác tiềm năng cho nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố. Thế nhưng nỗ lực đó không đem lại kết quả trong tình hình cơ chế xơ cứng đang còn ngự trị. Nhưng dù sao đây cũng là nhân tố ban đầu của sự tập hợp hơn 20 chuyên viên, mở ra một quá trình gắn bó lâu dài mọi người lại với nhau qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi mà đầu tiên là “Nhóm chuyên gia Cholimex”.

Năm 1986, ông Võ Trần Chí, lúc bấy giờ vừa mới phụ trách Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, đã hỏi thăm về Công ty Cholimex và các chuyên viên đang sinh hoạt ở đây. Từ đề xuất của Phan Chánh Dưỡng, ông Chí đồng ý để anh em nghiên cứu các chuyên đề kinh tế bằng một văn bản xác nhận đây là “Nhóm nghiên cứu Kinh tế Chuyên đề” trong đó có ghi tên Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn. Đây là ba người đang thuộc biên chế Nhà nước vào lúc ấy.

Các lãnh đạo thường đến dự cùng nhóm nghiên cứu có Bí thư Võ Trần Chí, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp và một số quan chức khác. Ngoài ra, còn có nhóm chuyên viên phụ tá của ông Võ Văn Kiệt như ông Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Thiệu. Và cũng chính nhờ có không khí cởi mở này mà anh em đã mạnh dạn đề xuất ra nhiều ý kiến sáng tạo để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ.

Một chuyến khảo sát của Nhóm thứ Sáu với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu
Đây không phải là giấy khai sinh mà chỉ là tấm lá chắn nhưng cũng đã đánh dấu thời điểm “hợp pháp” từ tháng 10/1986. Bắt đầu từ đây, nhóm sinh hoạt định kỳ hằng tuần, vẫn tại Cholimex vào các ngày thứ Hai, Tư và thứ Sáu, nhưng hướng đến một cách sinh hoạt có tính chủ đề hơn. Đây chính là thời kỳ hình thành nhiều công trình nghiên cứu có tính bài bản của nhóm.

Đầu tiên là đề tài nghiên cứu về “Giá - Lương - Tiền” theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy TP HCM vào tháng 10/1986. Công trình này mang tên “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” hoàn tất vào tháng 3/1987 với nội dung không đồng tình về việc dùng biện pháp hành chính kéo giá cả xuống, trong khi giá đã xuống đến mức gần làm tan rã nền kinh tế Việt Nam. Công trình nghiên cứu đã gây được tiếng vang tại Hà Nội qua thuyết trình của các chuyên viên Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng, Vụ trưởng do ông Võ Văn Kiệt tổ chức.

Sau chuyến "diễn thuyết" thành công ở Hà Nội, các anh em trong Nhóm có cơ hội nắm bắt thêm thực tế và phát hiện ra rất nhiều nghịch lý trong điều hành vĩ mô.

Một trong những vấn đề đó là hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng thời kế hoạch hoá tập trung. Đề tài này do hai ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng vốn là những người có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực chuyên môn chủ trì.

Nghiên cứu đi sâu vào cơ thể mà hai bộ phận Ngân hàng và Tài chính thời kỳ bao cấp dính chặt vào nhau; sự bất hợp lý trong điều hành chính sách tiền tệ và đề xuất một cơ chế hoạt động cho ngân hàng theo hướng kinh tế thị trường. Đề tài nghiên cứu này cũng được Chính phủ quan tâm, những suy nghĩ và đề xuất của Nhóm dường như có sự lan toả cho nên vào 1988, khi Chính phủ chuẩn bị Pháp lệnh Ngân hàng, hai ông Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn đã được mời tham gia vào việc soạn thảo. Pháp lệnh nói trên được xem là góp phần đáng kể cho Luật Ngân hàng ra đời sau này.

Nhóm thứ Sáu

Năm 1987, dưới tác động của chính sách mở cửa, Nhóm tập trung thảo luận về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và thống nhất thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư (IMC). Đây là một chuyển biến quan trọng, chuyển từ bàn bạc sang thực hiện, trong đó có cả mục đích giải quyết áp lực đời sống kinh tế cho một số anh em.

Do gặp một số khó khăn, Nhóm từng bước rút lui khỏi công ty và đến 1989 thành lập Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đầu tư (Infotra) mà đề tài được tập trung nghiên cứu là “Khu chế xuất”. Đây là công trình có giá trị thực tiễn cao vì sau đó nội dung này được áp dụng vào việc hình thành Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cùng với hàng loạt chương trình như đại lộ “Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh” - nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị mới Nam TP HCM, Khu công nghiệp Hiệp Phước…

Một năm sau đó, Nhóm thu hút thêm nhiều chuyên viên, trí thức Việt kiều, đồng thời tham gia vào đời sống kinh tế xã hội bằng cách tận dụng diễn đàn báo chí, nhiều nhất là trên báo Lao Động. Thật ra, việc tham gia viết báo của anh em đã manh nha từ 1987, nhưng phải ba năm sau Nhóm mới “trụ” được trên diễn đàn của báo, đồng thời cũng là nơi anh em gặp nhau định kỳ hàng tuần vào ngày thứ Sáu. Và tên gọi “Nhóm thứ Sáu” ra đời kể từ đó.

Vậy là một số đông chuyên viên trở thành các “nhà báo kinh tế” với những bài viết tạo được hiệu ứng xã hội khá cao. Thời kỳ này độc giả rất quen thuộc với các cây bút như Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước qua các bài viết về Ngân hàng, Tài chính; Phan Chánh Dưỡng với các bài phân tích kinh tế vĩ mô và đầu tư nước ngoài, Phan Tường Vân với mục “Tìm hiểu kinh tế thị trường”, Nguyễn Ngọc Hồ viết về xuất nhập khẩu, Nguyễn Ngọc Bích chuyên về đề tài Pháp luật, Kinh doanh, Xã hội.

Từ 1993, các bài viết của Nhóm tập trung giới thiệu và cổ vũ cho những cải cách, đề xuất các hướng tháo gỡ, ủng hộ Đổi mới với hàng trăm bài báo.

Trong giai đoạn này có một sự kiện đáng ghi nhận là các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn và Trần Bá Tước được mời tham gia Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Sau gần 40 năm nhập cuộc vào dòng chảy đổi mới, Nhóm chuyên viên kinh tế thứ Sáu nhận ra mình đã hết vai trò, phần lớn anh em trở lại đời sống dung dị với công việc mưu sinh dù đã lớn tuổi, người thì do hoàn cảnh đã đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài, người đã vĩnh biệt bạn bè.

Nhưng đến nay anh em vẫn còn giữ được thói quen gặp nhau vào chiều thứ Sáu nửa tháng một lần, hàn huyên sự đời, cũng chia sẻ, cũng tranh luận nhưng chỉ là chuyện "trà dư tửu hậu", hoặc đôi lúc chiêm nghiệm một thời kỳ đóng góp khiêm tốn vào quá trình đổi mới của đất nước.

Tác giả bài viết: Trần Trọng Thức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP