Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT), hình thức đào tạo ĐH VLVH được triển khai trong những năm qua nhằm hỗ trợ người học là những người đang đi làm, hoặc những người không có điều kiện tham gia học tập như hệ chính quy có được cơ hội trau dồi và nâng cao trình độ học vấn chuyên môn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ồ ạt hệ tại chức và hình thức liên kết đào tạo ở khắp các địa phương là sự dễ dãi, cẩu thả ở khâu tuyển chọn đầu vào, chương trình thì bị cắt xén, các điều kiện hỗ trợ việc giảng dạy và học tập chưa thật tốt… là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đầu ra của hệ đào tạo VLVH không cao khiến nhiều nhà tuyển dụng phải lắc đầu từ chối sử dụng nguồn lao động đào tạo theo mô hình này (cả về bằng cấp lẫn năng lực thực tiễn).
Mô hình đào tạo vừa học, vừa làm cần được phát huy. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức thi tuyển đối với các đối tượng công chức chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, thường dựa vào chỉ tiêu về số lượng chứ ít chú ý đến chất lượng. Nghịch lý nằm ở chỗ, nếu cơ sở đào tạo nâng cao tiêu chuẩn tuyển chọn thì không tuyển được người học, hoặc học viên chuyển sang cơ sở nào có điều kiện đầu vào dễ hơn. Kết quả là ngày càng có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp Nhà nước từ chối tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo VLVH vì không tin tưởng vào tấm bằng và năng lực thực tế của nguồn lao động này.
Chính vì thế, những mùa tuyển sinh gần đây, số lượng tuyển sinh hệ VLVH của các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH liên tục giảm. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, mấy năm gần đây chỉ tuyển sinh được 50% - 70% số lượng so với chỉ tiêu được giao. Nếu như năm 2013, trường tuyển được gần 3.000 sinh viên/4.000 chỉ tiêu, đạt hơn 71% chỉ tiêu thì tới năm ngoái (2015) chỉ tuyển được có 2.422 sinh viên trong số 4.500, đạt tỉ lệ 53,82%. Chia sẻ về thực trạng này, ông Phạm Văn Hữu - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, có rất nhiều lý do khiến nguồn tuyển hệ đào tạo này giảm sút dần qua các năm, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chính sau: Xét ở đầu vào thì một lượng lớn thí sinh bị thu hút bởi hệ đào tạo chính quy của nhiều trường ĐH khác; còn khi tới đầu ra thì một số địa phương, bộ, ngành không mặn mà trong tuyển dụng những người có bằng ĐH VLVH. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực đào tạo - cấp bằng VLVH ngày càng gay gắt như: Hạ thấp điều kiện, tiêu chuẩn tuyển sinh, dễ dãi trong tổ chức quản lý đào tạo, đưa ra mức học phí thấp, chấp nhận giảm lợi ích để mở rộng thị trường đào tạo. Hay về chương trình, cơ cấu môn học, học phần và thời lượng của một số môn học không thích hợp đối với đặc điểm của người học hệ VLVH….
Ngoài ra, theo ông Vũ Duy Hiền - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), dạy học theo kiểu cuốn chiếu hoặc bán cuốn chiếu trong đào tạo VLVH theo kiểu quá dễ dãi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng thấp, do áp dụng công nghệ đào tạo không phù hợp.
Đổi mới để lấy lại niềm tin
Nhằm nâng cao chất lượng hệ VLVH, mới đây, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo về Quy chế Đào tạo trình độ ĐH theo hình thức VLVH để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Trong đó, Bộ GDĐT đã đề xuất: Việc tổ chức và quản lý đào tạo VLVH được thực hiện theo chế độ tín chỉ, chương trình đào tạo có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy. Đề thi kết thúc học phần phải sử dụng ngân hàng đề thi chung với hệ đào tạo chính quy của cơ sở đào tạo. Người học theo hình thức VLVH có thể học và thi để tích lũy một số tín chỉ cùng hệ đào tạo chính quy. Điểm đánh giá học phần, điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp cũng được thực hiện theo quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy và hệ thống tín chỉ hiện hành…
Ngay lập tức, dự thảo đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội và nhận được phản hồi tích cực từ các cơ sở đào tạo lẫn các chuyên gia giáo dục. Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), để hệ VHVL có chất lượng, cần phải có sự mềm dẻo về quy trình và chặt chẽ về chất lượng đào tạo. “Dự thảo đã bám sát chương trình, nội dung và tiếp cận với đánh giá với hệ chính quy, nhưng cần mềm dẻo về quy trình, có nghĩa rằng thời gian của người học có thể dài ra, chứ không chỉ học tập trung trong một số năm. Đồng thời, sự mềm dẻo ở đây, tức là người học có thể lấy kết quả học ở chính quy (đối với một số môn) thay cho chương trình học ở hệ vừa làm, vừa học. Cũng có thể được chấp nhận trong quá trình đánh giá thi cử, thể hiện ở việc số lần thi có thể nhiều hơn. Trên tinh thần như vậy thì người học sẽ học tốt” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Cũng theo TS Khuyến, để cho hệ này có chất lượng, dứt khoát phải chấp nhận cùng chuẩn đánh giá với hệ chính quy. Muốn vậy, tổ chức đào tạo sẽ phải nghiêm túc, không tổ chức lớp học riêng, không bớt thời gian, thầy phải chặt chẽ khâu cho điểm. Đích cuối cùng để đi tới là đảm bảo cho người học có văn bằng được xã hội đánh giá bình đẳng với hệ chính quy.
Ngoài ra, để dỡ bỏ tâm lý không coi trọng nguồn nhân lực từ hệ ĐH VLVH của các nhà tuyển dụng, theo ông Vũ Duy Hiền, cần khuyến nghị thay đổi chính sách tuyển dụng nhân lực của các cơ quan Nhà nước. Chính sách dùng người tài của Nhà nước và thái độ của xã hội về vấn đề bằng cấp. Bởi việc đánh giá năng lực con người là rất khó, không thể chỉ dựa vào số bằng cấp mà họ sở hữu. Khi người tài được đặt đúng chỗ, được nhìn nhận xứng đáng thì mọi người trong xã hội sẽ cố gắng trở thành giỏi, thay vì nỗ lực có được tấm bằng chứ không cần trau dồi kiến thức, năng lực cần có. |
Tác giả bài viết: Khánh Vũ