Giáo dục

Nhịn ăn một bữa, đói một bữa - ngừng học một ngày đói cả tương lai

Trong các trại tị nạn ở Trung Đông người ta vẫn tổ chức lớp học cho trẻ em, vì sao ở Hà Tĩnh có trường, có thầy mà trẻ không được đi học?

Tình trạng một số người, trong đó có cha mẹ học sinh không cho con em đến trường học tập xuất hiện gần đây tại Hà Nội và Hà Tĩnh cho thấy một cách ứng xử vội vàng của cha mẹ học sinh, gây thiệt hại cho chính con em mình.

Cuối tháng 12/2015, tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học do các bậc phụ huynh phản đối việc thu hồi bãi giữ xe chợ Nành, xây Trung tâm thương mại.

Vì mưu sinh gia đình, nhiều em nhỏ bỏ học để ra sông tìm vàng ở Kon Tum (Ảnh: nld.com.vn).


Thông tin cho biết 940 học sinh trường Trung học Cơ sở và 1.646 học sinh trường Tiểu học tại xã Ninh Hiệp bị cha mẹ và một số người dân bắt nghỉ học, ngăn cản không cho vào trường.

Thậm chí thầy cô muốn vào trường cũng phải xin phép người dân, phải giải thích mình là giáo viên trong trường và mong muốn người dân cho mình vào trường để làm tròn nhiệm vụ.

Tại xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau ngày khai giảng 5/9/2016 vẫn có gần 1.000 học sinh chưa đi học.

Lý do mà một số phụ huynh đưa ra là “gia đình chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề biển. Bây giờ biển bẩn, cá không bán được, lấy gì để các con đóng học phí?”

Báo Thanh niên dẫn ý kiến của ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vụ việc ở Ninh Hiệp:

“Việc dùng trẻ em làm công cụ để phản đối một vấn đề nào đó là cách làm không thể chấp nhận được… Hành động ngăn cản không cho con đi học là vi phạm pháp luật”.

Là phụ huynh và cũng là thầy giáo, người viết cho rằng thể hiện thái độ gay gắt dù ở bất kỳ cương vị nào cũng không nên. Người dân cần bình tĩnh cân nhắc quyền lợi của con em mình, lãnh đạo chính quyền địa phương cần có ngay giải pháp thích hợp động viên, tạo điều kiện để các gia đình cho con em đi học.

Nhớ lại thời kháng chiến chống Mỹ, thời mà Trần Đăng Khoa mô tả “Những trưa tháng sáu; Nước như ai nấu; Chết cả cá cờ; Cua ngoi lên bờ; Mẹ em xuống cấy…”, trẻ em vẫn đội mũ rơm đi học.

Gần 1.000 em học sinh ở xã Kỳ Hà (Hà Tĩnh) chưa được đến trường vì phụ huynh muốn được miễn giảm hết các khoản đóng góp (Ảnh: Đ.N)


Dù nghèo đói, dù gian khổ đến mấy, chưa bao giờ người Việt ngăn cản con em mình tiếp thu kiến thức từ trường học.

Truyền thống hiếu học từ ngàn đời nay làm nên nét khác biệt của Việt Nam với thế giới, dù thu nhập thấp, dù điều kiện dành cho giáo dục còn hạn hẹp, học sinh Việt Nam vẫn đạt được thành tích đáng khích lệ khiến quốc tế phải công nhận.

Hà Nội là trung tâm chính trị văn hóa của cả nước, Hà Tĩnh là đất học có truyền thống, vậy tại sao lại xuất hiện tình trạng ngăn cản con em đi học chỉ vì những bức xúc của người lớn?

Chính nhờ truyền thống vượt lên khó khăn, truyền thống hiếu học của quê hương mà Hà Tĩnh đã đóng góp 16/200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Chính phủ mới có 4/27 thành viên quê gốc Hà Tĩnh.

Có một câu ngạn ngữ thế này: “Nhịn ăn một bữa đói một bữa, ngừng học một ngày đói cả tương lai”.

Các bậc phụ huynh có nên vì cái đói, cái nghèo vật chất tạm thời mà khiến cho con em mình “đói cả tương lai”?
Không được đến lớp, nhiều em ở Kỳ Hà (Hà Tĩnh) tập trung ra đồng chơi (Ảnh: Đ.N)

Báo chí từng nêu câu chuyện ông Nguyễn Hữu Định, người cha 10 năm sống trong ống cống, gầm cầu nhặt rác mưu sinh nuôi 2 con ăn học phổ thông, các con ông bước vào giảng đường Đại học trong khi ông vẫn chạy xe ôm, bơm vá xe máy kiếm tiền từ sáng đến tối.

Người Việt xa xứ dù trở thành công dân nước khác vẫn mang khát vọng tri thức của dân tộc vào công cuộc mưu sinh, thành tích học tập của con em họ trở thành hiện tượng mà các nhà giáo dục phương Tây không thể lý giải được.

Càng nghèo càng cần phải học, học không chỉ để thoát nghèo mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

Phần đông người Việt hiểu rằng vốn quý nhất để lại cho con cháu không phải là tiền bạc mà là tri thức.

Thế nhưng tri thức không thể mua bằng tiền, tri thức chỉ có thể tích lũy thông qua giáo dục, thông qua việc học tập trong nhà trường và cuộc sống.

Người viết hy vọng các bậc phụ huynh dù trong hoàn cảnh nào cũng không ngăn cản việc học hành của con cái, hãy vì quyền lợi của các cháu mà tạm quên đi nỗi bức xúc của bản thân, ngay cả khi đó là những bức xúc hoàn toàn chính đáng.

Người dân xã Kỳ Hà (Hà Tĩnh) thiếu tiền đóng học cho con là một thực tế.

Thực trạng kinh tế khó khăn hiện nay không chỉ là của riêng người dân Kỳ Hà mà còn là của người dân ở một số nơi, bởi cho con em đi học, ngoài học phí còn cần sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, cái gì cũng phải mua bằng tiền.

Nhưng cũng cần lưu tâm rằng đã 5 tháng trôi qua kể từ khi biển nhiễm độc, ngư dân gặp khó khăn, người dân Hà Tĩnh vẫn còn phải chờ đợi, nói như ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Kỳ Hà:

“Việc xử lý, hay đền bù, miễn giảm cho học sinh sau sự cố Formosa là nằm ngoài thẩm quyền của thị xã. Chúng tôi cần sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh để giải quyết những vấn đề này”.

Còn cấp lãnh đạo khác thì phân trần: “Nhà nước đã có thông báo miễn giảm cho con em vùng chịu ảnh hưởng từ sự cố, nhưng chưa có văn bản cụ thể nên bà con vẫn đang không cho học sinh đến lớp”, tại sao lại như vậy?

Thực tế thì chính quyền Hà Tĩnh phải là cơ quan đầu tiên chăm lo cho người dân trước khi Trung ương và đồng bào cả nước chung sức, chung lòng.

Thoái thác trách nhiệm hay thờ ơ trước khó khăn của người dân không phải là cách thức vận hành của chính quyền do dân và vì dân, càng không phải là thái độ ứng xử của những người đảng viên chân chính.

Thiết nghĩ việc cần làm lúc này của những người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh là đối thoại với dân, là trích ngân quỹ mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh vùng bị sự cố để bằng mọi cách đưa các cháu đến trường.

Dù với bất kỳ lý do nào, trẻ em không được đến trường là lỗi của người lớn, lỗi của phụ huynh và lỗi của chính quyền.

Trước khi cố gắng tìm và quy lỗi cho ai đó, thiết nghĩ tất cả chúng ta, kể cả người ngoài cuộc hãy xem lại chính mình.

Không được phép lợi dụng trẻ em như là một công cụ để trục lợi, bất kể là trục lợi vật chất hay chính trị.

Trong các trại tị nạn ở Trung Đông, người ta vẫn tổ chức lớp học cho trẻ em, vì sao ở Hà Tĩnh có trường, có thầy mà trẻ em không được đi học?

Là nhà giáo, tôi khẩn khoản đề nghị các bậc làm cha làm mẹ hãy chấm dứt ngăn cản con em đến trường, hãy nhớ lời dạy của Cụ Hồ:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Tác giả bài viết: Xuân Dương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP