LTS: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo kỳ thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học cao đẳng 2017 đang nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi đánh giá cao những thay đổi tích cực trong điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ tiếp tục tạo nên nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Đồng thời, TS.Nguyễn Tiến Luận cũng cho rằng, Bộ Giáo dục cần dành nhiều sự chú ý tới sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập, dù rất cố gắng nhưng vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt thòi khi các trường công lập hưởng nhiều chính sách ưu đãi, vơ vét thí sinh nhưng khi cử nhân thất nghiệp cũng không phải chịu trách nhiệm gì.
Ông có suy nghĩ gì trước những nội dung trong dự án thảo kỳ thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học cao đẳng năm tới?
TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi cho rằng phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản về những vấn đề thi cử gây ra nhiều bức xúc trong đời sống xã hội những năm qua.
Trên thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 cũng đã đạt được nhiều dấu ấn tốt đẹp, giảm được gánh nặng, áp lực cho cả thí sinh và phụ huynh.
Theo dự kiến thì kỳ thi 2017 sẽ chỉ còn 2 ngày, tức là giảm được 2 ngày so với kỳ thi năm 2016. Bên cạnh đó, tính chịu trách nhiệm của các Sở Giáo dục địa phương cũng tăng lên, sẽ dần dần loại bỏ dạy thêm, học thêm, học lệch (do đề thi là tích hợp).
Đề thi khác nhau cho từng thí sinh nên cũng chấm dứt luôn chuyện quay cóp bài. Chấm thi bằng máy tính sẽ hạn chế tối đa tiêu cực.
Như vậy là phương án thi 2017 đạt được yêu cầu đơn giản hơn, giảm áp lực và tốn kém chi phí cho cả thí sinh, các gia đình và nhà nước; đảm bảo khách quan, công bằng và chất lượng đào tạo cơ bản toàn diện ở các môn học.
TS.Nguyễn Tiến Luận cho rằng cần phải làm rõ vấn đề nhiều trường đại học tuyển sinh tràn lan, cử nhân không tìm được việc làm nhưng không phải chịu trách nhiệm. ảnh: Ngọc Quang.
Vậy có điều gì ông thấy băn khoăn không?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Tôi cho rằng về lâu dài cần đơn giản hơn đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức thi hay xét tốt nghiệp nên giao cho các trường tổ chức sẽ đơn giản hơn, Bộ Giáo dục tập trung đúng vào nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, cần phải hết sức chú ý phân luồng nhóm học sinh, việc này vô cùng quan trọng và phải làm ngay khi đã đơn giản hóa được kỳ thi.
Đối với học sinh tốt nghiệp THCS, có thể chia tách làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất, sau khi học hết lớp 10 sẽ kết hợp học văn hóa và học nghề. Như vậy, khi các em tốt nghiệp THPT đã đủ 18 tuổi và hoàn toàn có thể tìm kiếm việc làm ngay, hoặc có thể tự tổ chức các cơ sở kinh doanh của riêng mình.
Như vậy, cả gia đình và xã hội tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, chứ đâu cần phải đợi hết lớp 12 mới học nghề.
Nhóm thứ hai, học hết lớp 11 là được học Cao đẳng nghề. Nhóm này sẽ tạo ra những công nhân kỹ thuật có trình độ cao hơn nhóm thứ nhất.
Nếu phân luồng như vậy thì hai nhóm này chiếm từ 40 – 50%, là một lực lượng lao động hết sức cần thiết, vừa giải quyết được bài toán việc làm, vừa tạo được sự ổn định trong đời sống xã hội mà lại ngăn chặn được vấn đề ùn ùn đổ vào đại học rồi thất nghiệp.
Số còn lại vào khoảng 50 – 60% học hết lớp 12 sẽ vào đại học. Nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất đối với nhóm này thì vấn đề tự chủ đại học cần phải làm mạnh hơn và nhanh hơn.
Nếu cứ bùng nhùng như bây giờ thì cả chục năm nữa chất lượng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu.
Bao nhiêu năm nay, các trường đại học, cao đẳng công lập được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước về cơ sở vật chất, về chi phí cho giảng viên... nhưng thử hỏi khi sản phẩm của họ bị lỗi, các cử nhân thất nghiệp tràn lan thì có ai phải chịu trách nhiệm không?
Theo tôi, nhà nước mà trực tiếp quản lý là Bộ Giáo dục cần phải xem lại hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng công lập.
Phải đánh giá được với những chi phí mà nhà nước đã bỏ ra hàng năm thì những trường này đóng góp được gì, có tương xứng không
Thực tế là có cả những trường được nâng cấp từ Cao đẳng lên Đại học, chất lượng đào tạo cũng chẳng khá hơn, nhưng có cái mác thì tuyển sinh dễ hơn.
Nhiều thí sinh bây giờ vẫn lo lắng và thường thì sẽ chọn học trường công lập để nhờ cái mác ấy sau này xin việc cho dễ.
Nhưng suy nghĩ ấy bây giờ đã lạc hậu mất rồi, vì ngoài chuyện có thể xin vào một số cơ quan nhà nước, còn lại cái bằng không quyết định được vị trí việc làm.
Như công bố của Bộ Lao động Thương binh và xã hội quý II vừa qua có 191.000 người thất nghiệp có trình độ đại học (con số này trên thực tế có thể nhiều hơn).
Như vậy, họ sẽ phải tìm một công việc nào đó để tạm thời tồn tại cho dù không đúng với chuyên ngành được đào tạo, đó là một sự lãng phí lớn.
Một số thì trở lại học nghề để tìm việc làm, đó là kiểu lãng phí thứ hai.
Thứ ba là số thất nghiệp ngày càng nhiều hơn và nhà nước sẽ phải chi tiền để gỡ rối vấn đề này, đó lại là một lãng phí nữa.
Trong khi đó, để tạo sự phát triển lành mạnh cho giáo dục đại học thì dứt khoát phải cắt bỏ bao cấp, đó là cách duy nhất để các trường buộc phải chịu trách nhiệm với sản phẩm đào tạo.
Chỉ khi nào trách nhiệm của những Hiệu trưởng, của những giảng viên gắn với từng sản phẩm thì mới dẹp được chuyện cử nhân không viết nổi cái đơn xin tuyển dụng, không biết sử dụng máy photocoppy, không biết kỹ năng thuyết trình, yếu kém về ngoại ngữ...
Đa phần cử nhân tốt nghiệp các trường đại học công lập đều thiếu kỹ năng mềm, điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội tìm kiếm việc làm. ảnh: GDVN.
Nhưng đã 10 năm qua mà vẫn chưa tách được các trường ra khỏi sự quản lý của các bộ, ngành. Theo ông, vì sao một chủ trương tốt như vậy lại chậm triển khai đến thế?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Chúng ta thấy đấy, từ thời bao cấp tới giờ, rất nhiều việc nhà nước để cho tư nhân làm đều thu được hiệu quả tốt. Nói thế để khẳng định rằng, nhà nước cứ cắt bao cấp đi và giao quyền gắn với trách nhiệm, rõ ràng, minh bạch thì tự nhiên mọi thứ sẽ tốt lên.
Thời gian gần đây, Chính phủ cũng tiếp tục yêu cầu phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Thủ tướng cũng đã từ chỉ rõ là Chính phủ không bán bia, không bán sữa, cái gì tư nhân làm được thì hãy để cho tư nhân làm.
Trên tinh thần ấy, tôi tin rằng chỉ khi nào các chính sách về giáo dục đại học chuyển biến mạnh theo hướng hoàn toàn độc lập, tự chủ thì mới nâng được chất lượng đào tạo.
Trên thế giới, những nền giáo dục phát triển cũng vậy thôi, nhà nước không có bao cấp cho mấy trăm trường như ở nước ta.
Họ chỉ đào tạo một số ngành nhà nước cần bố trí nhân sự, một số ngành có tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, họ có một số trường đại học cộng đồng để hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn.
Còn lại, các trường hoàn toàn chủ động trong đào tạo và học phí và thị trường sẽ lọc ra những đơn vị nào đào tạo tốt hoặc yếu kém.
Trường nào tổ chức không tốt, đào tạo kém thì tự đóng cửa. Nếu làm được như vậy, nhà nước sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, dành nguồn lực ấy vào những việc khác thực sự xứng đáng.
Vấn đề các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam trực thuộc bộ này, bộ kia quả thực đã tồn tại nhiều năm và rất cần có các giải pháp xử lý dứt điểm, nhằm đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động và đồng thời cũng nâng cao hơn chất lượng đào tạo.
Vấn đề này cũng đã từng được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra trong cuộc làm việc với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cách đây ít lâu. Để giải quyết vấn đề này thì phải bằng cách áp dụng các tiêu chí kiểm định, công khai minh bạch, để từ đó phân tầng, xếp hạng
Đây là một vấn đề khó, bởi vì nó liên quan tới lợi ích, liên quan đến quyền lợi của một số cá nhân hay một nhóm nào đó.
Một ông Hiệu trưởng được lãnh đạo cấp Bộ bổ nhiệm thì Hội đồng nhà trường đâu có nghĩa lý gì? Có mấy Hiệu trưởng thực sự dám đổi mới, bởi vì một nhiệm kỳ thì ngắn mấy ai lại “mua dây buộc mình”.
Thậm chí trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, nhiều trường Đại học công lập cũng hạ điểm xuống kịch sàn hoặc sát với sàn để nhận hồ sơ đấy thôi.
Những biểu hiện đó cũng đã bị Bộ trưởng và nhiều chuyên gia giáo dục phản đối, vì đó là lối ứng xử kém văn hóa, tiếp tục làm “xa mạc hóa” các trường ngoài công lập bằng cách vơ vét thí sinh, nhưng lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.
Cái cơ chế lạc hậu, cũ kỹ ấy đang khiến cho nền giáo dục chậm đổi mới, và vì vậy rất cần Chính phủ quyết tâm hơn, cần Bộ Giáo dục quyết tâm hơn và rất cần các ngành cũng phải nhìn thấy lợi ích chung của quốc gia, của tương lai đất nước này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Ngọc Quang (Thực hiện)