Gốc rạ trên đồng ruộng Hạ Trạch chết khô do nước nhiễm mặn. |
Tuyến đê ngăn mặn thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vốn đã xuống cấp nhưng sau bão số 10 càng xác xơ hơn. Sóng lớn và triều cường dâng cao gây sạt lở và cuốn trôi nhiều đoạn, khiến hơn 100 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng và gần 250 ha đất nông nghiệp của 800 hộ dân nơi đây có nguy cơ bị nhiễm mặn.
Ông Nguyễn Xuân Hòa ở xã Hạ Trạch cho biết, tuyến đê này vào mùa mưa lũ năm nào cũng vỡ, sau đó chính quyền huy động người dân hàn vá lại. Nhưng trận bão số 10 vừa qua quá to, triều cường lại dâng đến vài mét nên tuyến đê gần như vỡ hoàn toàn, nước biển tràn vào ao nuôi tôm và đồng ruộng gây nhiễm mặn, cá tôm chết rất nhiều. Người dân rất mong các cấp, các ngành sớm có biện pháp khắc phục việc đồng ruộng bị nhiễm mặn và tu sửa lại tuyến đê này cho bà con yên tâm sản xuất.
Sau bão số 10, các xã nằm ven sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cũng bị nhiễm mặn do triều dâng cao tràn qua đê ngăn mặn. Theo báo cáo ban đầu của thị xã Ba Đồn, hiện có hơn 1.300 ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn và nguy cơ lan rộng.
Theo người dân địa phương, chỉ một ngày sau bão số 10, nước tràn vào trong ruộng chuyển thành màu đen. Cá, ốc trên ruộng chết hàng loạt. Khoảng hai, ba ngày sau, toàn bộ gốc rạ vừa gặt trên ruộng cũng bị chết rụi. Một số hồ sen cũng bị lụi tàn, nước đen kịt. Độ mặn đo trên ruộng lúa gần ngang với nước biển. Nơi bị nhiễm mặn nghiêm trọng nhất là hai phường Quảng Phúc và Quảng Thuận với tổng diện tích đất nông nghiệp gần 400 ha. UBND thị xã Ba Đồn đã hướng dẫn cho người dân xả hết nước mặn trong ruộng và chờ mưa lũ để rửa mặn.
Tại hội nghị Tỉnh ủy Quảng Bình sáng 2-10, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết, sau bão số 10 một số nơi ở các huyện, thị xã phía bắc của tỉnh có nguy cơ bị nhiễm mặn do triều cường trong bão dâng cao, tràn qua đê vào đồng ruộng, ao nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, do đây đang là giai đoạn đồng ruộng đổ ải, không sản xuất nên không gây thiệt hại.
Sau khi kiểm tra thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề xuất biện pháp xử lý như sau: Trước hết là tranh thủ mưa lũ để rửa mặn. Do Quảng Bình mới bước vào mùa mưa lũ, trong khi lượng mưa sau bão số 10 còn khá khiêm tốn, do vậy, sắp tới có lũ thì việc rửa mặn đơn giản hơn. Trong trường hợp nếu không có lũ thì ngành nông nghiệp sẽ lập phương án xả nước từ các hồ chứa lớn trong khu vực để thau chua rửa mặn đồng ruộng.
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: Báo Điện tử Nhân Dân