Giáo dục

Nhật Bản sắp bỏ thi trắc nghiệm trong tuyển sinh

Kì thi tuyển sinh vào đại học lần thứ nhất ở Nhật Bản được tiến hành hoàn toàn bằng hình thức thi trắc nghiệm, diễn ra từ năm 1988. Hiện nay nước này đang xem xét thay đổi cách tuyển sinh, bổ sung thêm hình thức tự luận.

Kì thi tuyển sinh vào đại học lần thứ nhất là gì?

Đây là kì thi do Trung tâm tuyển sinh vào đại học (National Center for University Entrance Exammination), một tổ chức có tư cách pháp nhân hành chính độc lập tiến hành trên toàn quốc dành cho các thí sinh muốn dự thi vào các trường đại học ở Nhật Bản.

Mục đích của kì thi này là kiểm tra mức độ thu nhận các kiến thức cơ bản của thí sinh vì vậy toàn bộ các môn thi đều được tiến hành bằng hình thức trắc nghiệm.

Kết quả của kì thi này sẽ trở thành điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển hoặc dự thi tiếp kì thi thứ hai do các trường đại học tổ chức (ở Nhật Bản không có kì thi tốt nghiệp THPT, việc xét tốt nghiệp do các trường tự chủ tiến hành).

Kỳ thi tuyển sinh ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Times


Kì thi này được tiến hành thử nghiệm năm 1988 và chính thức bắt đầu vào năm 1990. Ban đầu chỉ có các trường đại học công lập sử dụng kết quả này tuy nhiên dần dần các đại học tư thục cũng tham gia. Hiện nay có đến 80% các đại học tư thục ở Nhật Bản sử dụng kết quả kì thi này trong công tác tuyển sinh.

Đây là kì thi chung cho tất cả các thí sinh bất kể thí sinh đó sẽ đăng kí xét tuyển vào trường đại học nào, ngành học nào.

Thời gian thi thường được diễn ra trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật đầu tiên ngay sau ngày 13 tháng 1 hàng năm. Trước đó vào tháng 9 các tài liệu hướng dẫn cần thiết đã được gửi tới các thí sinh và vào khoảng tháng 10 các thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Sau khi thi, vào cuối tháng 1 các thí sinh sẽ nhận được kết quả để nộp đơn xét tuyển hoặc dự thi vào các trường đại học (kỳ thi thứ hai).

Địa điểm thi thường là ở các trường đại học nhưng cũng có năm Trung tâm tuyển sinh sử dụng cả một bộ phận các trường dự bị hoặc trường phổ thông.

Cách thức ra đề

Việc ra đề thi hoàn toàn do Trung tâm tuyển sinh nói trên tiến hành.

Để biên soạn các đề thi trung tâm lập ra một ủy ban chuyên môn gọi là “Ủy ban thứ nhất về các môn giáo khoa” gồm 400 thành viên chủ yếu là các giảng viên ở các trường đại học công lập và tư thục trên toàn quốc.

Các thành viên này sẽ luân phiên làm việc trong khoảng 2 năm ở 24 tiểu ban để xây dựng nên toàn bộ các đề thi.

Đề sau khi làm xong sẽ được chuyển cho “Ủy ban thứ hai” gồm 100 người vốn từng là thành viên của “Ủy ban thứ nhất” và có nhiều kinh nghiệm ra đề. Các thành viên này sẽ làm việc trong các tiểu ban để kiểm tra cẩn thận nội dung câu hỏi, đáp án, cấu tạo đề, thuật ngữ, chính tả.

Sau khi công việc này kết thúc, bộ đề được chuyển tới “Ủy ban thứ ba” để các thành viên ở đây kiểm tra xem cách thức diễn đạt của đề đã hợp lý chưa, có sự trùng hợp các câu hỏi giữa các môn không, câu hỏi đưa ra có vượt ra khỏi phạm vi chương trình hay không…

Các đề sau khi được rà soát xong lần cuối cùng sẽ được chuyển đi in và bảo quản trong kho với chế độ an ninh nghiêm ngặt 24/24. Sau đó, trước ngày thi, đề sẽ được chuyển đến khoảng 700 địa điểm thi trên toàn quốc.

Kết quả thi trong kì thi này được sử dụng để xét tuyển vào đại học vì thế khi làm bài các thí sinh thường ghi chú câu trả lời của mình vào tờ đề để sau đó mang về so sánh với đáp án công bố trên báo hoặc trang web của trung tâm tuyển sinh (http://www.dnc.ac.jp/). Vì vậy, thí sinh sẽ biết được mình được bao nhiêu điểm để lựa chọn trường đại học thích hợp để nộp đơn dự tuyển.

Thí sinh sẽ thi những môn nào?

Về nguyên tắc, các thí sinh sẽ đăng kí thi những môn mà trường đại học mình muốn dự tuyển yêu cầu. Hiện tại các thí sinh ở Nhật có thể lựa chọn 9 phân môn trong số 30 phân môn thuộc 6 môn giáo khoa để đăng ký dự thi.

Tuy nhiên thí sinh không được phép lựa chọn 2 môn có cùng chung tên gọi (ví dụ thí sinh không được chọn cả môn Địa lý A và Địa lý B, Lịch sử Nhật Bản A và Lịch sử Nhật Bản B…).

Sau khi đã nộp đơn đăng kí cho trung tâm, thí sinh không có quyền thay đổi số môn thi và phân môn đã lựa chọn. Dưới đây là các phân môn thuộc 6 môn giáo khoa, thí sinh Nhật Bản có thể lựa chọn cho Kì thi tuyển sinh vào đại học lần thứ nhất năm 2017 (Kì thi trung tâm).

Các môn giáo khoa và phân môn thí sinh có thể đăng ký trong kì thi trung tâm năm 2017

Môn giáo khoa

Phân môn đăng ký dự thi

Ghi chú

Thời gian thi (tính điểm)

Quốc ngữ

Quốc ngữ

Phạm vi ra đề nằm trong phân môn "Quốc ngữ tổng hợp" với các đề liên quan đến các văn bản từ thời cận đại trở đi (2 câu, 100 điểm) và cổ điển (cổ văn: 1 câu, 50 điểm; Hán văn: 1 câu, 50 điểm)

80 phút (200 điểm)

Lịch sử - Địa lý

Lịch sử thế giới A

Lịch sử thế giới B

Lịch sử Nhật Bản A

Lịch sử Nhật Bản B

Địa lý A

Địa lý B

Thí sinh chọn tối đa 2 phân môn trong số 10 phân môn (không được chọn 2 phân môn có cùng chung tên gọi).

Đề thi phân môn "Luân lý, Kinh tế - Chính trị" sẽ ra trong phạm vi tổng hợp phân môn "Luân lý" và "Kinh tế - Chính trị".

Chọn 1 phân môn: 60 phút, 100 điểm.

Chọn 2 phân môn: 120 phút, 200 điểm

Công dân

Xã hội hiện đại

Luân lý

Kinh tế - chính trị

Toán học

Toán học I

(1) Toán học I-Toán học A

(2) Toán học II

Toán học II - Toán học B

Sổ sách - Kế toán

Thông tin cơ bản

Chọn một trong hai phân môn

Chọn một trong bốn phân môn

60 phút, 100 điểm

60 phút, 100 điểm

Khoa học

(1) Vật lý cơ sở

Hóa học cơ sở

Sinh vật cơ sở

Địa học cơ sở

(2) Vật lý

Hóa học

Sinh vật

Địa học

Trong 8 phân môn này sẽ có 4 cách chọn môn thi.

A. Từ Khoa học (1) chọn 2 phân môn

B. Từ Khoa học (2) chọn 1 phân môn

C. Từ Khoa học (1) chọn 2 phân môn và từ Khoa học (2) chọn 1 phân môn

D. Từ Khoa học (2) chọn 2 phân môn

Trong các môn "Vật lý", "Hóa học", "Sinh vật", "Địa học" sẽ có một bộ phận câu hỏi dành cho tự chọn.

Chọn 2 phân môn thuộc Khoa học (1): 60 phút, 100 điểm

Chọn 1 phân môn thuộc Khoa học (2): 60 phút, 100 điểm

Chọn 2 phân môn: 120 phút, 200 điểm

Ngoại ngữ

Tiếng Anh

Tiếng Đức

Tiếng Pháp

Tiếng Trung Quốc

Tiếng Hàn Quốc

Chọn 1 trong 5 phân môn

Thi trên giấy: 80 phút, 200 điểm

Thi nghe (chỉ dành cho tiếng Anh): 30 phút, 50 điểm

(Nguồn: Kỳ thi trung tâm- nghiên cứu các vấn đề quá khứ môn Lịch sử Nhật Bản B, NXB Kyogaku, 2016, tr.5).


Để phục vụ thí sinh, hàng năm các nhà xuất bản đều phát hành các tài liệu luyện thi trong đó có hướng dẫn chi tiết về kì thi như cách thức đăng kí, cách chọn môn thi và hướng dẫn chi tiết giải các đề đã từng xuất hiện trong các kì thi trước đó.

Sau nhiều thập kỉ tồn tại, bên cạnh những ý kiến đánh giá tốt về kì thi trung tâm cũng có nhiều ý kiến cho rằng cách thức thi cử này không còn phù hợp. Kết quả là nước Nhật dự kiến sẽ đình chỉ kì thi này vào năm 2020 để thay bằng hình thức thi khác thích hợp hơn trong thời đại mới.

Đề xuất thay thế cách tuyển sinh từ năm 2020

Đầu tháng 9, Bộ Công nghệ, Khoa học, Thể thao, Văn hóa và Giáo dục Nhật Bản đã đưa ra một đề xuất cụ thể nhằm thay thế Kỳ thi trung tâm quốc gia để tuyển sinh đại học từ năm học 2020. Kỳ thi mới tạm thời được đổi tên thành “Kỳ thi đánh giá học thuật dành cho những người muốn vào đại học”.

Thay vì toàn bộ là đề thi trắc nghiệm, bài thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi yêu cầu câu trả lời ngắn với các môn như tiếng Nhật, Toán học. Riêng môn tiếng Anh sẽ có các bài thi riêng cho kỹ năng nói và viết. Đây là một số điểm khác trong bài thi mới.

Bài thi cũ – chỉ sử dụng hình thức thi trắc nghiệm của Nhật Bản – đang bị chỉ trích là không thể đánh giá đúng khả năng hiểu biết của thí sinh. Các trường đại học của nước này cũng nhấn mạnh rằng một số sinh viên thiếu kỹ năng viết.

Mục đích của bài thi mới nhằm đánh giá khả năng tư duy và thể hiện bản thân của ứng viên, chứ không phải chỉ đánh giá họ biết bao nhiêu kiến thức. Việc cải cách trong bài thi tuyển sinh vào các trường đại học được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi trong các lớp học phổ thông.

Nguyễn Thảo (Theo Japan Times)

Tác giả bài viết: Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương (Nhật Bản)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP