Hôm qua bạn cùng giường, tức bà vợ tôi về nhà trong bộ dạng mặt bí xị, hỏi làm sao thì lại câu quen thuộc "Em bị ngã xe", may mắn là chỉ hơi đau phần mềm chứ không bị trầy xước gì. Nguyên nhân, cũng vẫn câu quen thuộc, "Em đi chậm, đường đông nên bị quệt vào tay lái".
Vợ tôi cũng giống phần đông phụ nữ lái xe, thường đi rất chậm, ngay ở cả những đoạn đòi hỏi phải đi nhanh. Một lần, cả hàng dài xe máy đi sau chiếc xe buýt lầm lũi bò trên đường, khói từ ống xả đen ngòm, phụt ra như cháy nhà, ở làn bên trong, lẽ ra nên đi nhanh hơn một chút để thoát khỏi xe buýt, thì một chị gái đi như dắt bộ cũng lừ đừ ngang xe buýt, báo hại cả đám người hít khói dưới trời nắng chang chang.
Đó chưa phải trường hợp cần nhanh lại chậm duy nhất, còn nhiều vụ khác. Sau khi đèn đỏ chuyển sang xanh, lẽ ra nên nhanh chóng thoát khỏi ngã tư, tránh tắc đường, tạo điều kiện cho xe sau thì mọi người lại từ từ di chuyển như dò đường, báo hại nhiều người phải đợi mấy nhịp đèn đỏ.
Ấy thế nhưng lại cũng đèn đỏ, lúc cần chậm họ lại nhanh. Đó là khi đèn đỏ còn 1-2 giây hoặc đã chuyển sang đèn vàng, đây là lúc cần giảm tốc, dừng lại trước vạch. Nhưng không, ai cũng rồ ga, tăng tốc thật nhanh, bất chấp dòng xe cộ bên kia bắt đầu qua ngã tư, vì thế gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
Hay trên đường cao tốc, xe chạy ở sát dải phân cách giữa đường, nhưng lại nhẹ nhàng như bát phố với tốc độ 60 km/h, mặc cho xe sau lao tới với tốc độ 100-120 km/h xi-nhan, đá pha, bấm còi, họ vẫn mặc kệ, buộc xe sau phải đan làn như vắt sổ. Lúc cần nhanh, thì lại đi chậm.
Đó, cái sự ngược đời nhanh-chậm ở Việt Nam cứ như thế, khiến tôi không biết thế nào mà lần, lúc nào lái xe ra đường cũng lo nơm nớp.
Tác giả bài viết: Nguyên Khoa