Tin địa phương

Nhân rộng những mô hình thiết thực

Chỉ tay qua vườn rau xanh tươi bên hiên nhà, chị Phạm Thị Hà (tổ 15C, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cho biết, trước đây, khu đất này cỏ dại mọc um tùm, vài tuần là dọn vệ sinh. Tuy nhiên, sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Phát phát động mô hình “100 vườn rau sạch”, chị Hà tham gia sản xuất ngay trên mảnh vườn của mình với nhiều loại rau xen kẻ. Đến nay, vườn rau không những đủ dùng trong gia đình mà còn có thể bán cho người tiêu dùng.

Chị Huỳnh Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Phát cho hay, không riêng gì gia đình chị Hà, sau hơn 6 tháng phát động, đến nay trên địa bàn phường vượt qua con số “100 vườn rau sạch”. Từ ý định ban đầu chỉ sản xuất rau sạch để dùng trong gia đình, nhiều hộ đã duy trì được lượng rau sạch để cung cấp ổn định cho các hộ kinh doanh. Như gia đình anh Trịnh Viết Thiện (tổ 16A), chị Trịnh Thị Thu Hoa (tổ 16B)…

Để duy trì mô hình, chị Châu cho biết, Hội LHPN phường đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để kích thích sự tham gia hưởng ứng tích cực của các hộ gia đình như: tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp hạt giống, tìm đầu ra cho sản phẩm… Nhờ đó, mô hình vườn rau sạch đã phát triển rầm rộ trên địa bàn phường Hòa Phát, nhiều hộ không có đất trống thì tận dụng những thùng xốp phế thải hay những chậu trồng cây cảnh để sản xuất rau sạch trên sân thượng của nhà mình.

Tuổi trẻ phường Hòa An cũng có những cách làm sáng tạo để hưởng ứng chương trình “Thành phố 4 an”. Anh Nguyễn Duy Hiệu, Bí thư Đoàn phường Hòa An cho biết, trên địa bàn phường có nhiều hộ nghèo và gia đình chính sách cần hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở (28 hộ với kinh phí trên 530 triệu đồng- PV). Phần lớn những hộ này đều thiếu lực lượng lao động để tháo dỡ công trình, cũng như hỗ trợ trong quá trình xây dựng mới hoặc sửa chữa.

Hơn nữa, kinh phí thuê nhân công không hề nhỏ, trong khi kinh phí phê duyệt cho mỗi công trình trong mức độ giới hạn. Từ thực tế này, Đoàn phường Hòa An tham mưu thành lập một tổ hỗ trợ nhân công, lấy lực lượng đoàn viên thanh niên và dân quân thường trực phường làm nòng cốt.

Công việc của tổ hỗ trợ là giúp các gia đình nghèo tháo dỡ công trình, bổ sung nhân lực trong quá trình thi công nhà ở, thậm chí kiêm cả việc vận động kinh phí để hoàn thiện các khâu còn lại của ngôi nhà như sơn vôi, lắp điện chiếu sáng, nước sinh hoạt... nếu gia đình nghèo, không có khả năng thực hiện.

Từ khi thành lập đến nay, tổ đã trợ giúp 2 hộ nghèo, 13 gia đình chính sách với số tiền vận động và ngày công ước tính gần 100 triệu đồng. Đây không chỉ là mô hình mang tính xung kích, sáng tạo, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của thế hệ trẻ trên địa bàn phường Hòa An.

Ngoài ra, trên địa bàn quận Cẩm Lệ còn có nhiều mô hình thiết thực, bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong thay đổi nếp nghĩ và cách làm của mỗi người dân như: đêm văn nghệ với chủ đề “Chắp cánh ước mơ xanh”, quyên góp kinh phí để hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo của Đoàn phường Hòa Thọ Đông; mô hình “Vì cổng trường bình yên” của Đoàn phường Hòa Thọ Tây; xây dựng Quỹ ấm áp nghĩa tình của Hội LHPN Hòa Phát; phong trào “Phụ nữ Khuê Trung - hành động đẹp - sống văn minh”…

Ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, địa phương luôn xác định thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, các cấp, các ngành trên địa bàn quận đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền sôi nổi, phù hợp với thực tế của từng địa bàn khu dân cư.

Nhờ đó, đến nay đã xuất hiện những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, phù hợp với mỗi gia đình, từng địa bàn khu dân cư. “Trong thời gian đến, quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình để vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng; nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đô thị văn minh; phát huy tính tự quản, tự giác, tinh thần sáng tạo của người dân tại khu dân cư”, ông Trần Văn Phi chia sẻ.

Tác giả: ĐẶNG NỞ

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP