Rất nhiều du khách không mặc áo phao khi đi đò ở Phong Nha |
Ngày 26/04, PV Báo Giao thông có mặt tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) và ghi nhận, dù chưa phải là thời gian cao điểm nhưng lượng khách về đây tham quan khá đông, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài. Rất nhiều du khách lựa chọn hình thức đi đò để tham quan các hang động.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, có rất nhiều du khách, trong đó có cả người già, trẻ con và thậm chí là lái đò không mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi khi thuyền đang chạy trên sông Son.
Trẻ con không mặc áo phao vô tư đứng bên mạn đò |
Chỉ trong vòng hơn 15 phút, PV đếm được hàng chục đò có du khách không mặc áo phao. Điển hình như các đò mang số hiệu: 12QB - 1008, 12QB - 1331, 12QB - 1651, 12 - 303 - QB1329, 12QB - 1333…
Trước thực tế này, ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Các đò trên là của người dân, được UBND xã Sơn Trạch giao cho đơn vị điều hành với tổng cộng 410 đò. Tất cả các đò đã được các cơ quan chức năng kiểm định, người lái đò được cấp chứng chỉ đầy đủ.
Người già cũng vô tư không áo phao đi đò |
Khi được hỏi về thực trạng có rất nhiều du khách không mặc áo phao khi đi đò, ông Lợi khẳng định: "Không có quy định nào bắt buộc đi đò dọc phải mặc áo phao, chỉ cần trên thuyền trang bị vật cứu hộ đủ số lượng".
Ông Lợi khẳng định, đã có đoàn kiểm tra nhưng vì đơn vị có đầy đủ số lượng áo phao cho du khách để trên đò nên chưa lần nào bị xử phạt về công tác đảm bảo an toàn khi đi đò.
Chính các lái đò cũng không mặc áo phao |
Tuy nhiên, Trung tá Phan Thanh Long, Trưởng Đồn công an Phong Nha cho biết: Theo các quy định hiện hành, tất cả người đi đò là phải mặc áo phao. "Đơn vị chỉ có trách nhiệm tuyên truyền chứ không có trách nhiệm kiểm tra xử lý vấn đề người đi đò không mặc áo phao. Trách nhiệm đó thuộc về Công an huyện Bố Trạch”, Trung tá Long nói.
Cùng quan điểm, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Bình, ông Lê Đồng Lợi khẳng định thêm: "Người đi đò dọc hay đò ngang đều phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi trên tay. Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay tình trạng du khách không mặc áo phao khi đi đò ở Phong Nha, nếu có sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Khoản 1. Điều 27. Nghị định 132/2015/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” quy đinh: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. |
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông