Trong nước

Nhà văn Trang Hạ: Về nhà đi, có thể đó là cái Tết cuối cùng của cha mẹ

Năm 20 tuổi, nhà văn Trang Hạ không ăn Tết ở nhà, và chị không biết rằng đó là cái Tết cuối cùng của mẹ.

Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ chọn cách tận hưởng Tết bằng việc đi du lịch mà không về nhà với gia đình. Năm 20 tuổi, nhà văn Trang Hạ cũng chọn cách lên xe máy và ra khỏi nhà trọng dịp Tết. Nhưng đến giờ chị vẫn ân hận vì quyết định đó. Chúng ta cùng nghe những chia sẻ của nữ nhà văn để quyết định Tết đi hay Tết ở:

Những năm gần đây, khi mà kinh tế đời sống tốt lên thì người Việt đi ăn Tết ở nước ngoài hay đi du lịch rất nhiều. Và trên khắp các mạng xã hội nổ ra cuộc tranh luận câu chuyện Tết đi hay Tết ở. Ở là ở nhà, nhưng với tâm thế như thế nào và đi là đi đâu, với mục đích gì?

Và cuộc tranh cãi ấy nói lên một điều rất quan trọng là người trẻ trong xã hội mong muốn đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống. Tranh cãi Tết đi hay Tết ở, không phải là việc bạn tiêu 3 ngày Tết vào đâu, mà nói cho cùng, là bạn đang tìm kiếm giá trị gì trong cuộc đời này.


Tết là ngày đoàn viên ấm áp, thiêng liêng.

Đầu tiên phải xác định giá trị của việc đi hay ở là gì? Đó là trải nghiệm hay là trao gửi yêu thương, hay giá trị đó là quan tâm tới người khác, hay tranh thủ dịp này để làm bản thân mình trưởng thành lên trong nhận thức xã hội, cũng như là kết nối xã hội trong quá trình mình đi kết nối rồi dành thời gian cho cộng đồng.

Thứ nhất, bạn phải xác định giá trị bạn theo đuổi. Thứ hai, là giá trị cốt lõi từ việc đi hay ở là ta được nhận gì cho bản thân, cho cuộc sống hoặc ta tìm kiếm gì cho cuộc sống.

Cho nên, tôi nghĩ tôi đủ tư cách để nói với các bạn trẻ rằng, một năm có 365 ngày thì có đến 140 ngày nghỉ, các bạn có thể đi du lịch cả 140 ngày ấy, tại sao lại là 3 ngày Tết?

Nếu bạn nói ngày thường không có thời gian, thì hãy đặt câu hỏi ngược lại: Vậy 140 ngày nghỉ bạn đã làm gì để 3 ngày Tết bạn phải tranh thủ?

Ăn và chơi ngày nào bạn cũng làm điều đấy được. Bánh chưng bạn có thể ăn quanh năm, và chơi Tết thì ngày nào cũng có thể biến thành lễ hội của bạn được.

Nhưng có một thứ quan trọng nhất trong dịp Tết, đó là kết nối cộng đồng theo một cách rất Việt Nam. Có thể là đi chúc Tết, có thể là đi đón khách có thể là trò chuyện… bạn sẽ thấy năm nào cũng giống như năm nào, nhưng có những lý do khiến dịp Tết trở nên quan trọng. Bởi vì, ý nghĩa quan trọng của dịp Tết là kết nối cộng đồng.

Khi bạn đi, bạn có thể khám phá một điểm đến mới, nhưng bạn mất đi toàn bộ cơ hội kết nối cộng đồng sau lưng.

Tôi đánh giá rằng, ưu thế và nguồn lực lớn nhất của tuổi trẻ là kết nối cộng đồng, bởi vì nó sẽ hỗ trợ trong cả sự nghiệp lẫn mối quan hệ gia đình. Nếu bạn bỏ qua nó hoặc bạn là một kẻ rất giàu, hoặc bạn là một kẻ rất mạnh, hoặc bạn là một kẻ lạnh lùng.

Bạn có vô số các cơ hội để thể hiện mình trong xã hội, nhưng chỉ có 3 ngày Tết để bạn thấy vị trí của mình trong cộng đồng làng xã, trong những mối quan hệ thân quen, gia đình.

Tôi nghĩ, dù ở nhà hay đi du lịch, nhưng nếu như ngày Tết không đem lại cho bạn sự đoàn viên, ấm áp thiêng liêng hoặc một giá trị nào đó có ý nghĩa cho bạn hay cho gia đình, mà bạn ở nhà suốt ngày cắm mặt vào chơi game, lướt facebook… nhốt mình trong phòng thì Tết chỉ là dịp ăn no ngủ kỹ và nó hoàn toàn vô giá trị với những người quanh bạn, cũng như với bản thân.

Cho nên việc đi hay ở do bạn quyết định, nhưng quan trọng hơn điều đấy nó mang lại gì cho cá nhân bạn và người quanh bạn.

Tôi cho rằng, đúng là việc bạn "xách balo lên và đi" tốt hơn bạn ngồi một chỗ. Nhưng hãy quan tâm đến gia đình hơn, đến cảm nhận của người khác như bố mẹ, người thân của bạn.

Khi bạn đi hãy cố gắng có mục tiêu rõ ràng, đi để thu lượm được những hiểu biết văn hóa xã hội con người, mở rộng tầm mắt, trang bị thêm kỹ năng sống, sẵn sàng tâm thế để trưởng thành, chứ không phải đi là để tiêu hết 3 ngày Tết.

Cho nên việc bạn đi hay bạn ở, nó phụ thuộc vào việc sau Tết này bạn có trưởng thành hơn không hay là năm nào cũng thế, đến gần Tết bạn chỉ có mỗi câu hỏi là mình đi hay mình ở mà mấy năm trời vẫn không trả lời được.

Cá nhân tôi, tôi vẫn ở nhà, vẫn ở Hà Nội. Dù đi đâu đi chăng nữa, nếu các chuyến đi trong năm không giúp bạn trưởng thành được thì cũng đừng mong chờ vào việc bạn vắng nhà 3 ngày Tết.


Nhà văn Trang Hạ chia sẻ, năm 20 tuổi chị đã không ăn Tết ở nhà. Chị không biết rằng đó là cái Tết cuối cùng của mẹ. Và đến giờ chị vẫn ân hận vì quyết định đó

Năm 1995, tròn 20 tuổi, trong tay lại có chút tiền, đã kiếm đủ tiền mua chiếc xe máy đầu đời (hồi đó là cub 81, đắt ngang một gia tài bây giờ) – tôi quyết định chạy xe máy từ Hà Nội về Nam Định ăn Tết ở nhà bạn của một người bạn! Hồi đó còn trẻ, còn không biết nghĩ, chỉ đơn giản là đi chơi. Năm ấy đầu 1996 lại là năm đầu tiên cấm đốt pháo. Không có pháo thì Tết còn gì vui, lớn rồi ở nhà có ai mừng tuổi, năm nào cũng loanh quanh, năm nay vừa lấy được bằng lái xe máy, đi loanh quanh Hà Nội phố xá bé tí…

Hồi ấy Tết chỉ có nghĩa là ăn chơi, rửa bát, rồi lại đi chơi, đi ăn, rồi lại về nằm ngủ cho no mắt, hay nằm đọc báo Tết. Những rặng cây ngoài cửa sổ, gió mùa đông bắc thổi ầm ầm thế kia, buồn nhão cả đôi chân. Thế nên phải đi!

Chạy xe trăm cây số về quê nhà bạn, ăn Tết nhà bạn, vui với bố mẹ bạn, đi chơi chúc Tết nhà người quen bạn bè của bạn, thấy cuộc đời sao tự do rộng rãi. Sống là phải thế này mới là tuổi trẻ!

Lúc đấy không có ai nói cho tôi biết rằng, đó là những giây phút ăn Tết cuối cùng trong đời tôi còn có mẹ! Cái Tết sau, nhà tôi không hề có Tết vì mẹ ốm thập tử nhất sinh, không biết ra đi lúc nào! Có một buổi tối 28 Tết năm ấy, mẹ muốn ăn một đĩa rau khoai lang xào, chợ búa cuối năm không có rau lang.

Tôi chạy xe máy lòng vòng hàng chục cây số suốt từ các làng, dọc các hàng rào, từ Nghĩa Đô ra Cổ Nhuế rồi lại quành về Vĩnh Phúc.

Lúc đã tuyệt vọng và đi về sau hai tiếng lang thang không tìm được, tôi nhìn thấy trong nước mắt và ánh đèn đường đỏ mờ là một vạt rau khoai lang còi ngay ở bờ đê ở dốc bên kia đối diện Tam Đa. Soi đèn xe máy thấy rõ là rau lang, tôi mừng rỡ chạy vào nhà chủ nói khó xin hái một nắm về nấu cho mẹ ăn.

Trước lúc qua đời, mẹ tôi mất hết hoàn toàn vị giác. Sau này, lần cuối cùng mẹ khóc nấc lên khi tôi bưng bát phở nhỏ bón cho mẹ. Bát phở mua từ hàng phở gia truyền mẹ thích bao nhiêu năm. Mẹ khóc và nói, sao nó không hề giống khẩu vị mà mẹ biết, có phải là mẹ đang chết không con?

Tết năm sau nữa, tôi đeo trên tay băng tang màu đen, không dám đến nhà ai! Ông chồng tôi khi đó còn là người yêu, chở tôi đi chơi lang thang quanh ngoại thành. Tết đi chơi mà nghĩ đến những lúc còn mẹ, nước mắt tôi chảy giàn giụa, lén lút ngồi sau lau vào lưng người yêu!


Nhà văn Trang Hạ: "Nếu được chọn lại, tôi chọn gác lại những cung đường ích kỷ, và trở về nhà".

Giá như có ai đó nói với tôi rằng, cái Tết năm tôi đi xa chính là cái Tết cuối cùng được ở bên mẹ! Tôi kiêu hãnh vì 20 tuổi đã tự mua được xe máy, tự mua được nhà tập thể 40m2 cho bố mẹ ở, đã vào Sài Gòn vài lần, đã có giải thưởng, đã đoạt giải Văn học tuổi 20, đã có tập truyện ngắn đầu tay, đã đi đó đây từ Bắc vào Nam… trong khi bạn bè còn chưa kiếm ra tiền. Nhưng mình không bao giờ biết rằng, niềm kiêu hãnh của những chuyến đi đầy ắp của tuổi trẻ thực ra được đánh đổi bằng những cơ hội hạnh phúc hiếm hoi của cuộc đời.

Chúng ta không bao giờ biết khi nào thì hạnh phúc sẽ rời bỏ chúng ta. Cái Tết vi vu dặm đường xa, cái Tết trào nước mắt đi kiếm một ngọn rau lang, và cái Tết khóc lén lút sau lưng một người bây giờ là bố ba đứa con của mình!

Đó là lý do đã nhiều năm ở nước ngoài nhưng tôi luôn kéo va li trở về ăn Tết Hà Nội. Dù mẹ đã qua đời gần 20 năm nhưng tôi chỉ sau đó mới hiểu được rằng, cần trân trọng mỗi giây phút bên gia đình! Nên tôi trở về.

Tôi biết, ích kỷ là gọi tên những thứ chỉ có ích cho bản thân, nhưng mang lại tiếc nuối cho người thân. Nên nếu được chọn lại, tôi chọn gác lại những cung đường ích kỷ, và trở về nhà, để nhìn thấy mẹ những ngày Tết, dù chẳng làm gì, chỉ là để cảm nhận được ấm áp...

Tác giả bài viết: Đức Thuận (ghi)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP